15/09/2024 lúc 05:27 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch nông nghiệp cần được quan tâm thúc đẩy mạnh hơn trong chiến lược phát triển Du lịch của tỉnh Thanh Hóa

Thanh hóa là tỉnh rộng, có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, do đó, Thanh Hóa cần xây dựng một chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch bền vững gắn liền với du lịch nông nghiệp để khai thác tiềm năng của ngành trong tương lai.

Du lịch đang trở thành trụ cột kinh tế đối với nhiều quốc gia đang phát triển. Không chỉ là ngành kinh tế quan trọng, du lịch còn mang nội dung văn hoá sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa rất cao. Du lịch không chỉ tạo ra nhiều việc làm, gia tăng thu nhập mà còn góp phần nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức và hành vi của người dân theo hướng tích cực. Nhận thức được ý nghĩa to lớn đó của du lịch, Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển du lịch nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay và tương lai . Mô hình này sẽ giúp khai thác nguồn lực sẵn có địa phương, tạo thêm việc làm, tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn các dân tộc, vùng miền, nhất là các vùng nông thôn, miền núi, từ đó góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, xây dựng nông thôn mới, tạo ra những vùng nông thôn đáng sống, là đích đến mà Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới đã và đang phải hướng đến, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển . Ngày 01/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thân thiện với môi trường. Cùng với đó, toàn ngành nông nghiệp đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tích hợp đa giá trị, trong đó có văn hoá và tài nguyên môi trường. Như vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay và những năm sau, nhằm hiện thực hoá các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng thế giới cũng như góp phần định hướng một ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả. Mô hình này sẽ giúp khai thác nguồn lực sẵn có địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn các dân tộc, vùng miền từ đó góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương (Theo kỷ yếu Hội thảo trong khuôn khổ AgroViet2023)

Thanh hóa là tỉnh rộng, có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, do đó, Thanh Hóa cần xây dựng một chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch bền vững gắn liền với du lịch nông nghiệp để khai thác tiềm năng của ngành trong tương lai, vì:

Thứ nhất, Không chỉ  Việt Nam, mà hiện nay hầu hết  các nước trên thế giới đều coi du lịch là ngành nghề kinh tế tổng hợp trọng điểm của đất nước mang lại nhiều thu nhập và được Chính phủ các nước quan tâm ưu tiên đầu tư. Trong thời kỳ hiện và tương lai, khi nhu cầu của con người càng cao, nhất là nhu cầu đi lại, khám phá thế giới thì du lịch càng có vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, từng đia phương. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Du lịch còn góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Dưới góc độ xã hội, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người. Đây là nhu cầu rất phổ biến, mức sống càng cao thì nhu cầu du lịch của con người càng lớn. Đối với Việt Nam, ngành du lịch được xem như là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư, không ngừng phát triển và có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia. Theo các nhà nghiên cứu, kể từ năm 1986, kinh tế Việt Nam có những thay đổi đáng kể trên nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Khách du lịch đến Việt Nam ngày càng nhiều , các điểm du lịch được khai thác và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ hai, Du lịch nông nghiệp được xem là một loại hình phát triển du lịch bền vững bởi những lợi ích mà loại hình này mang lại cho ngành du lịch, nông nghiệp và cộng đồng vùng nông thôn. Vì vậy, ngày 22-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 147/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, nội dung phát triển sản phẩm du lịch nêu rõ: Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch; trong đó có việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm. Cùng với đó ngày 01/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thân thiện với môi trường.

Như vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hoá các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng thế giới cũng như góp phần định hướng một ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả.

Thứ ba, Thanh Hóa là địa phương có bề dày lịch sử phát triển, có bờ biển dài, địa hình đa dạng, tính đa dạng sinh học cao. Những đặc điểm về tự nhiên  và lịch sử- văn hóa tạo cho Thanh Hóa có được tiềm năng du lịch rất đa dạng và phong phú, trong đó có những giá trị nổi bật toàn cầu.

