Du lịch Nông nghiệp thực chất là loại hình du lịch sinh thái - đó là hình thức du lịch “dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững” (Theo Luật Du lịch – 2005). Việt Nam ta sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển Du lịch Nông nghiệp (DLNN) hay du lịch Canh nông (DLCN). Trong đó, tỉnh Nghệ An cũng là địa phương có nhiều ưu thế, đã và đang có nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển loại hình du lịch “dân giã” mà không kém phần hấp dẫn này.
UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Bàn giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19 tỉnh Nghệ An năm 2020” (5/2020)
Được ví là một “Việt Nam thu nhỏ”, tỉnh Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với đầy đủ các loại hình: Văn hóa - tâm linh, biển - nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng. Trong đó, tiềm năng để phát triển Du lịch Canh nông rất lớn, nhờ xuất phát từ một nền nông nghiệp được khai phá, hình thành từ hàng nghìn năm trước và là địa phương có diện tích đất tự nhiên lớn nhất cả nước, cùng một địa hình đa dạng, phong phú, nông nghiệp phát triển với nhiều chủng loại cây trồng, vật nuôi, luôn được duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng.
Tiềm năng lớn cho du lịch Canh nông
Phát triển Du lịch Canh nông đang là một hướng phát triển được ngành Du lịch Nghệ An quan tâm đẩy mạnh. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, trọng tâm của hoạt động tái kích cầu du lịch ở Nghệ An chính là tập trung vào DLCN, hướng về nông thôn. Nếu phát triển đầy đủ, đây là loại hình du lịch mang tính trải nghiệm sản xuất, chế biến, thưởng thức nông sản; giải trí, chiêm ngưỡng cảnh quan; trao đổi tri thức văn hóa, giáo dục và khoa học; đồng thời còn có thể tổ chức các hoạt động giao thương nông sản để khai thác giá trị tổng hợp từ sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho tổ chức và cá nhân từ các hoạt động nông nghiệp. Các công ty lữ hành có thể xem đây là cơ hội cơ cấu lại sản phẩm du lịch, thu hút thêm một lượng du khách mới… Việc khai thác chính nguồn tài nguyên nông nghiệp sẵn có để tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch được coi là một giải pháp giúp người nông dân và các trang trại, nhà vườn tăng thu nhập, có điều kiện đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức hút cho du lịch và quảng bá được sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Đường mẫu ở xóm Sen 3 xã Kim Liên (Nam Đàn)
Trên toàn tỉnh Nghệ An hiện có rất nhiều vùng canh tác nông nghiệp tiềm năng, nhiều mô hình có thể hướng đến phát triển DLCN như: Vùng đất Phủ Quỳ màu mỡ, có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp với những cánh đồng, thung lũng hoa đua nhau tỏa hương khoe sắc, những trang trại, khu vườn cam, bưởi trĩu quả ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa. Bên cạnh đó là một chiều sâu văn hóa được tích tụ và lưu truyền từ bao đời nay. Hay như Đảo Chè ở Thanh Chương được du khách biết đến bởi vẻ đẹp kỳ vĩ và thơ mộng: gần 300 ha đồi chè ở đây được bao quanh bởi 80 ha mặt nước đã tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp, vừa hùng vĩ, vừa nên thơ; Những đồi chè xanh ở Thanh Chương cùng với đập thủy lợi Cầu Cau đã tạo nên những nét đẹp riêng làm nao lòng du khách, hàng năm nơi đây đón hàng vạn lượt khách đến tham quan. Đảo chè đã giúp huyện Thanh Chương quảng bá được hình ảnh vùng đất và con người, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế cho cây chè. Rồi những điểm đến DLCN đang trong quá trình hình thành và phát triển như mô hình Homestay ở Kim Liên (Nam Đàn) với những vườn cây trái và hồ sen xanh mát. Hay những trang trại cam bạt ngàn ở xã Đồng Thành (Yên Thành), đồi chè ở Hùng Sơn (Anh Sơn), cánh đồng hoa Hướng dương (Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn), rừng tre ở Châu Khê (Con Cuông) và hàng chục