13/09/2024 lúc 01:56 (GMT+7)
Breaking News

EEC – sự phác thảo diện mạo châu Âu hiện đại

Sau sự ra đời của Liên minh châu Âu (EU), cái tên ấy đã dần chìm vào quên lãng. Song, suốt 45 năm hiện hữu, Cộng đồng Kinh tế châu Âu (European Economic Community, EEC) thực sự đóng vai trò nền tảng và tiên phong trên phạm vi toàn cầu, không chỉ ở khía cạnh là hình mẫu của các cộng đồng kinh tế được xây dựng trên căn bản những thỏa thuận tự do thương mại, mà còn cả phương diện xoa dịu các bất đồng cũng như nguy cơ xung đột, để hạn chế đến mức thấp nhất các hiểm họa chiến tranh.

Và thật kỳ lạ, nếu ngược thời gian nhìn lại điểm khởi đầu của định chế ấy, ta có thể nhận ra khá nhiều điểm tương đồng với cục diện châu Âu hiện đại. Đặc biệt là các thách thức toàn diện, về cả kinh tế - xã hội lẫn cân bằng chiến lược địa chính trị.

Sự vắng mặt của nước Anh

Thực vậy, ngày 25/3/1957, tại Roma (thủ đô nước Ý), EEC thành hình mà không có sự tham gia của nước Anh. Cộng đồng này còn được gọi bằng một cái tên khác là Thị trường chung (Common Market). Sáu quốc gia sáng lập ký kết hiệp ước bao gồm Pháp, Tây Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ, và Luxembourg. Đến ngày 1/1/1958, tròn 65 năm trước, hiệp ước ấy chính thức có hiệu lực, và nước Anh vẫn cứ vắng mặt.

Hội nghị thành lập EEC - nền móng đầu tiên cho Liên minh châu Âu (EU) hiện đại.

Theo trang History, điều này xuất phát từ nguyên nhân là việc nước Anh thiếu sự tin tưởng vào một tương lai chung của các nền kinh tế châu Âu như vậy. Anh và các nước khác, ban đầu,  từ chối tham gia ECC và thành lập một tổ chức yếu hơn là Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) vào năm 1960, như một lựa chọn thay thế.

Tuy nhiên, đến đầu thập niên 1960, các quốc gia ECC bắt đầu thể hiện những tín hiệu tăng trưởng kinh tế đáng kể. Bởi vậy, nước Anh đã thay đổi lập trường. Tuy nhiên, do “không thoải mái” với các mối liên hệ chặt chẽ giữa Anh với Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Tổng thống Pháp khi đó – ngài Charles de Gaulle - đã hai lần phủ quyết việc Anh gia nhập (năm 1963 và năm 1966). Đến tháng 1/1973, Anh mới trở thành thành viên Cộng đồng châu Âu (EC), sau Ireland và Đan Mạch. Hy Lạp gia nhập EC năm 1981, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha năm 1986, và Đông Đức cũ (trong vị thế một phần của nước Đức thống nhất) gia nhập năm 1990.

Trong những đánh giá khái quát và sơ lược ấy, cũng có thể, History đã bỏ qua một thực tế: Chính nước Anh cũng đang theo đuổi các kế hoạch của riêng mình, về một cộng đồng lớn hơn cả châu Âu: Khối thịnh vượng chung các quốc gia Anh (British Commenwealth of Nations, sau đổi thành Khối thịnh vượng chung/Commonwealth of Nations), thành lập năm 1949, với 54 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên (hầu hết từng là lãnh thổ của đế quốc Anh). Dù muốn dù không, ý tưởng về việc thành lập EEC cũng tạo nên một đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với cộng đồng kinh tế Khối thịnh vượng chung. Bởi vậy, chuyện nước Anh ban đầu hờ hững với EEC, dường như, chẳng có gì bất ngờ.