 Thanh Hóa là địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ có vị trí “cầu nối” với vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc mà trung tâm vùng là thủ đô Hà Nội. Đây là vị trí địa lý quan trọng đối với phát triển KT-XH, đặc biệt là du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó với đường bờ biển dài 102km có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như: Thành phố Sầm Sơn,  Hải Tiến (huyện Hoàng Hóa), Hải Hòa (huyện Tỉnh Gia), Tiên Trang (huyện Quảng Xương); có nhiều núi, rừng, sông, hồ, hang động hùng vĩ, cảnh quan thơ mộng , nhiều làng nghề truyền thống… Thanh Hóa có vùng núi đá vôi rộng lớn có nhiều danh thắng hang động gắn với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hóa như Động Từ Thức (huyện Nga Sơn), động Long Quang trên núi Hàm Rồng (TP.Thanh Hóa), động Tiên Sơn (huyện Vĩnh Lộc),…Với những tiềm năng lợi thế như vậy, Thanh Hóa đã xác định Du lịch phải là ngành kinh tế mũi nhọn, điều này được thể hiện tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Nghị quyết đã xác định phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của đất nước. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức xác định “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”. Cho thấy, du lịch đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ tư, Bên cạnh thế mạnh về tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, Thanh Hóa còn là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác loại hình du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Là tỉnh có diện tích rộng (đứng thứ 5/63), dân số đông (đứng thứ 3/63) với nền nông nghiệp đa dạng là điều kiện để xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách. Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã khai thác, phát triển một số sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm sinh thái, văn hóa làng quê, làng nghề nông thôn như: Nông trại Golden Cow (Thường Xuân); nông trại Queen Farm (Quảng Xương); nông trại Ánh Dương (Yên Định), chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (Như Xuân), mô hình nông nghiệp trồng cây ăn quả công nghệ cao (Thạch Thành và Thọ Xuân), nông trại ông Hướng farm (Đông Tiến, Đông Sơn), Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-farm, nông trại Hón Mũ (Thường Xuân), trải nghiệm chụp ảnh hoa sen trong nội thành Thành nhà Hồ; chụp ảnh hoa súng tại khu Du lịch Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc); trải nghiệm đồng quê trên địa bàn thành phố Thanh Hóa; du lịch làng cổ Đông Sơn.....Ngoài ra, còn có sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng ở bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường (Bá Thước); bản Năng Cát (Lang Chánh)…

Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2021, du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút khoảng gần 2,7 triệu lượt khách (riêng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách du lịch nông nghiệp, nông thôn đến Thanh Hóa không đáng kể); tổng thu du lịch nông nghiệp, nông thôn ước đạt gần 3.770 tỷ đồng, tốc độ phát triển bình quân giai đoạn đạt 5,3%/năm; trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế 6,9 triệu USD.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam quá tải tại các đô thị thì các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ không chỉ giúp phân tán lượng khách cho các trung tâm du lịch, đô thị du lịch mà còn làm gia tăng tính hấp dẫn, tạo lập chuỗi giá trị du lịch mới đáp ứng nhu cầu và xu hướng của du khách. Những năm gần đây, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam. Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng rõ, góp phần tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời cải thiện mức thu nhập cho các nông dân và giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại không chỉ đơn thuần là thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác như định hình nền nông nghiệp xanh, bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa của nông thôn... Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp ở Thanh Hóa đã được quan tâm, khai thác nhằm đa dạng sản phẩm và mang lại những trải nghiệm nông nghiệp thú vị cho du khách trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp Thanh Hóa còn khá nghèo nàn về số lượng điểm đến cũng như các hình thức trải nghiệm được cung cấp cho du khách dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao. Nếu được nghiên cứu 1 cách đầy đủ chi tiết thực trạng, chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, thì có thể đề xuất các giải pháp phát triển loại hình du lịch này ở tỉnh Thanh Hóa.

Thứ năm, Với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), một số địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch như: Mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với tìm hiểu lịch sử, văn hóa; du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với làng nghề truyền thống, du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với du lịch sinh thái – nông trại; du lịch trải nghiệm đồng quê gắn với lao động sản xuất... Các mô hình này vừa tạo được môi trường vui chơi, học tập đa dạng, an toàn, bổ ích, phù hợp với nhiều lứa tuổi vừa góp phần giải quyết các vấn đề về thiếu thị trường tiêu thụ trong ngành nông nghiệp, tạo ra việc làm tại các vùng nông thôn; thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân; phát triển kinh tế địa phương; tạo nguồn lực mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới; góp phần giới thiệu những đặc trưng văn hóa mỗi vùng, miền, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người xứ Thanh tới mọi miền đất nước và quốc tế.

Trong những năm qua, bên cạnh chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị). Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; từng bước đưa Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước, tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh nhà phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có như: Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020,... Đặc biệt, ngày 9/6/2017 UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, trong đó xác định sản phẩm du lịch mũi nhọn là du lịch biển đảo, sản phẩm du lịch có thế mạnh là du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa tâm linh và du lịch nông nghiệp.

Kết quả, giai đoạn 2016-2020, các điểm du lịch cộng đồng ước đón được trên 2,3 triệu lượt khách, chiếm 5,5% tổng lượt khách du lịch toàn tỉnh, gấp 2,0 lần giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25,6%/năm. Trong đó, nổi bật là Khu du lịch Suối Cá Cẩm Lương, giai đoạn 2016-2020 ước đón được trên 1,5 triệu lượt khách, gấp 1,9 lần giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,7%/năm; Du lịch cộng đồng huyện Bá Thước, giai đoạn 2016-2020 ước đón được 218 nghìn lượt khách, gấp 4,1 lần giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,5%/năm.

