22/11/2024 lúc 23:58 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch Việt Nam hướng đến môi trường trong lành

VNHN - Ứng xử văn minh trong du lịch tại Việt Nam dần được nhìn nhận như một trong những yêu cầu tất yếu của xã hội hiện đại. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, trong đó chỉ định rõ ràng với các chất kích thích, như không hút thuốc lá ở những nơi không được phép và kiểm soát sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi đi du lịch.

VNHN - Ứng xử văn minh trong du lịch tại Việt Nam dần được nhìn nhận như một trong những yêu cầu tất yếu của xã hội hiện đại. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, trong đó chỉ định rõ ràng với các chất kích thích, như không hút thuốc lá ở những nơi không được phép và kiểm soát sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi đi du lịch.

Du lịch hút thuốc, uống rượu-lợi bất cập hại

Theo điều tra số tiền người trưởng thành ở Việt Nam chi ra để mua thuốc lá mỗi năm là 31.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là 24.000 tỷ đồng/năm. Ước tính Việt Nam có khoảng 20 triệu nam giới hút thuốc lá. Trong khi đó, chi phí mua rượu, bia mỗi năm của người dân Việt Nam rất lớn, khoảng 4 tỷ USD. Mỗi năm chúng ta tiêu thụ 305 triệu lít rượu; 4,1 tỷ lít bia. 

Hội An có nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong hoạt động du lịch. Ảnh: Trần Bình.

Môi trường xã hội nói chung đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những chất kích thích. Bên cạnh ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, việc lạm dụng thuốc lá, rượu, bia còn làm suy giảm hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, mến khách. Nhiều người cho rằng, một điểm đến du lịch, một nhà hàng, khách sạn khi có những vị khách say lướt khướt, mặt đỏ phừng phừng, đánh chửi, cãi lộn, đập phá vì say rượu, bia… hay có mùi khói thuốc nồng nặc không những bị tổn thất về kinh tế, mà còn để lại cái nhìn thiếu thiện cảm trong mắt du khách.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đề cao những điểm du lịch, cơ sở nhà hàng, khách sạn không khói thuốc. Ông Lâm cho rằng: "Những điểm du lịch không khói thuốc tạo môi trường sống trong lành cho đa số, vì số người hút thuốc lá hiện nay chỉ chiếm một phần nhỏ trong những người đi du lịch. Điều này còn giúp giảm các nguy cơ liên quan đến cháy nổ, giảm phí tổn liên quan tới dọn vệ sinh do khói thuốc gây ra và tạo hình ảnh một điểm đến du lịch thân thiện, trong lành. Chính vì những lợi ích như vậy nên nhiều khách sạn hiện nay đã áp dụng hình phạt với những vị khách cố ý hút thuốc không đúng nơi quy định, như: Hệ thống khách sạn Marriott, Khách sạn Heritage Hạ Long… Ở nước ngoài, các khách sạn rất mạnh tay trong việc trừ tiền đối với du khách vi phạm. Việt Nam cũng nên khuyến khích các khách sạn làm như vậy”.

Nhân rộng những điểm du lịch không khói thuốc

Nếu dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang được trình Quốc hội thì Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ giữa năm 2013. Đến nay, nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được triển khai hiệu quả. Chẳng hạn, khi đến Hội An (Quảng Nam) hay Hạ Long, Bãi Cháy (Quảng Ninh) không khó để bắt gặp những biển cấm hút thuốc lá. 

TP Hội An còn cấp giấy chứng nhận cho các công ty, doanh nghiệp thực hiện tốt việc xây dựng môi trường không khói thuốc. Theo số liệu của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, quỹ này đã phối hợp với 6 địa phương, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam) triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong năm 2016-2017, quỹ đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện môi trường không khói thuốc lá cho chủ, quản lý và nhân viên của các khách sạn, nhà hàng với sự tham gia của hơn 1.300 lượt người. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông qua tờ rơi, áp-phích, biển báo cấm hút thuốc và sổ tay hướng dẫn thực hiện môi trường không khói thuốc lá được phát đến các nhà hàng, khách sạn. Khảo sát của quỹ tại 90 nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2018 cho thấy, 98% quản lý nhà hàng, khách sạn biết về tác hại của thuốc lá; 84% khách hàng biết đến quy định cấm hút thuốc lá tại các khu vực công cộng.

Dễ dàng bắt gặp những biển cấm hút thuốc lá ở Hội An. Ảnh: Lan Dịu.

Tại hội nghị triển khai hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc lá ở các nhà hàng, khách sạn và các địa điểm du lịch của Hà Nội do Hiệp hội Du lịch Hà Nội vừa tổ chức ngày 8-11, ông Nguyễn Sơn, Giám đốc nhân sự Khách sạn Bảo Sơn chia sẻ thành công bước đầu khi khách sạn thực hiện theo các tiêu chuẩn của ngành với hệ thống biển báo, khuyến cáo việc hạn chế hút thuốc lá, bố trí khu vực tách biệt cho khách hút thuốc. Riêng với nhân viên, khách sạn có những biện pháp kiên quyết xử lý nếu vi phạm. 

Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (APT Travel) cũng cho biết: "Công ty đã triển khai trong toàn bộ chuỗi hệ thống nhà hàng, khách sạn, lữ hành của công ty, kiên quyết không nhận những nhân viên hút thuốc; với đội ngũ nhân viên lâu năm, công ty đưa ra lộ trình cụ thể buộc cai thuốc. Đối với du khách, công ty bố trí những nơi được phép hút thuốc lá xa khu vực nhà hàng, khách sạn, du thuyền để du khách ngại đi; bố trí các biển hạn chế hút thuốc…".

Để đẩy mạnh hơn hoạt động này, bà Đỗ Thị Phi, cán bộ quản lý dự án của Trung tâm Nghiên cứu và trợ giúp phát triển cộng đồng (CDS) gợi ý các bước xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc lá, bao gồm: Xây dựng nội quy cấm hút thuốc được niêm yết tại nơi dễ quan sát và nhiều người qua lại; phổ biến nội quy cấm hút thuốc cho nhân viên, khách du lịch bằng nhiều hình thức; treo biển cấm hút thuốc; tập huấn cho nhân viên về tác hại của thuốc lá, kỹ năng nhắc nhở khách không hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc, có chính sách khen thưởng, khuyến khích đối với nhân viên khi họ thực hiện tốt nội quy hoặc khi họ bỏ hút thuốc lá… 

Trong khi chờ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được thông qua, bên cạnh xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch, cần song song tiến hành cả yêu cầu kiểm soát rượu, bia, chất uống có cồn để tạo ra môi trường du lịch Việt Nam lành mạnh, thu hút ngày càng nhiều du khách./.

Theo Qdnd.vn