Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được đánh giá là có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với thực tiễn hiện nay, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật. Tuy nhiên, để đưa luật vào cuộc sống bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần có sự quyết tâm, trách nhiệm cao.
Một trong những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là có một chương mới về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Thời hạn quản lý là 1 năm kể từ ngày có quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được thực hiện ngay từ lần đầu phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp lập danh sách và chủ trì quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, dự báo khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực, số lượng người nghiện ở các địa phương sẽ tăng lên vì các điều kiện xác định tình trạng nghiện đã rõ, số lượng người sử dụng ma túy bị phát hiện cũng tăng lên… Do đó, khối lượng công việc của lực lượng công an xã sẽ rất nặng nề trong công tác lập hồ sơ, quản lý người sử dụng ma túy, người nghiện chưa kể việc quản lý cả những đối tượng “ngáo đá” để ngăn chặn trọng án.
Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến ngày 15/10/2021, công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bố trí 45.485 cán bộ công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 8.576/ 8.576 công an xã, thị trấn đạt 100% số xã, trung bình mỗi xã, thị trấn bố trí 5,3 cán bộ công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã.
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, để triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 hiệu quả, trong thời gian tới, cần phát huy vai trò đầu mối, nòng cốt của lực lượng công an xã chính quy tại cơ sở.
Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an các cấp thực hiện và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan phát hiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; hướng dẫn Công an cấp xã lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ công an xã chính quy trong nắm tình hình giải quyết các vụ việc an ninh trật tự ngay từ cơ sở cũng như triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Từ góc độ địa phương, là địa bàn trọng điểm về tội phạm ma tuý, Đại tá Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho hay, ngay khi Bộ Công an có kế hoạch triển khai Luật Phòng chống ma túy năm 2021, ngày 12/12/2021, Công an tỉnh Điện Biên đã triển khai tập huấn chuyên sâu về thi hành Luật Phòng, chống ma tuý 2021 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo các sở, ban, ngành và tới 100% lực lượng công an cấp xã.
Qua tập huấn, các đại biểu đã nhận thức được tính ưu việt, tính đồng bộ và thực tiễn của Luật Phòng chống ma túy năm 2021. Luật đã cân bằng giữa phòng và chống; tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa nguy cơ xảy ra những tội phạm hình sự nghiêm trọng; quy định rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện trong thực hiện thủ tục đưa người đi cai nghiện bắt buộc; nguyên tắc phối hợp của các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy; tiêu chí xác định trạng thái nghiện ma túy đối với các loại ma túy...
Chuẩn bị các phương án tổ chức cai nghiện bắt buộc theo quy định mới
Về phía ngành LĐTB&XH, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho hay, Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116 ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy đã có những thay đổi rất quan trọng trong việc tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện thời gian tới.
Để chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai Luật khi có hiệu lực thi hành, UBND các cấp tỉnh, thành phố cần khảo sát, thống kê toàn bộ số người nghiện ma túy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi để chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực cho công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy. Đánh giá khả năng tiếp nhận của các cơ sở cai nghiện ma túy (bao gồm cả cơ sở cai nghiện công lập và cơ sở cai nghiện tư nhân), điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để thực hiện quy trình cai nghiện ma túy; chuẩn bị các phương án tổ chức cai nghiện bắt buộc theo quy định mới.
Đồng thời bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự để tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng theo quy định pháp luật. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút người vào làm việc tại các cơ sở cai nghiện công lập; chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác cai nghiện ma túy tự nguyện.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy; chỉ đạo các cơ sở bảo trợ xã hội trong việc tiếp nhận đối tượng không xác định được nơi cư trú là người chưa thành niên hoặc người ốm yếu không còn khả năng lao động khi chấp hành xong biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đối với cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cần xây dựng phương án, dự án hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự báo cáo, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện công tác cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116.