29/11/2024 lúc 17:31 (GMT+7)
Breaking News

Dư luận Quốc tế đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam

Năm ASEAN 2020, với vai trò là Chủ tịch (luân phiên), Việt Nam đã rất thành công trong tổ chức các hoạt động, đặc biệt là các Hội nghị toàn Khối, mang lại những kết quả tốt đẹp, được dư luận trong và ngoài khu vực đánh giá rất cao.

Năm ASEAN 2020, với vai trò là Chủ tịch (luân phiên), Việt Nam đã rất thành công trong tổ chức các hoạt động, đặc biệt là các Hội nghị toàn Khối, mang lại những kết quả tốt đẹp, được dư luận trong và ngoài khu vực đánh giá rất cao.

Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 27, các nước ASEAN đều đánh giá cao Việt Nam nỗ lực dẫn dắt Cộng đồng vượt qua thách thức, duy trì hợp tác, triển khai đầy đủ, hiệu quả và thực chất theo lộ trình đề ra các ưu tiên sáng kiến Năm ASEAN 2020, trong đó công tác đánh giá giữa kỳ triển khai các Kế hoạch tổng thể Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 được thực hiện ở cả 3 Cộng đồng. Các Bộ trưởng Ngoại giao cũng đánh giá cao vai trò của Nhóm công tác liên ngành trong điều phối ứng phó COVID-19, coi đây là những hành động thiết thực, kịp thời trong nỗ lực chung kiểm soát và phục hồi tổng thể sau dịch Covid-19.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra tại Hà Nội từ 12-15/11 thu hút sự quan tâm lớn của dư luận khu vực và thế giới.

Trong Phiên họp đặc biệt của ACC về phát triển tiểu vùng, Chủ tịch Ngân hàng Châu Á (ADB) đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, lồng ghép phát triển tiểu vùng với phát triển của ASEAN, coi đây là nguồn bổ trợ quan trọng cho quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chủ tịch ADB khẳng định sáng kiến này đồng thời là một đóng góp cho các nỗ lực phục hồi của ASEAN sau COVID-19.

Theo dõi Phiên Đối thoại với Chủ tịch ASEAN 2020 trong khuôn khổ Diễn đàn Truyền thông ASEAN (AMF) lần thứ 4 tổ chức trực tuyến tại Hà Nội (11/2020), đại diện các cơ quan truyền thông khu vực và quốc tế cũng đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam trong dẫn dắt ASEAN vượt qua các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, đưa ra những ưu tiên đáp ứng đúng với nhu cầu chung của các nước thành viên và đối tác như phát triển nguồn nhân lực và công tác xã hội, nâng cao bản sắc và hình ảnh Cộng đồng.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Micheal Pompeo khẳng định việc ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng và đóng vai trò trung tâm của khu vực là phù hợp với lợi ích của Mỹ, đánh giá cao vai trò chủ động của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt trong điều phối các nỗ lực khu vực cùng với các đối tác ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Ông cũng đánh giá cao Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và tái khẳng định cam kết của Mỹ xây dựng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và hợp tác cùng có lợi...

Đánh giá về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan do Việt Nam tổ chức trong Năm ASEAN 2020, đặc biệt là về việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hãng tin Reuters của Anh mô tả RCEP là "một trong những kết quả mong chờ nhất tại Hội nghị cấp cao ASEAN". Trong khi đó, Trang mạng Asiatimes cho rằng, RCEP cũng là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc-các cường quốc kinh tế công nghiệp hóa của châu Á… RCEP không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia ASEAN phục hồi kinh tế vào năm tới sau khi bị đại dịch tàn phá, mà còn là biểu tượng nêu bật tầm quan trọng của khu vực trong giai đoạn được một số nhà phân tích đặt tên là “Thế kỷ châu Á”.

