09/11/2024 lúc 09:46 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch Nghệ An đón “Thời điểm vàng” để mở cửa trở lại

Nghệ An được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng phát triển, trong đó có phát triển du lịch. Những năm gần đây, ngoại trừ thời gian không thể hoạt động do dịch Covid-19, du lịch Nghệ An đã có bước chuyển biến tích cực, không gian phát triển được mở rộng, không chỉ còn bó hẹp ở khu vực ven biển mà ngày càng lan tỏa đến các huyện miền Tây với loại hình sản phẩm du lịch đa dạng hơn, chất lượng được cải thiện đáng kể.

 

Hội nghị Triển khai mở cửa hoạt động du lịch và đón khách du lịch quốc tế năm 2022 của tỉnh Nghệ An (18/3/2022)

Năm 2020 và cả năm 2021, ngành du lịch cả nước gần như phải “bất động” do đại dịch covid-19. Du lịch Nghệ An cũng không là ngoại lệ. Thực tế đó khiến cho ngành “công nghiệp không khói” nói chung bị suy giảm nghiêm trọng về mọi mặt, có nơi đứng trước nguy cơ đổ vỡ…

An toàn là điều kiện CẦN

Cho nên, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại hoạt động quan trọng này, Du lịch Nghệ An xác định đây là "thời điểm vàng" để mở cửa lại và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút du khách cả trong và ngoài nước…

Trên thực tế, sau một thời gian tập trung chuẩn bị tái đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; xây dựng mới, làm mới, hoàn thiện các sản phẩm du lịch; tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực; kiểm tra, đánh giá chất lượng các dịch vụ và hiện gần 100% người lao động trong ngành Du lịch, dịch vụ đã được tiêm đủ mũi vắc-xin cơ bản phòng Covid-19, thì nhiều cơ sở dịch vụ tự đánh giá là an toàn khi phục vụ du khách, và toàn ngành du lịch Nghệ An đã sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Lễ hội Du lịch Cửa Lò sẽ diễn ra vào ngày 9/4/2022 và kéo dài 1 tuần

Tuy nhiên, ngành Du lịch Nghệ An xác định, việc mở cửa trở lại chỉ thực sự mang lại hiệu quả cao và bền vững khi đảm bảo du khách an toàn, hành trình an toàn và điểm đến an toàn. Trong đó, công tác đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ môi trường du lịch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là những điều kiện quan trọng không thể lơ là để phục hồi, phát triển du lịch bền vững; góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Nghệ An đến với du khách.

Nhằm tận dụng tốt nhất cơ hội, Sở Du lịch đang tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch và đón khách du lịch quốc tế đến Nghệ An; trên cơ sở đảm an toàn, hiệu quả và phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Giải pháp và sự chuẩn bị cụ thể là điều kiện ĐỦ

Về những giải pháp và kế hoạch cụ thể để biến chủ trương mở cửa trở lại du lịch thành hiện thực một cách nhanh chóng và hiệu quả, có thể nói ngành Du lịch Nghệ An đã có những chuẩn bị khá toàn diện. Trước hết là công tác đảm bảo an toàn cho du khách. Các hoạt động đón tiếp, phục vụ phải đảm bảo tuyệt đối các quy định, điều kiện về phòng, chống dịch và các tiêu chí đánh giá an toàn đối với hoạt động du lịch. Chủ động, linh hoạt và phòng ngừa rủi ro, xây dựng các phương án xử lý tình huống một cách kịp thời.

Đối với hoạt động du lịch nội địa: Quán triệt các quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ; Quyết định 218 của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Khách du lịch và khách sử dụng dịch vụ du lịch tự theo dõi sức khỏe và bảo đảm tuân thủ Thông điệp "5K” cùng các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm theo quy định; tuân thủ các quy định của điểm đến, quy định, hướng dẫn của đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch; có trách nhiệm phối hợp với đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và các cơ quan chức năng về việc phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch.

Chèo thuyền trên sông Giăng - Du lịch miền Tây Nghệ An

Đối với hoạt động du lịch quốc tế: Quán triệt và thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định mới nhất của Việt Nam đối với người nhập cảnh; cài đặt ứng dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Quốc gia theo quy định và duy trì kết nối trong thời gian lưu trú tại Nghệ An.

Việc chuẩn bị các tour, tuyến cũng được hoàn thiện hơn nhằm đón đầu và đáp ứng những xu hướng và nhu cầu mới của khách du lịch. Chẳng hạn, bên cạnh các sản phẩm Nghệ An có thế mạnh như: Du lịch văn hóa lịch sử gắn với tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, thời gian gần đây du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch công vụ, du lịch cộng đồng đang có xu hướng gia tăng.

Từ nhu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu của du khách, ngành Du lịch Nghệ An xác định các huyện miền Tây sẽ là địa bàn trọng điểm để phát triển và thu hút khách du lịch trong thời gian tới. Đây là vùng đất rộng lớn, nơi có hệ thống rừng nguyên sinh đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới với trung tâm là VQG Pù Mát; có nhiều cảnh quan hùng vĩ và tươi đẹp, là nơi cư trú của các cộng đồng dân tộc thiểu số còn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Không gian rộng lớn của núi rừng, bản làng sẽ giúp cho du khách tìm được những giờ phút thanh tĩnh và sự trải nghiệm thú vị, đồng thời hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Liên quan tới vấn đề này, và để triển khai các hoạt động theo Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 04/01/2022 của UBND tỉnh về phát triển du lịch Nghệ An năm 2022, mới đây Sở Du lịch tổ chức đoàn khảo sát, xây dựng, công bố tour caravan “Khám phá cung đường miền Tây Nghệ An”; đón Đoàn famtrip, presstrip khảo sát sản phẩm du lịch Xuân, Hè “Nghệ An - Về miền ví, giặm”…

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo như: du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa lịch sử gắn với tâm linh, du lịch sinh thái…, Nghệ An đồng thời ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có đẳng cấp chất lượng cao, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh khai thác giá trị văn hóa phi vật thể như dân ca, dân nhạc, dân vũ, lễ hội, làng nghề cũng như các phong tục tập quán, ẩm thực truyền thống để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Từng bước phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch canh nông gắn với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm du lịch hội nghị, hội thảo của tỉnh và của vùng, trên cơ sở kêu gọi đầu tư các dự án Khu du lịch sinh thái ven sông Lam, các khu vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử tiêu biểu như thành cổ Vinh, đền Hoàng đế Quang Trung, đền Ông Hoàng Mười, đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh, các bảo tàng để phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến Nghệ An; tiếp tục mở rộng khai thác tuyến du lịch ven sông Vinh…

Để đạt hiệu quả cao khi mở cửa trở lại, trong quá trình thực hiện kế hoạch, ngành Du lịch chủ trương tăng cường hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá để thu hút du khách. Đặc biệt là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, vừa đáp ứng yêu cầu về ứng dụng khoa học - công nghệ, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời tổ chức mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Chúng ta tin tưởng rằng, với các hoạt động đã, đang và sẽ được triển khai, quá trình khôi phục mở cửa lại các hoạt động kinh doanh du lịch sẽ gặt hái được nhiều thành công, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh nhà sau đại dịch Covid - 19.

Nguyệt Hằng