Khi Paris và Bonn cùng nhìn về một hướng

Nước Anh có con đường riêng (nhưng thực ra, sự biệt lập tương đối với châu Âu lục địa lại luôn là một đặc trưng truyền thống xuyên suốt lịch sử các chính sách đối ngoại Anh quốc). Trong khi đó, trên đống đổ nát của Đệ nhị Thế chiến, cựu lục địa lại thấy mình mắc kẹt giữa sức ảnh hưởng của hai siêu cường, hai trung tâm quyền lực, hai cực mới của trật tự thế giới lưỡng cực: Mỹ, và Liên Xô.

Đến thập niên 1950, các thị trường quốc gia riêng tại châu Âu, vốn tách biệt với nhau bởi những quy định pháp luật về thương mại truyền thống xưa cũ, hiển nhiên đã không còn phù hợp với đà phát triển của guồng máy kinh tế thế giới, cũng như lép vế trước thị trường quốc tế khổng lồ mà nước Mỹ đang nắm cây gậy chỉ huy. Còn ở bên kia “Bức màn thép”, các nền kinh tế Đông Âu dưới sự lãnh đạo của Liên Xô lại có sẵn những nguồn lực kinh tế khổng lồ và lãnh thổ rộng lớn, được chỉ đạo và điều hành một cách tập trung.

Nhưng không chỉ vậy, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu còn lo ngại rằng các cuộc xung đột giữa các quốc gia châu Âu có truyền thống thù địch (như Pháp và Đức) sẽ nối lại, và điều này có thể làm suy yếu các nền kinh tế châu Âu hơn nữa. Trang Britannica nhận xét: Về mặt chính trị, EEC ra đời nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng do hậu quả của Thế chiến thứ hai. Đặc biệt, người ta hy vọng rằng tiến trình hội nhập sẽ thúc đẩy một sự hòa giải lâu dài giữa Pháp và Đức, do đó hạn chế nguy cơ xung đột và xảy ra chiến tranh.

Nói cách khác, lợi ích thiết thực cũng chính là một sự chuẩn bị thiết yếu cho hòa bình, đồng thời tạo lập sự cân bằng về địa chính trị. Một số chính khách và các nhà lý luận chính trị có ảnh hưởng đã đề xuất hội nhập kinh tế như một phương tiện hữu hiệu, để vừa cải thiện môi trường kinh tế của châu Âu, đồng thời phòng ngừa và đẩy lùi bóng ma chiến tranh.

Các bước quan trọng đầu tiên theo hướng này được đưa ra vào năm 1951, khi Pháp và Tây Đức thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC), hội nhập hóa các ngành công nghiệp than và thép của hai nước. Các nhà lãnh đạo Pháp đề xuất tổ chức này với vai trò chủ yếu là một phương tiện giám sát ngành công nghiệp của Đức, và các nhà lãnh đạo Tây Đức đã lập tức đồng ý, nhằm xoa dịu những lo ngại về việc Đức tiến hành quân sự hóa đất nước. Để giám sát ECSC, một số cơ quan siêu quốc gia đã được thành lập, trong đó có một cơ quan điều hành, một hội đồng bộ trưởng, một hội đồng tư vấn, và một tòa án công lý để giải quyết tranh chấp. Ý và ba quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Benelux – tức là Bỉ, Hà Lan, và Luxembourg – đều nhanh chóng gia nhập ECSC. Điều đó đã đặt nền móng cho việc EEC xuất hiện.

Trở thành một hình mẫu

Ngày 25/3/1957, đại diện của sáu quốc gia châu Âu đã ký hai hiệp ước tại Roma. Một hiệp ước thành lập Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu (Euratom) vì sự phát triển chung và hòa bình của các nguồn năng lượng hạt nhân của châu Âu. Hiệp ước còn lại thành lập EEC. Trong EEC, những rào cản thương mại giữa các quốc gia thành viên dần được loại bỏ, và các chính sách chung về giao thông vận tải, nông nghiệp, và các mối quan hệ kinh tế với các quốc gia không phải thành viên cũng được bổ sung. Cuối cùng, lao động và vốn được phép di chuyển tự do trong phạm vi ranh giới của EEC. EEC, ECSC, và Euratom có chung một hội đồng bộ trưởng, một nghị viện đại diện, và một tòa án công lý. Năm 1967, ba tổ chức này được sáp nhập lại thành Cộng đồng châu Âu (EC).