Tờ Khmer Times của Campuchia ngày 16/11 nhận định là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho ASEAN. Việc chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch 2020 thể hiện mong muốn của Việt Nam đảm bảo một ASEAN thống nhất, đứng vững trước tác động của tình hình quốc tế và khu vực. Hãng tin Sputnik đánh giá Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, với sự chuẩn bị chu đáo, lựa chọn mục tiêu và ưu tiên, để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Đối với Việt Nam, năm Chủ tịch 2020 là một cơ hội, nhưng cũng gánh trách nhiệm gấp đôi khi đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong khí đó, Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) có bài viết nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng được các nhà lãnh đạo ASEAN, cũng như Nhật Bản thảo luận, thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản. Trong đó nhấn mạnh, hợp tác chống dịch bệnh và phục hồi hậu dịch bệnh là chủ đề đúng hướng của ASEAN trong thời điểm hiện nay. Trong khi đó, Hãng tin Al Jazeera ca ngợi Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn dịch COVID-19 và có những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Một trong những điểm nhấn được Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 là Kế hoạch khung phục hồi hậu COVID-19, được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thông qua và được các đối tác của ASEAN ủng hộ. Còn Tờ It Time của Hàn Quốc cũng có bài viết ca ngợi vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến toàn bộ khu vực và thế giới. Bài báo cho rằng, bằng sự nỗ lực, linh hoạt và trách nhiệm, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò điều phối, đáp ứng sự kỳ vọng của các nước thành viên cũng như là các đối tác của ASEAN. Những sáng kiến của Việt Nam đưa ra trong năm Chủ tịch 2020 là phù hợp và nâng cao khả năng thích ứng của ASEAN trước đại dịch.

Với tiêu đề “Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các đối tác quyền lực”, trên tờ Bưu điện Jakarta của Indonesia nêu rõ, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, ASEAN nổi lên như một khu vực có vai trò cân bằng, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Đặc biệt, tại Hội nghị này, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết, minh chứng cho quyết tâm của ASEAN hướng đến thúc đẩy tự do hóa thương mại và tiếp tục duy trì quá trình toàn cầu hóa. Tờ Antara của Indonesia cũng nhấn mạnh việc các nước thành viên của ASEAN ủng hộ 13 sáng kiến ưu tiên của Việt nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 để thúc đẩy hội nhập khu vực, xây dựng kết nối Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hiện thực hóa Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025. Bài báo cho rằng, các sáng kiến này đang phát huy được hiệu quả trong việc giúp ASEAN chia sẻ nguồn lực, cải thiện chuỗi cung ứng và thúc đẩy tăng trưởng ở một số lĩnh vực quan trọng bất chấp những khó khăn do dịch bệnh.

Hãng Thông tấn Bernama (Malaysia) dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein cho biết, mặc dù gặp trở ngại do không thể họp trực tiếp, song Hội nghị Cấp cao ASEAN năm nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam, diễn ra tốt đẹp với sự tham gia của toàn bộ 10 nhà lãnh đạo chính phủ và 10 ngoại trưởng ASEAN cũng như đại diện từ các nước đối tác của ASEAN. Ngoại trưởng Hishammuddin cho biết thành tựu lớn nhất đối với Malaysia tại Hội nghị Cấp cao ASEAN năm nay là sự nhất trí của toàn bộ các nước thành viên ASEAN trong việc thông qua Khung phục hồi toàn diện ASEAN.

Nói về vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, tiến sĩ Szantos thuộc bộ môn khoa học chính trị của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) khẳng định: Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong một thời điểm hết sức khó khăn. Có thể nhìn lại khoảng thời gian đã trôi qua trong năm 2020, với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, bầu cử Tổng thống Mỹ, bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, hay căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng và còn rất nhiều vấn đề khác… Đây là một năm đầy thử thách đối với vai trò dẫn dắt ASEAN, tìm ra điểm tương đồng trong lợi ích và các ưu tiên cho hiệp hội này. Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng tỏ nước này làm tốt hơn cả chức trách của mình trong việc dẫn dắt khối trong bối cảnh đầy thử thách như hiện nay. Việt Nam bước vào cuộc khủng hoảng hiện nay với ý chí dẫn dắt các nước ASEAN cùng nhau thoát khỏi đại dịch COVID-19 trên cơ sở lợi ích tương đồng và hợp tác thay bằng việc bị sa đà vào cạnh tranh và chính trị vị kỷ… Việc Việt Nam nỗ lực dẫn dắt khu vực vượt qua năm khó khăn, đồng thời duy trì được sự đoàn kết, thống nhất, vượt qua sức ép, không để bị lôi kéo vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các chủ thể bên ngoài, là một bằng chứng về nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.

Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, đã thể hiện vai trò mẫu mực và đã cho thấy với sự đoàn kết và nỗ lực tập thể, ASEAN có thể vượt qua bất kỳ thách thức nào và tiến tới hiện thực hóa tầm nhìn và ưu tiên như đã đề ra - Đại sứ Cộng hòa Liên bang Myanmar tại Việt Nam Kyaw Soe Win đã đưa ra nhận định trên trong cuộc phỏng vấn với phóng viên khi đánh giá về vai trò của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Ông cũng gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và cảm kích sâu sắc nhất dành cho Việt Nam khi đảm nhận thành công Năm Chủ tich ASEAN 2020 cũng như những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức các Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị liên quan trong suốt năm nay, đặc biệt khi phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.

Đại sứ Myanmar bày tỏ vui mừng biết được rằng, 80 văn kiện, bao gồm Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau năm 2025, đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị liên quan. Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, đã rất thành công khi đề cao các sự kiện liên quan tới tầm quan trọng của tập thể nhằm ứng phó với những thách thức và khó khăn do COVID-19 gây ra phù hợp với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Đề cập tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết, Đại sứ Myanmar tại Việt Nam Kyaw Soe Win nhận định: Việc ký kết Hiệp định này, sau 8 năm đàm phán tích cực, đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cấu trúc hợp tác của khu vực. Thành tựu quan trọng này không chỉ rất có ý nghĩa đối với ASEAN, đặc biệt với Việt Nam, mà còn đối với các thành viên tham gia khác. Đây là một trong những những kết quả thực tế Việt Nam đã đạt được với vai trò Chủ tịch ASEAN giữa những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho rằng: Về tổng thể, Việt Nam đã thực hiện một công việc đáng khen ngợi trong năm nay trong việc dẫn dắt ASEAN theo chủ đề ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng." Chủ đề này thực sự phù hợp và có thể áp dụng cả trước và sau khi COVID-19 bùng phát. Chủ đề đó không chỉ nhằm tăng cường sự thống nhất của ASEAN trong các hành động tập thể của chúng ta nhằm thúc đẩy những lợi ích của ASEAN mà còn giúp đảm bảo ASEAN phản ứng kịp thời và hiệu quả với những thách thức hiện có và mới nổi mà ASEAN phải đối mặt. Trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục thực hiện những ưu tiên của ASEAN từ các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN trước đây, chẳng hạn như phát triển bền vững, kết nối và thành phố thông minh. Khi xảy ra dịch COVID-19, nhờ sự lãnh đạo của Việt Nam, ASEAN đã có thể nhanh chóng thành lập Nhóm công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về những tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào tháng Ba để điều phối phản ứng tập thể và toàn diện của ASEAN đối với đại dịch Covid-19…  

Nhận định về những đóng góp của Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleusay Kommasith đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo, khả năng dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong việc nâng cao vai trò của ASEAN trên diễn đàn khu vực và quốc tế. Bộ trưởng Saleusay cho rằng Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có, đặc biệt khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng bất chấp những thách thức to lớn và phải tổ chức các cuộc họp theo cách thức chưa từng thực hiện trong lịch sử của ASEAN, Việt Nam không chỉ thực hiện hết sức hiệu quả vai trò Chủ tịch ASEAN mà còn hoàn thành mọi mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Trong đó, theo ông Saleumsay, kết quả nổi bật nhất là sáng kiến tổ chức họp trực tuyến. Tiếp đó là việc các nước thống nhất và tiến hành ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Theo Bộ trưởng Ngoại giao Lào, đây là một trong những thành công mà Việt Nam có vai trò và sự đóng góp rất lớn, đặc biệt là trong công tác tổ chức, tham vấn, điều phối, làm sao để các bên nhất trí và cùng nhau ký kết Hiệp định…

Chắc chắn là chưa đầy đủ, nhưng qua một số đánh giá, nhận định của Truyền thông và các nhà ngoại giao quốc tế về Năm ASEAN 2020, đặc biệt là về nước Chủ tịch ASEAN 2020 – Việt Nam, có thể khẳng định vai trò nổi trội, sự chủ động, sáng tạo và thành công lớn của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.