26/11/2024 lúc 09:30 (GMT+7)
Breaking News

Dư luận nói gì về 'sự cố nghiêm trọng' liên quan đến Covid-19 ở Triều Tiên?

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về "sự cố nghiêm trọng" xảy ra trong quá trình chống dịch Covid-19 đã làm dấy lên những đồn đoán bên ngoài về tình hình dịch tại Triều Tiên.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về "sự cố nghiêm trọng" xảy ra trong quá trình chống dịch Covid-19 đã làm dấy lên những đồn đoán bên ngoài về tình hình dịch tại Triều Tiên.

 

Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị Đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên đề cập đến một "cuộc khủng hoảng lớn" do một "sự cố nghiêm trọng" trong các biện pháp chống dịch quốc gia đã làm dấy lên những đồn đoán từ bên ngoài về tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại đất nước này.

Theo ông Leif-Eric Easley, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ Ewha, động thái này của nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể là để chuẩn bị cho việc tiếp nhận vaccine từ nước ngoài. (Nguồn: NK News)

Động thái bất ngờ

Reuters dẫn nguồn Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 30/6 đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết "một sự cố nghiêm trọng" đã xảy ra trong quá trình chống dịch Covid-19 tại nước này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cáo buộc đây là nguyên nhân dẫn đến “cuộc khủng hoảng lớn” trong việc bảo đảm an ninh nhà nước và sự an toàn của người dân. Tuy nhiên, KCNA không nêu chi tiết nguồn gốc của cuộc khủng hoảng và tác động nguy hiểm của nó đối với người dân như thế nào.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã triệu tập một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên để xử lý tình trạng thiếu trách nhiệm của một số lãnh đạo đảng, bao gồm cả việc không thực hiện các biện pháp dài hạn quan trọng để chống lại đại dịch.

KNCA cho biết: "Ông Kim Jong-un nói đến việc các quan chức cấp cao phụ trách vấn đề quan trọng của nhà nước đã xao nhãng việc thực thi các quyết sách quan trọng của đảng và do đó đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân, dẫn đến hậu quả khôn lường”.

Đáng chú ý, một số ủy viên Bộ Chính trị, các bí thư Ủy ban Trung ương và quan chức của một số cơ quan nhà nước đã bị thay thế tại cuộc họp, dù KCNA không nói rõ liệu những sự cải tổ này có liên quan đến việc xao nhãng nhiệm vụ liên quan đến đại dịch hay không.

Khi được hỏi về phát biểu này của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun cho biết các quan chức ở Seoul đã biết về báo cáo nhưng không có gì để bổ sung.

Giới chuyên gia nói gì?

AP dẫn lời chuyên gia Du Hyeogn Cha tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết, Triều Tiên có thể đang phải đối mặt với một đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn, theo đó đã lan ra ngoài các thị trấn biên giới và các khu vực nông thôn và hiện đang tràn vào các trung tâm đô thị, nhiều khả năng bao gồm cả thủ đô Bình Nhưỡng.

Mặc dù Triều Tiên tuyên bố với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng họ không phát hiện ca mắc Covid-19 nào sau khi xét nghiệm trên 30.000 người, song các chuyên gia vẫn hoài nghi tuyên bố của họ khi xem xét cơ sở hạ tầng y tế của nước này.

Theo chuyên gia Du Hyeogn Cha, nếu dịch Covid-19 bùng phát, Triều Tiên không có cách nào khác để đối phó với dịch ngoài việc cách ly người dân và phong tỏa toàn bộ các khu vực cho đến khi các đợt lây nhiễm giảm dần.

Đồng quan điểm, ông Ahn Kyung-su, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Y tế và Phúc lợi CHDCND Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, cho rằng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, Triều Tiên sẽ triển khai các biện pháp cực đoan để phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng, điều mà các nhóm quan sát bên ngoài không thể phát hiện được.

Trong khi đó, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên Park Won Gon thuộc Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc), nhận định rằng cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị với sự tham dự của các quan chức đảng trên toàn quốc nhiều khả năng đã được lên kế hoạch từ trước và đáng lẽ không diễn ra nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo ông Kee B. Park, người từng làm việc trong các dự án chăm sóc sức khỏe tại Triều Tiên, hiện làm việc tại Đại học Y Havard (Mỹ) lại nhấn mạnh rằng Triều Tiên coi việc bảo vệ người dân trước đại dịch Covid-19 là vấn đề sống còn của quốc gia và các quyết sách chống đại dịch đều được thực hiện bởi một số lãnh đạo cấp cao nhất của họ.

Ông Park đánh giá: “Mục tiêu chính trong chiến lược của Triều Tiên là ngăn chặn virus xâm nhập vào đất nước, đồng thời tăng cường khả năng điều trị cũng như tiếp cận vaccine".

 

Biến động lớn?

Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng những tuyên bố của ông Kim Jong-un ám chỉ một sự biến động đủ lớn để tạo ra một sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo của Bình Nhưỡng.

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Triều Tiên cho biết ông đã chỉ trích các quan chức cấp cao trong đảng và chính phủ vì đã bỏ bê “các quyết sách quan trọng của đảng trong việc áp dụng các biện pháp có tính tổ chức, thể chế, vật chất, khoa học và công nghệ theo yêu cầu của chiến dịch phòng chống dịch khẩn cấp kéo dài của nhà nước”.

Các tin tức cũng cho hay trong cuộc họp, Đảng Lao động Triều Tiên đã cách chức một ủy viên trong Đoàn chủ tịch gồm 5 thành viên, trong đó có Chú tịch Kim Jong-un và bốn quan chức hàng đầu khác, nhưng không nêu tên cụ thể là ai.

Kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài?

Quyết định của ông Kim Jong-un khi công khai đề cập một "sự cố nghiêm trọng" trong cuộc chiến chống lại đại dịch cũng có thể đồng nghĩa với một lời kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Chuyên gia Cha cho biết Triều Tiên có thể yêu cầu sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc, đồng minh chủ chốt về kinh tế, trong bối cảnh 2 bên sắp kỷ niệm 60 năm hiệp ước hữu nghị vào tháng tới.

Theo ông Leif-Eric Easley, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ Ewha, động thái này của nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể là để chuẩn bị cho việc tiếp nhận vaccine từ nước ngoài.

Hồi tháng 2, COVAX, chương trình phân phối vaccine ngừa Covid-19 trên toàn thế giới do Liên hợp quốc hậu thuẫn, cho biết Bình Nhưỡng có thể nhận được 1,9 triệu liều vaccine trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn do tình trạng thiếu hụt vaccine trên toàn cầu.

Trong khi đó, Giáo sư Kim Sin-gon tại Đại học Y khoa Seoul Hàn Quốc, lại cho rằng mục đích của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể là để quốc tế nhận thức rõ hơn về những khó khăn liên quan đến đại dịch của Triều Tiên.

theo AP, Reuters, TGVN