Hiệp ước công nhận chính sách xã hội là một thành phần cơ bản của hội nhập kinh tế (điều hiển nhiên là chịu tác động từ những xung lực vô cùng mạnh mẽ mà chủ nghĩa cộng sản cũng như phong trào cánh tả tạo nên trên toàn thế giới, để đòi hỏi chấm dứt áp bức và bất công), đồng thời thành lập một Quỹ xã hội châu Âu, được thiết kế để tăng cường cơ hội việc làm bằng cách tạo điều kiện thuận lợi sự di chuyển về địa lý và nghề nghiệp của người lao động.

Đến đầu những năm 1990, Cộng đồng châu Âu trở thành cơ sở của Liên minh châu Âu (EU), thành lập năm 1993 sau khi Hiệp ước Maastricht được phê chuẩn. Hiệp ước Maastricht kêu gọi cho một Nghị viện châu Âu mạnh hơn, thành lập ngân hàng trung ương và đồng tiền chung châu Âu, và một chính sách phòng thủ tập thể. Ngoài một thị trường chung châu Âu duy nhất, các quốc gia thành viên cũng tham gia vào một thị trường chung lớn hơn, được gọi là Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA).

Kể từ thời điểm đó cho đến tận khi nước Anh nhất quyết ra đi theo cánh cửa mang tên Brexit (chính thức có hiệu lực ngày 31/1/2020, nhưng đã bắt đầu được khởi xướng từ những năm 2014, và được cụ thể hóa bằng cuộc trưng cầu dân ý năm 2016), EU – định chế kế thừa và phát triển các tính chất ưu việt nhất của EEC – đã luôn được xem là hình mẫu cộng đồng các quốc gia thành công nhất, phát triển nhất, thịnh vượng nhất thế giới.

Nhưng, hiện tại, cũng đã có không ít luồng dư luận cho rằng EU cần một hệ thống những sự thay đổi mới. Như châu Âu trong thập niên 1950 cần EEC.

* Hiệp ước thành lập EEC yêu cầu các thành viên loại bỏ hoặc sửa đổi các luật và quy định quan trọng của quốc gia. Đặc biệt, nó đã cải cách cơ bản chính sách thương mại và thuế quan bằng cách bãi bỏ tất cả các loại thuế nội địa vào tháng 7/1968. Nó cũng yêu cầu các chính phủ loại bỏ các quy định quốc gia có lợi cho các ngành công nghiệp trong nước và hợp tác trong các lĩnh vực mà họ có truyền thống hành động độc lập, chẳng hạn như thương mại quốc tế (tức là thương mại với các nước bên ngoài EEC). Song song với việc dỡ bỏ các rào cản mang tính bảo hộ riêng biệt, hiệp ước cũng kêu gọi các quy tắc chung về hành vi phản cạnh tranh và độc quyền, cũng như các tiêu chuẩn quản lý và vận tải nội địa chung.

*Đạo luật chung châu Âu (SEA), có hiệu lực vào ngày 1/7/1987, đã mở rộng đáng kể phạm vi của EEC. Nó tạo cơ sở pháp lý cho các cuộc họp của Tổ chức Hợp tác chính trị châu Âu (EPC) và kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ hơn về chính sách đối ngoại giữa các thành viên. Đạo luật này đã đưa Quỹ Phát triển Khu vực châu Âu chính thức tham gia các hiệp ước của cộng đồng, nhằm mục đích khuyến khích sự phát triển của các khu vực suy thoái kinh tế. cũng yêu cầu các chính sách kinh tế của cộng đồng kết hợp các điều khoản để bảo vệ môi trường, và nó cung cấp một chính sách nghiên cứu và phát triển công nghệ chung, chủ yếu nhằm mục đích tài trợ cho các nỗ lực nghiên cứu xuyên quốc gia.