13/01/2025 lúc 06:57 (GMT+7)
Breaking News

Đưa công nghệ vào nông nghiệp là có trách nhiệm với đất nước

VNHN - Ông Phạm Đức Long, CEO VNPT cho hay, đầu tư vào nông nghiệp thông minh mất nhiều chi phí mà lợi nhuận không cao, nhưng mục tiêu đầu tư này là trách nhiệm với đất nước để hỗ trợ người nông dân và người tiêu dùng có được các sản phẩm sạch.

VNHN - Ông Phạm Đức Long, CEO VNPT cho hay, đầu tư vào nông nghiệp thông minh mất nhiều chi phí mà lợi nhuận không cao, nhưng mục tiêu đầu tư này là trách nhiệm với đất nước để hỗ trợ người nông dân và người tiêu dùng có được các sản phẩm sạch.

Gần đây, VNPT tuyên bố sẽ nhắm đến hệ sinh thái nông nghiệp thông minh. Tập đoàn này đã bắt tay với các nhà cung cấp có kinh nghiệm ở nước ngoài để tìm mô hình triển khai nông nghiệp thông minh phù hợp với Việt Nam. Chia sẻ lý do VNPT nhắm đến hệ sinh thái nông nghiệp thông minh, ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT cho hay, Việt Nam vốn dĩ là một đất nước về nông nghiệp.

Thế nhưng, tỷ trọng nông nghiệp đóng góp vào GDP không cao, dù số người dân làm nông nghiệp rất lớn, và ngành nông nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến đại bộ phận người dân Việt Nam. VNPT luôn trăn trở làm sao bảo đảm được thu nhập cho người nông dân, làm sao nông nghiệp Việt Nam có năng suất cao, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt và có thương hiệu lan tỏa. “Ở các quốc gia phát triển, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp đã tăng năng suất, hiệu quả lên rất cao. Ví dụ xà lách trồng theo cách truyền thống ở Việt Nam chỉ có mấy chục nghìn đồng/kg, nhưng nếu xà lách trồng ở Sơn La theo chuẩn xuất khẩu của Hàn Quốc thì có giá đến cả triệu đồng/kg.

Chính yếu tố công nghệ đã thúc đẩy năng suất và hiệu quả của các sản phẩm nông nghiệp. VNPT là một doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi có thể dành nguồn lực đầu tư công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp một cách bài bản mà không đặt quá nhiều vào vấn đề lợi nhuận. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam và hỗ trợ cho người nông dân có được cuộc sống tốt hơn, làm sao người dân Việt Nam được dùng các sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe và giống nòi”, ông Phạm Đức Long nói.

Thật ra không phải đến bây giờ vấn đề nông nghiệp thông minh mới được các doanh nghiệp đặt ra ở Việt Nam, mà trước đó đã có khá nhiều mô hình doanh nghiệp thông minh được thí điểm. 3 năm trước, FPT đã hợp tác với một đối tác Hitachi của Nhật để trồng cà chua và xà lách ở Gia Lâm (Hà Nội), sau đó mô hình này đóng lại. Vingroup cũng đã xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh trên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để đưa ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp sạch, nhưng mô hình này cũng không nhân rộng được.

Trước vấn đề này, VNPT đã chọn làm nông nghiệp thông minh theo một cách hoàn toàn mới. Ông Phạm Đức Long cho biết: “VNPT nhận thấy hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đã triển khai nông nghiệp thông minh, nhưng chủ yếu họ làm theo kiểu nhà mành, nhà kính. Chúng tôi thấy rằng mô hình này chỉ phù hợp cho một nhóm nhỏ có điều kiện kinh tế vì chi phí đầu tư như vậy rất lớn, tới vài tỷ đồng cho nhà kính, không phù hợp với đại đa số gia đình nông thôn Việt Nam với điều kiện đầu tư còn hạn chế. VNPT cũng đã tham khảo mô hình nông nghiệp của Mỹ, nhưng họ có nền nông nghiệp rất hiện đại và cũng không thể áp dụng được trong điều kiện Việt Nam.

Trong quá trình tìm tòi đó, VNPT nhận thấy Việt Nam có thể hợp tác với các đối tác của Nhật để triển khai nông nghiệp thông minh theo một cách làm rất khác biệt”. Theo mô hnh VNPT hợp tác với đối tác OPTiM (công ty chuyên về sản xuất các thiết bị IoT, AI, và là cũng cấp hỗ trợ giải pháp từ xa, nông nghiệp thông minh hàng đầu Nhật Bản), thì sẽ dùng drone (máy bay không người lái loại nhỏ) để chụp và chuyển các thông tin về phân tích. Drone sẽ bay trên các cánh đồng lớn chụp ảnh và chuyển về máy chủ phân tích hình ảnh.

Đưa công nghệ vào nông nghiệp là trách nhiệm với đất nước.

Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tự động phát hiện ra những điểm bị sâu bệnh và sau đó chính chiếc drone này sẽ làm nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu đúng vào chỗ cây trồng bị sâu bệnh. Với cách này có thể tiết kiệm đến 99% thuốc trừ sâu. Khi thu hoạch thì phần ruộng đã bị phun thuốc trừ sâu sẽ được đánh dấu và bỏ ra, vì vậy sẽ có sản phẩm nông nghiệp sạch 100% không có thuốc trừ sâu. Drone còn chụp ảnh và chuyển về phân tích dữ liệu hóa đất đai và chăm sóc cây trồng, dự đoán sự phát triển của cây trồng.

Với dữ liệu này, người nông dân có thể tính toán đến khả năng thu hoạch cây trồng của mình. Trước đây, để triển khai giải pháp như vậy phải dùng drone có camera tích hợp AI và giá thiết bị này rất đắt (camera AI có giá đến vài chục triệu đồng). Nhưng với cách làm của VNPT và đối tác thì không cần phải sử dụng camera AI mà chỉ là camera có độ phân giải cao có mức giá rất rẻ. Sau khi drone chụp ảnh gửi về máy chủ sẽ được ứng dụng AI phân tích hình ảnh, nhận dạng vùng sâu bệnh để xử lý.

Điểm vượt trội của ứng dụng AI này là làm được những điều con người không làm được. Ví dụ AI sẽ nhận định được hình ảnh đồ họa mà mắt người không nhìn thấy. Qua hình ảnh mà camera gửi về có thể phân tích được các loại vi trùng, vi khuẩn phá hoại để có cách điều trị. Bên cạnh đó, ứng dụng AI còn có thể định vị thửa ruộng, sau đó máy cày sẽ tự làm đất, giúp người nông dân dễ dàng hơn trong công việc và tăng thu nhập cho họ. Đây là mô hình đang được áp dụng tại Nhật với các cánh đồng lúa mẫu lớn, có sản phẩm gạo sạch không có thuốc trừ sâu.

Người nông dân Nhật không cần phải trồng lúa trong nhà kính tốn kém để tránh sâu bệnh. Cách làm này phù hợp với nông nghiệp Việt Nam nếu có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghệ. Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết, VNPT và OPTiM đã ký kết hợp tác để nhanh chóng triển khai giải pháp nông nghiệp thông minh tại Việt Nam. VNPT và OPTiM sẽ khảo sát ở Hà Nam và Bình Phước để đưa ra các giải pháp phù hợp cho nông nghiệp của Việt Nam. VNPT cũng đã xây dựng nền tảng và thiết bị IoT phục vụ các lĩnh vực như nông nghiệp thông minh.

Như vậy, hai bên sẽ sớm có sản phẩm nông nghiệp thông minh tại Việt Nam. Trước đây khi nói phát triển nông nghiệp người ta nói đến 3 nhà: "nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp". Với nông nghiệp thông minh cũng cần có sự bắt tay của 3 nhà những là 3 nhà mới: “Nhà nông - Nhà tiêu thụ - Nhà công nghệ”. Bên cạnh đó, cần có chính sách “dồn điền, đổi thửa” để tạo ra các cánh đồng mẫu lớn để có thể công nghiệp hóa nông nghiệp.

Trong đó, nhà công nghệ sẽ đưa công nghệ hỗ trợ nhà nông chăm sóc cây trồng cũng như hỗ trợ phân tích về sản lượng, thời gian và cách chăm sóc cũng như thời gian thu hoạch chính xác để có được năng suất cao và chất lượng tốt. Bên cạnh đó, nhà công nghệ có thể dùng nền tảng công nghệ để hỗ trợ nhà nông tiêu thụ sản phẩm. Đại diện VNPT cũng cho rằng, hiện nay, rất nhiều hệ thống kênh phân phối tại Việt Nam đang nằm trong tay nước ngoài.

Điều này có thể là trở ngại cho tiêu thụ nông sản của Việt Nam bởi các kênh phân phối nước ngoài có thể dựng lên các rào cản kỹ thuật và chất lượng, nếu nông sản Việt Nam không đáp ứng được thì sẽ không thể bước chân vào các hệ thống siêu thị được. Vì vậy, cần phải có bước chủ động trước những tình huống có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản. Để đối phó với vấn đề này, VNPT cho rằng phải sớm xây dựng sàn giao dịch nông sản.

Ý tưởng này đang được các địa phương nhiệt tình ủng hộ bởi địa phương sẽ tham gia chứng nhận xuất xứ và chất lượng nông sản khi đưa lên sàn giao dịch. Người dùng chỉ cần lên sàn giao dịch nông sản mua hàng và yên tâm về chất lượng, xuất xứ của sản phẩm. Nếu VNPT xây dựng và vận hành được sàn giao dịch nông sản, sẽ hóa giải những bài toán như kênh phân phối nông sản Việt Nam bị phụ thuộc đối tác nước ngoài trên chính “sân nhà”.

Để thúc đẩy xây dựng nông nghiệp thông minh, phía VNPT khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng bản đồ số về ngành nông nghiệp; có thể đặt hàng doanh nghiệp cung cấp các điều kiện thu thập dữ liệu về đất đai, môi trường, khí hậu, thời tiết, giúp người dân có được thông tin dự báo chính xác về thời tiết, mùa màng thu hoạch.