Những kết quả đạt được nêu trên cho thấy, du lịch nông nghiệp ở Thanh Hóa còn rất hạn chế về quy mô, chưa có mô hình và sản phẩm tương sứng với tiềm năng hiện có của tỉnh Thanh Hóa, các sản phẩm du lịch nông nghiệp mới chi đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống của du khách ở mức đơn giản. Phần lớn hoạt động du lịch nông nghiệp trên hiện nay ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Doanh nghiệp/ Hộ kinh doanh thì chưa mặn mà với việc vừa làm trang trại nông nghiệp vừa phát triển du lịch, vừa làm nghề truyền thống vừa phát triển du lịch. Doanh nghiệp lữ hành thì đợi có những sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn hấp dẫn thì mới vào cuộc. Nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm hoặc không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch. Nhà quản lý ở các huyện thì hầu hết không được đào tạo về du lịch nên khó có thể hiểu để hỗ trợ về cả cơ chế chính sách lẫn xây dựng sản phẩm. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Để phát triển du lịch bền vững gắn liền với nông nghiệp, Thanh Hóa cần đối mặt và giải quyết những thách thức gồm có: thiếu sự thông thạo về công nghệ và quy trình nông nghiệp bền vững, gây khó khăn trong việc phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng; thiếu năng lực và kiến thức về phân phối và tiếp thị sản phẩm du lịch nông nghiệp, dẫn đến khả năng tiếp cận thị trường và khai thác tiềm năng không đạt hiệu quả; thiếu việc đầu tư vào hạ tầng về du lịch nông nghiệp, như cơ sở vật chất, giao thông, viễn thông và các dịch vụ hỗ trợ khác, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành… Vì vậy khi triển khai loại hình du lịch mới mẻ này còn gặp gặp nhiều khó khăn, hạn chế về công tác quy hoạch, hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm, các mô hình kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch,... Trong đó, vấn đề cần tập trung giải quyết trước mắt và lâu dài là xây dựng được các mô hình du lịch, các sản phẩm du lịch nông nghiệp đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách.

Như vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra cho chúng ta với những vấn đề mang tính chiến lược về xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vì mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo tồn các giá trị của nền văn hóa nông nghiệp:

Một là, làm thế nào để du lịch nông nghiệp Thanh Hóa phát triển mạnh, các tour và các sản phẩm du lịch trở nên hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Hai là, làm thế nào để khai thác được các giá trị vốn có của nông nghiệp; chỉ ra được các tiềm năng, cách làm để phát triển du lịch nông nghiệp.

Ba là, làm sao để người dân nhận thức, tham gia tích cực và được hưởng lợi tương xứng từ phát triển du lịch nông nghiệp.

Bốn là, tại sao chúng ta cần xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp theo vùng, liên vùng, phát triển đồng bộ mô hình du lịch nông nghiệp trong toàn tỉnh Thanh Hóa?

Năm là, các cấp quản lý đã có những hành động cụ thể nào cho du lịch nông nghiệp Thanh Hóa.

Sáu là, hướng quan tâm cũng như mong muốn của các nhà đầu tư, người nông dân tham gia vào chuỗi giá trị của du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như thế nào?

Thực tế, những năm qua việc phát triển du lịch nông nghiệp đã và đang góp phần rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhưng giàu tiềm năng của tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy việc phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần phải được tiếp tục quân tâm hơn trong chiến lược phát triển ngành Du lịch của tỉnh./.

Ths Trịnh Thị Thuyết

Giảng viên trường Đại học Công đoàn

      Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011), Quyết định số 3066/QĐ-BVHTTDL phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Du lịch giai đoạn 2011-2020”.
  3. Bùi Thị Lan Hương. (2010). Du lịch nông nghiệp và du lịch nông thôn. Nội san Nghiên cứu khoa học Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn
  4. Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Thanh Hóa (2015), Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn tỉnh Thanh Hóa đến 2025, tầm nhìn đến 2030.
  5. Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Thanh Hóa (2016), Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

        6.UBND tỉnh Thanh Hóa (2014), Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 14/11/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về lĩnh vực du lịch.

        7.QĐ 2473/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. (2011). Về Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

        8.Bùi Thị Lan Hương (2010), Du lịch nông nghiệp và Du lịch nông thôn, Nội san năm 2010 (số 1) – Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2, tr.51-53.

        9.Tổng cục Du lịch Việt Nam (2016), Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

        10. Bộ Chính trị (2020). Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05 tháng 08 năm 2020

        11. Thủ tướng chính phủ (2023) Quyết định số 153/QĐ-TTg phê Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

...