23/01/2025 lúc 03:40 (GMT+7)
Breaking News

Dư luận quốc tế về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam

Hàng loạt hãng tin khu vực và quốc tế đưa tin kinh tế Việt Nam bùng nổ với GDP năm 2022 tăng 8,02%.

Theo trang straitstimes.com (Singapore), nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á trong năm 2022. CNN gọi đây là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1997, trong khi BBC nhấn mạnh đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 và động lực chính làm nên đà tăng trưởng ấn tượng này là lĩnh vực xuất khẩu và doanh số bán lẻ mạnh mẽ.

Con số tăng trưởng hàng năm cao được đưa ra bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động của nó đối với nhu cầu xuất khẩu từ Việt Nam, nhà sản xuất chính các mặt hàng như dệt may, giày dép và điện tử cho các thương hiệu quốc tế lớn.

Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tuy nhiên, Reuters, Bloomberg và asiafinancial.com (Hong Kong) dẫn ý kiến giới chuyên gia kinh tế cảnh báo. Dù nền kinh tế của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên, nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” phía trước, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu ảnh hưởng đến các chuyến hàng xuất khẩu.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cố vấn của chính phủ và là Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho biết: “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đang khiến Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc thúc đẩy xuất khẩu và thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào năm tới… Áp lực lạm phát cũng đang gia tăng sau khi nguồn cung tiền tăng vào cuối năm 2022. Việt Nam phải nhập khẩu nhiều hàng hóa mà giá vẫn còn cao, do đó cũng đẩy áp lực lạm phát cao hơn”.

Số liệu cả năm cho thấy Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt ước tính khoảng hơn 109 tỷ USD, còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, ước tính kim ngạch đạt hơn 119 tỷ USD.

Trong năm 2022, ước tính Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD, cao hơn mức 3,32 tỷ USD của năm trước đó.

Theo asiafinancial.com, trong tuyên bố ngày 14/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay, trong khi Việt Nam “đang tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn thì triển vọng kinh tế gia tăng rủi ro. Dù thương mại tiếp tục tăng trưởng nhưng các chỉ dấu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang giảm dần”.

Sự suy giảm được phản ánh rõ nét trong số liệu thương mại. Xuất khẩu trong tháng 12/2022 giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021, và đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp. Thêm vào đó, mức giá tiêu dùng trong tháng 12/2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm 2023. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm, nhiên liệu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, tăng nhanh hơn, ở mức 4,99%.

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế vào ngày 17/12, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định sẽ tìm cách kiểm soát lạm phát trong năm 2023. Việt Nam sẽ phải đối mặt với mức giá tiêu dùng tăng khi dự báo lạm phát ở mức khoảng 5% vào đầu năm 2023, cao hơn mức mục tiêu cả năm của chính phủ là 4,5%./.

PV Theo TTXVN