23/01/2025 lúc 06:26 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch Ninh Thuận: Đặc sắc và khác biệt

VNHNO- Ngày 07 tháng 9 năm 2018 tại Khách sạn New World Saigon, TP.Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Thuận năm 2018.

VNHNO- Ngày 07 tháng 9 năm 2018 tại Khách sạn New World Saigon, TP.Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Thuận năm 2018.

Về phía tỉnh Ninh Thuận với sự điều hành của các đồng chí: Ông Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận,  Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Ông Phan Hữu Đức, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Ông Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận khách mời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và khoảng 350-400 đại biểu tham dự (bao gồm Lãnh đạo các Bộ, ngành; các Sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư).

UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì Hội nghị

Được biết, Ninh Thuận là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1A và quốc lộ 27 lên Đà Lạt (Lâm Đồng), Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột); cách Nha Trang 105 km và cách sân bay quốc tế Cam Ranh 50km về phía Bắc, Đà Lạt 110 km, thành phố Hồ Chí Minh 350 km và Hà Nội 1.382 km. Ninh Thuận là tỉnh có nhiều vùng sinh thái, khí hậu khác nhau: vùng biển, vùng đồng bằng, trung du và miền núi gắn liền với các tiềm năng có thể khai thác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch; định hướng của Ninh Thuận là phát triển du lịch toàn diện cả du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.

Chiều trên Vĩnh Hy

Ninh Thuận được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh sơn thủy hữu tình, hoang sơ và thơ mộng đã tạo nét duyên riêng. Đến thăm nơi đây du khách có thể tham gia nhiều loại hình du lịch: tắm biển, nghỉ dưỡng, du thuyền, leo núi, săn bắn, tham quan các di tích lịch sử, hoặc tham dự các lễ hội của đồng bào dân tộc ít người. Với chiều dài bờ biển 105 km có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng từ lâu như bãi tắm Ninh Chử, Cà Ná, một số bãi biển/vịnh biển, đồi cát đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và khách du lịch như: Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh, Nam Cương, Cà Ná. Các khu du lịch biển đều gắn với các vùng sinh thái đặc thù, trong đó có vườn quốc gia Núi Chúa, vườn quốc gia Phước Bình thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng của quốc gia gắn liền biển, là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, biển Nam Trung bộ, đặc biệt là nơi bảo tồn loài rùa biển vàng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Các bãi rạn san hô biển với trên 356 loài phân bố ở vùng ven biển Vĩnh Hy - Thái An, Nam Cương - Phú Thọ cũng đang được bảo tồn và khai thác du lịch. Du khách sẽ không thể bỏ qua con đường ven biển đang được hình thành để từ trên cao ngắm các vũng vịnh, bãi tắm liên hoàn suốt chiều dài bờ biển Ninh Thuận.

Đặc sản Nho của Ninh Thuận

Với mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn với các nhà đầu tư, trên tinh thần cầu thị và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, Tôi xin tiếp thu các ý kiến góp ý của Quý vị đại biểu tại Hội nghị. Năm 2018 được tỉnh xác định là “Năm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hoạt động về kinh doanh du lịch” nên trong thời gian đến Ninh Thuận sẽ tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, luôn đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh du lịch nhằm giúp cho doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn đạt lợi nhuận cao nhất, đồng thời, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch, tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách, đặc biệt làm tốt công tác bảo vệ môi trường; giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ của các điểm đến du lịch tại địa phương, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch để Ninh Thuận là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện với nhiều trải nghiệm thú vị sau mỗi chuyến đi. Ông Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị

Trong những năm qua tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội từ nguồn nội lực của tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương. Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển khá và ổn định, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Đặc biệt, tình hình hoạt động của ngành du lịch Ninh Thuận phát triển rõ nét, năm 2017 lượng khách tới Ninh Thuận tăng 12%, doanh thu du lịch tăng 17,7%. Tuy nhiên Ninh Thuận vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư du lịch, dịch vụ. Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 325 dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận, Quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 115.000 tỷ đồng, tập trung các lĩnh vực phát triển du lịch, năng lượng, sản xuất giống thủy sản, chế biến nông thủy sản, khai thác, chế biến khoáng sản; trong đó, có 48 dự án đầu tư về du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, diện tích khoảng 1.800 ha, tổng vốn đầu tư gần 15.300 tỷ đồng (trong đó dự án Ecopark 4.700 tỷ đồng).

Nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch, dịch vụ của tỉnh tới các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong cả nước, các nhà đầu tư về tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của tỉnh, qua đó tạo dựng thương hiệu, kết nối hợp tác phát triển du lịch Ninh Thuận trong thời gian tới; tập trung khai thác thị trường trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận (Miền Đông và miền Tây Nam bộ) nhằm góp phần tăng trưởng khách nội địa một cách bền vững; Theo đó, tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư du lịch (tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh, bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch, hình thành các khu du lịch trọng điểm của cả nước với các loại hình du lịch độc đáo, tạo ra sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng; xây dựng tỉnh Ninh Thuận thành một trong những vị trí chiến lược trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực). Ninh Thuận thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước. Ngoài ra, tỉnh chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu. Đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn được khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư thông thoáng, nhanh chóng để tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh tại tỉnh Ninh Thuận.

Văn hóa các dân tộc cũng là một thế mạnh về du lịch. Ở Ninh Thuận có các công trình kiến trúc tháp Chăm đầy bí ẩn trong cách xây dựng gắn với lễ hội của người Chăm cùng nghệ thuật ca múa nhạc dân gian đặc sắc trong tiếng trống Ghi năng, tiếng đàn Baranưng, điệu múa Apsara bên bếp lửa hồng; có làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc với truyền thống lâu đời. Ở miền núi, các dân tộc Raglai, Kơ-ho, ... có nhiều lễ hội dân gian độc đáo như: lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới, có nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc độc đáo như đánh mả la, thổi khèn bầu, đàn đá, đàn Chapi. Ở miền biển, ngư dân có các lễ cầu ngư, hội đua thuyền, lắc thúng, … Trong hành trình khám phá mảnh đất Ninh Thuận với những bờ biển hoang sơ quyến rũ thì những vườn nho xanh mướt bạt ngàn đang vào mùa chín mọng, đồng muối trắng xóa lấp lánh ánh nắng, những đồng cỏ hoang sơ với đàn cừu, đàn dê tạo nên bức tranh mang dáng dấp của vùng du mục là địa điểm không thể bỏ qua khi đặt chân đến đây.

Với những nét “đặc sắc” và “khác biệt”, vừa là “lợi thế”, vừa là “tiềm năng”, Ninh Thuận được đánh giá là địa phương có điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch. Về tài nguyên du lịch tự nhiên, trước hết đó là các vũng, vịnh biển và bãi biển đẹp, kết hợp với những mũi đá vách nhô ra biển và khí hậu khô - nắng ấm quanh năm. Đây là những cơ sở tự nhiên để phát triển du lịch, không chỉ du lịch biển - mà còn cả du lịch sông, suối, rừng của 02 vườn quốc gia Núi Chúa và Phước Bình... để du khách có không gian tận hưởng và khám phá. Về di sản văn hóa, nơi đây nền văn hóa Chăm độc đáo cùng với bản sắc văn hóa truyền thống đặc biệt của các dân tộc ít người như Raglay, Chu Ru; Có làng nghề  gốm Bàu Trúc, lễ hội Ka Tê đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Quần thể tháp Po Klong Garai, tháp Hòa Lai được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đây là loại tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn rất riêng của Ninh Thuận. Ngoài ra, Ninh Thuận còn là xứ sở của một số “đặc sản” nông nghiệp ít địa phương có được, đó là Nho, Táo, Cừu, Dê, Măng tây, Nha đam và những cánh đồng muối...

Để du lịch Ninh Thuận phát triển xứng tầm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính Trị; Tỉnh Ninh Thuân đang tập trung các nguồn lực mang tính chiến lược cho phát triển du lịch; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tích cực liên kết, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước; gắn bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa với khai thác tiềm năng du lịch; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức, đặc biệt là qua điện ảnh và truyền hình. Với sự chung tay và nỗ lực của các cơ quan ban, ngành của Tỉnh, các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch trong cả nước; hứa hẹn sẽ mang lại sức mạnh mới cho du lịch Ninh Thuận trong tương lai, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới, cũng như khẳng định vai trò quan trọng của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận.

Hoàng Hải (CQĐD TP.HCM)