23/11/2024 lúc 15:18 (GMT+7)
Breaking News

Đường lối, chính sách Đối ngoại của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế

Đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam là rõ ràng, minh bạch; vừa đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, vừa tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia khác.

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" - "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam; được bạn bè quốc tế nể phục.

Ảnh minh họa - TL

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".  Đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam là rõ ràng, minh bạch; vừa đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, vừa tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia khác.

Ngoại giao Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế

Nhiều nhà ngoại giao, nhà hoạt động xã hội trên thế giới cho rằng, Việt Nam có trường phái ngoại giao riêng, mềm mại nhưng kiên cường như tính cách của con người, dân tộc Việt Nam - "linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn". Cùng với đó, ngoại giao “cây tre Việt Nam” là khái niệm được nhiều nhà ngoại giao nhắc đến khi đề cập chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đó không phải là một trường phái ngoại giao mới, mà là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối, chính sách đối ngoại mà Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung.

Đồng chí Thongsavanh Phomvihane - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, khẳng định: “Những thành tựu của Việt Nam nói chung, những thành tựu trong công tác đối ngoại nói riêng cũng chính là những thành tựu, là bài học kinh nghiệm quý báu cho đất nước Lào” (Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 642).

Tương tự như vậy, ông Hàn Phương Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch Học hội ngoại giao và quan hệ quốc tế CHARHAR, nhận định: “Ngoại giao “cây tre Việt Nam”... là vừa kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa tích cực mở rộng trong lĩnh vực ngoại giao, bảo vệ và phát triển lợi ích quốc gia của Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn tính linh hoạt và tính nguyên tắc, nỗ lực thích ứng với thế giới không ngừng biến đổi; mặt khác, cùng với việc phát triển các quan hệ ngoại giao hiện có, thiết lập các quan hệ hợp tác mới. Đây chính là nền tảng ngoại giao để Việt Nam vẫn phát triển ổn định, lành mạnh dù đứng trước tình hình thế giới vô cùng phức tạp” (Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 649).

Trong khi đó, cựu Đại sứ Cuba tại Việt Nam (1999-2004 và 2008-2013), ông Fredesmán Turró González - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba-Việt Nam,  khẳng định: Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển, nhất là đối với những nước đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội… Ngày nay, Việt Nam tham gia rất tích cực vào hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, tận dụng một cách thông minh, khéo léo những yếu tố tích cực do toàn cầu hóa mang lại mà không từ bỏ những nguyên tắc đối ngoại của mình, đồng thời hạn chế tác động của những yếu tố tiêu cực. Việt Nam trở thành một đối tác đáng tin cậy với tất cả các bên và đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với nhiều nước. Hiện Việt Nam là chủ thể quan trọng trên chính trường quốc tế, hoạt động sôi nổi, có đóng góp đáng chú ý tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, là đối tác tin cậy và tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực…

Những người “cùng chí hướng” xã hội chủ nghĩa đánh giá như vậy là một nhẽ. Nhưng ngay cả bạn bè quốc tế vốn không cùng chí hướng cũng có những nhìn nhận, đánh giá khách quan rất đáng trân trọng về đường lối và cách thể hiện của Ngoại giao Việt Nam.  

Với tiêu đề “Ấn tượng Việt Nam”, bà Lorena Pena Mendoza - Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, đã thể hiện những suy ngẫm của mình về những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và hệ thống lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó hun đúc nên niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng cho cuộc đấu tranh mà chúng ta đang tiến hành vì một thế giới hòa bình, công bằng, đa cực, nơi quyền của các dân tộc và đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em gái được tôn trọng đầy đủ. (Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 728 – 72).  

Nhận định về “ngoại giao cây tre” Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Israel-Việt Nam, cựu Đại sứ Israel tại Việt Nam (2001-2003), ông Amikam Levy cho rằng, ngoại giao “cây tre Việt Nam” là sáng kiến tuyệt vời, trở thành một phong cách lãnh đạo và sự cam kết. Theo ông Amikam Levy, loài cây này luôn linh hoạt và mạnh mẽ, cũng như có tính cộng đồng cao. Tại Việt Nam, cây tre có ở khắp nơi. Từ xa xưa, người Việt Nam đã dùng cây tre để chế tạo nhiều thứ, từ làm nhà, thuyền bè tới các vật dụng như rổ rá. Cây tre mềm dẻo, nhưng cũng mạnh mẽ, dẻo dai và đáng tin cậy. Vì thế, kết hợp giữa “ngoại giao” và “cây tre” phản ánh nền ngoại giao Việt Nam: Mềm dẻo nhưng mạnh mẽ, dẻo dai và đáng tin cậy. Tất nhiên, việc thực thi chính sách “ngoại giao cây tre” là không hề dễ dàng, đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm cao và kiên trì để vượt qua nhiều trở ngại. Tuy nhiên, ông tin rằng Việt Nam sớm vượt qua được những trở ngại đó…

