VNHN - Sau ngày 31/1, EU sẽ mất đi một thành viên quan trọng là Anh - quốc gia lớn nhất và chiếm tới 15% sức mạnh kinh tế của khối và điều này sẽ mang lại nhiều thay đổi lớn.
Điều thực sự thay đổi sau ngày Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đó là EU sẽ lần đầu tiên mất đi một quốc gia thành viên. Không những thế, Anh lại là một trong những quốc gia lớn nhất và giàu nhất chiếm 15% sức mạnh kinh tế. Với sự ra đi của 66 triệu người, EU sẽ chứng kiến dân số khu vực giảm xuống còn 446 triệu người. Tại Brussels, việc các nghị sĩ Anh rút khỏi Nghị viện châu Âu (EP) sẽ cho thấy cho một sự thay đổi rất thực tế: Vương quốc Anh - một quốc gia thành viên từ năm 1973 - trở thành "quốc gia bên ngoài". Không ai trong số 73 nghị sỹ của Anh được bầu hồi tháng 5 vừa qua ở lại nghị viện.
Theo kế hoạch, 46 ghế của Anh trong EP sẽ được dành cho các quốc gia thành viên trong tương lai và 27 ghế sẽ được phân phối lại cho các thành viên hiện tại. Là công dân của một quốc gia ngoài EU, người Anh sẽ không còn có thể đảm nhận các vị trí công chức tại Brussels. Trên thực tế, sự phá vỡ địa chính trị lớn này sẽ chưa có hậu quả ngay lập tức trong những tháng tới. Sang ngày 1/2, Anh chính thức bước vào giai đoạn chuyển tiếp và nước này sẽ vẫn tuân theo các quy tắc và nghĩa vụ của EU đến cuối năm nay.
Anh chính thức rời khỏi EU.
Trong thời gian này, Anh và 27 nước EU sẽ đàm phán các điều khoản về mối quan hệ song phương trong tương lai. Giai đoạn chuyển tiếp được dự báo là sẽ diễn ra rất phức tạp, bởi hai bên sẽ phải giải quyết tranh chấp thương mại cũng như vấn đề hợp tác trong các vấn đề như an ninh và tình báo, tiêu chuẩn cho hàng không dân dụng, tiếp cận vùng biển quốc tế để đánh cá. Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào sáng ngày 1/2 (giờ Việt Nam), khép lại hơn 3 năm đàm phán với nhiều sóng gió trên chính trường kể từ sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý năm 2016.
Ngày 31/1, 3 lãnh đạo hàng đầu của EU gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli đã cùng công bố một lá thư gửi tới Anh, trong đó khẳng định tiến trình Brexit sẽ mở ra một "bình minh mới" cho châu Âu. Các nhà lãnh đạo này cũng cam kết hành động với mọi quyền hạn để đảm bảo mối quan hệ Anh-EU thành công trong tương lai, đồng thời khẳng định sẽ rất chặt chẽ trong quá trình đàm phán quan hệ song phương.
EU sẽ không cho phép Anh tiếp cận thị trường chung châu Âu mà không tuân thủ các quy định về lao động, thuế quan và môi trường. Ba nhà lãnh đạo hàng đầu EU cũng một lần nữa bày tỏ sự hối tiếc trước cuộc "ly hôn " giữa hai bên, đồng thời khẳng định tiến trình Brexit rối loạn trong những năm qua đã phần nào đưa các quốc gia còn lại xích lại gấn ngau và tiếp tục chung tay xây dựng tương lai chung.