VNHN - Nếu trước kia, người đi du lịch phải đi, phải ở mới biết hành trình, điểm đến có những gì thì ngày nay phương thức tiếp cận đã thay đổi nhiều nhờ công nghệ thông tin. Với sự phát triển không ngừng, sự cải tiến chưa biết bao giờ có điểm dừng, công nghệ thông tin giúp du khách ngày càng gần hơn với nơi dự định đi chỉ bằng những cú click chuột.
Ứng dụng công nghệ thông tin - Xu hướng không thể đảo ngược
Nắm bắt xu thế của cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong đó nêu rõ: Tất cả các cơ quan Trung ương, địa phương cần rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển. Đặc biệt, du lịch là một trong những ngành được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, quản trị thông minh...
Du lịch, ngành ảnh hưởng rõ nhất tới công nghệ
Nếu 3 cuộc Cách mạng công nghiệp trước đã đem lại cho thế giới những thay đổi to lớn thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được kỳ vọng lớn hơn, với những thay đổi khó hình dung.
Hình thức đi du lịch trực tuyến đang trở thành xu thế của nhiều du khách
Xu hướng dịch chuyển trong thế giới phẳng lại càng bắt nhanh với sự thay đổi đó. Hãng Google và Tập đoàn Temasek Holdings Singapore dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD vào năm 2025.
Tại Việt Nam, du lịch trực tuyến chiếm 10%, tương đương 9 tỷ USD. Số liệu từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, khoảng 53% dân số nước ta sử dụng internet và xu hướng này đang tăng nhanh.
Trong đó, gần một nửa người dùng internet có đặt dịch vụ khách sạn, vé máy bay, tour du lịch... theo hình thức trực tuyến do người dùng có thói quen tìm kiếm các thông tin trên mạng trước khi quyết định đi du lịch ở đâu, sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, mục tiêu đóng góp 10% GDP, thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020 cho thấy du lịch là một ngành trụ cột của kinh tế Việt Nam và đang thay đổi mạnh nhờ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Do đó, xây dựng nhận diện thương hiệu trực tuyến là việc làm thiết yếu đối với tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch. Nhận diện thương hiệu trực tuyến cho phép các đơn vị này tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh với các đối thủ, tiếp cận khách hàng tiềm năng từ khắp nơi trên thế giới mọi lúc mọi nơi.
Nhận thức được vấn đề trên, Tổng cục Du lịch cũng đang tích cực triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ quảng bá bằng e-marketing. Trong đó, thông tin, lịch sử, hình ảnh của điểm du lịch sẽ được cung cấp đầy đủ thông qua website, các trang mạng xã hội chính thức trên Facebook, Instagram của Tổng cục Du lịch.
Đây là chiến lược phải đẩy mạnh trong thời gian tới và Tổng cục Du lịch mới thực hiện bước đầu. Định hướng xây dựng e-marketing là hướng tới du khách chứ không phải nhà quản lý. Khách du lịch đến từ nhiều thị trường với ngôn ngữ khác nhau nên các sản phẩm e-marketing sẽ hướng tới tiếp cận càng nhiều thị trường càng tốt.
Bên cạnh đó, trong thời đại Cách mạng 4.0, để tồn tại các doanh nghiệp du lịch cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi số một cách quyết liệt, vì đây đang là xu thế không thể đảo ngược và tất cả bị đặt vào một cuộc đua mang tính sống còn. Những diễn biến trên các thị trường thuộc nhiều ngành nghề cho thấy, nếu các doanh nghiệp không kịp tiến hành chuyển đổi thì tương lai phát triển của họ gần như sẽ bị bỏ lại phía sau.
Tận dụng công nghệ để phát triển du lịch
Gia đình ông bà Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Thị Hồng (Kim Giang, Hà Nội) một năm có vài chuyến du lịch cả trong và ngoài nước. Hầu hết các chuyến đi được con cái ông bà lên lịch, mua vé, dự kiến hành trình theo ý của ông bà mà không mất quá nhiều thời gian tìm hiểu như trước.
Hiện nay, các trang du lịch trực tuyến không chỉ dừng lại ở quảng bá tour, thể hiện lịch trình tour mà còn kết hợp hình ảnh, video, kết nối với nhà cung cấp dịch vụ khác để điểm đến gần gũi nhất với du khách tiềm năng. Mọi việc trở nên dễ dàng chỉ với vài cái "nhấp chuột".
Nhờ công nghệ thông tin, du khách có thể tìm kiếm địa điểm du lịch nhanh, thuận tiện và gần nhất
Ở tầm vĩ mô, tháng 7-2018 vừa qua, Tổng cục Du lịch chính thức đưa vào vận hành website xúc tiến du lịch quốc tế mới tại địa chỉ www.vietnam.travel giúp nâng cao năng lực quảng bá xúc tiến của du lịch Việt Nam.
Website cũng cung cấp thông tin thực tiễn về các điểm đến, quy trình xin cấp thị thực, các lễ hội, sự kiện lớn tại Việt Nam, cũng như dẫn đến các mạng xã hội facebook và Instagram chính thức của du lịch Việt Nam, để khách quốc tế chủ động tương tác và chia sẻ trải nghiệm.
Đây cũng là lần đầu tiên website cung cấp "Cẩm nang du lịch" hoàn toàn miễn phí dành cho khách quốc tế mới đến Việt Nam. Du lịch Việt đang tiếp cận công nghệ ngày một gần. Điều đáng mừng là chính các doanh nghiệp Việt cũng đang chủ động, tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc kinh doanh.
Chính ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam từng thốt lên kinh ngạc vì đã chứng kiến doanh nghiệp Việt hoạch định sử dụng công nghệ mới nhất thế giới blockchain vào hoạt động kinh doanh. Điều đáng nói, công nghệ vô cùng hiệu quả này lại mới mẻ và không dễ, thậm chí với chính nhiều doanh nghiệp "sừng sỏ" của thế giới.
Theo ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Việt Nam chỉ có thể đạt được mục tiêu đứng đầu về du lịch trong khu vực Đông Nam Á khi ngành du lịch biết cách khai thác những lợi thế từ việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, sự bùng nổ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những đột phá về công nghệ và trí tuệ nhân tạo dự báo sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ các hoạt động trong ngành du lịch.
"Để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành du lịch cần nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên các chương trình chiến lược phù hợp và trên cơ sở đó ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, tạo môi trường hệ sinh thái du lịch thông minh", ông Vũ Quốc Trí khẳng định./.