Giáo sư Go Ito, chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Khoa học chính trị, Đại học Meiji (Nhật Bản) cho rằng, cách gọi ngoại giao “cây tre Việt Nam” là một phép ẩn dụ thú vị. Theo ông, những nét chính của đường lối ngoại giao này là khả năng phục hồi, tính linh hoạt và sự khiêm tốn. Giáo sư Go Ito nhấn mạnh về sự linh hoạt tồn tại trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, trong việc duy trì mối quan hệ với các nước trên trường quốc tế…

Ở một góc độ khác, ông Pradhan - cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, cho rằng, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sáng kiến có nhiều điểm tương đồng với Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Những bước đi trên đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Là một chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á của Đài Phát thanh quốc gia Argentina, trong một cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, nhà báo Gaston Fiorda đánh giá: Những bước đột phá trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trên cơ sở tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; luôn thể hiện là một đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế đã tạo niềm tin và uy tín của Việt Nam đối với bạn bè và các đối tác trên thế giới. Ông cũng cho rằng: Không thể không nhắc tới vai trò của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á. Mặc dù không là một trong những quốc gia sáng lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), song kể từ khi gia nhập tổ chức khu vực này năm 1995, Việt Nam đã tạo được vị thế và uy tín bằng một chính sách đối ngoại đúng đắn và đầy trách nhiệm…

Có thể khẳng định, chính phong cách ngoại giao mang đậm cốt cách văn hóa dân tộc Việt Nam đã làm sâu sắc thêm tình cảm quý trọng, ngưỡng mộ và sự tin cậy của bạn bè quốc tế đối với Đảng ta và đất nước ta, trở thành một trong những nhân tố làm nên sức mạnh của ngoại giao Việt Nam.

Nói về chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam, coi văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh, động lực để phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, chia sẻ:  “Tôi tin rằng, chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam được thực hiện rất tích cực, điều này được phản ánh qua những thành tựu mà tôi đã đề cập ở trên. Với việc đặt văn hóa làm trọng tâm của sự phát triển, Việt Nam có khả năng tận dụng những tiềm năng của mình về văn hóa và di sản để đạt được sự phát triển kinh tế xã hội và những mục tiêu hội nhập với thế giới… Khi chúng tôi nhắc đến hay nói về Việt Nam, có lẽ thứ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí là thiên nhiên tươi đẹp lay động lòng người, văn hóa phong phú, đa dạng và ẩm thực đặc trưng. Đặc biệt, con người Việt Nam vô cùng thân thiện. Có được những ấn tượng tuyệt vời như vậy phụ thuộc rất lớn vào chiến lược ngoại giao văn hóa tài tình mà Việt Nam đã triển khai trong nhiều thập kỷ qua”.

Đường lối và chính sách đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước ta

Trong những năm qua, công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới; truyền tải thông điệp về một quốc gia thân thiện, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và sẻ chia với cộng đồng quốc tế: “Việt Nam luôn luôn lấy con người làm trung tâm, luôn sẵn lòng hỗ trợ bất cứ ai, dù mang quốc tịch nào” (Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 36). Từ đó, góp phần quan trọng trong việc tạo dựng nên một thực tế không thể phủ nhận, đó là “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 25)… Phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ Nhất (ngày 14/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Ngoại giao “cây tre Việt Nam”, đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tuỳ cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt"!

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của công tác đối ngoại vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục nhằm đưa hoạt động đối ngoại lên tầm cao mới. Từ thực tiễn hiện nay, trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối  (14/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đã gợi mở một số nội dung lớn trong công tác đối ngoại thời gian tới. Cụ thể là:

Thứ nhất, tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về "đối tượng", "đối tác"; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước.

Thứ ba, phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương.

Thứ tư là cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà nước ta đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.

Thứ năm, hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội trên thế giới và khu vực, nhất là trước tác động như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và sự nguy hại của dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, để hoàn thành được những nhiệm vụ nêu trên, phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó liên quan đến nội dung về đào tạo đội ngũ cán bộ./.

Ths. Nguyễn Đình Thông

...