làng nghề khác trên các địa bàn đang được xây dựng thành điểm đến du lịch. Du lịch trải nghiệm vườn cam ở huyện miền núi Con Cuông (xã Yên Khê) khi vào mùa cam chín, du khách được tham gia hái cam và thưởng thức cam tại vườn của các hộ gia đình trồng cam, thật sự thú vị. Mô hình này không chỉ giúp người trồng cam có thêm thu nhập mà còn giúp quảng bá mạnh mẽ hơn về hình ảnh, về thương hiệu cam Vinh vốn nổi tiếng bấy lâu. Mới đây được sự hỗ trợ của JICA, Sở Du lịch Nghệ An phối hợp với huyện Con Cuông đã xây dựng thí điểm mô hình du lịch canh nông tại vườn cam Bản Pha, thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế tới tham quan, trải nghiệm, mua sản phẩm từ cam…
Một góc những đồi chè Thanh Chương
Trong tiềm năng đa dạng ấy, đã có một số mô hình DLCN được đề xuất để khai thác, phát triển. Tiêu biểu như mô hình trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn theo tuyến đường Hồ Chí Minh: tham quan mô hình trang trại của Công ty rau sạch FVF kết hợp tham quan các đồi hoa; Mô hình tham quan Hợp tác xã Sen quê Bác, thăm vườn cây trái ở Kim Liên (Nam Đàn) kết hợp với khám phá Đảo chè (Thanh Chương); Mô hình du lịch nông nghiệp tại bản Pha, xã Yên Khê gắn với sản phẩm Cam, kết nối với rừng tre và nghề chế biến tre mỹ nghệ ở Châu Khê (Con Cuông). Đi tiên phong trong phát triển DLCN tại Nghệ Ancòn có thể kể đến Trang trại rau sạch và cánh đồng hoa hướng dương của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn, thu hút sự quan tâm lớn không chỉ của người dân trong tỉnh mà còn với khách du lịch từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và cả du khách nước ngoài.
Hiện tỉnh Nghệ An đang từng bước phối hợp xây dựng sản phẩm DLCN gắn với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại nhiều nơi trong Tỉnh. Các mô hình DLCN khi được kết hợp với cảnh quan làng quê và không gian văn hóa nông thôn mới, sẽ phát huy được hiệu quả của chương trình, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của quê hương Nghệ An; kết nối không gian đô thị và nông nghiệp gần nhau hơn; tạo đột phá thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; là lĩnh vực khởi nghiệp mạnh đối với thế hệ trẻ trong tỉnh…
Cánh đồng hoa Hướng dương
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển DLCN hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế rất cần được khắc phục. Đó là việc kết hợp phát triển các hoạt động du lịch gắn kết với nông nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương; chưa có mô hình DLCN kiểu mẫu liên kết chuỗi giá trị từ chủ trang trại, ngân hàng, nhà khoa học và các công ty lữ hành để đổi mới sáng tạo sản phẩm, nhằm phát triển loại hình DLCN bền vững; còn nhiều điểm du lịch canh nông chưa có điều kiện đầu tư đồng bộ, đúng nghĩa một điểm du lịch canh nông, đặc biệt là kết cấu hạ tầng hỗ trợ du khách trong phạm vi điểm du lịch; dịch vụ truyền thông, kết nối tour tuyến phạm vi quốc gia và quốc tế chưa phát triển đúng mức; thiếu đội ngũ nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ du khách; phương pháp vận hành các mô hình liên kết các sản phẩm, dịch vụ thành quy trình khép kín phục vụ khách tham quan chưa đáp ứng được yêu cầu … Đó cũng là những vấn đề ngành Du lịch Nghệ An phải từng bước khắc phục trong thời gian tới.
Chủ trương 1, giải pháp 10…
Để DLCN trở thành sản phẩm du lịch mới có tính cạnh tranh cao, có hiệu quả lớn, tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài những giải pháp chung như: Đa dạng và nâng cao chất lượng các dịch vụ của điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; xác định thị trường trọng điểm khách du lịch; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện… thì để thúc đẩy phát triển DLCN, ngành Du lịch Nghệ An đã và đang tập trung vào việc đề xuất cơ chế, chính sách cho loại hình DLCN, nâng cao chất lượng du lịch nông nghiệp bằng cách thu hút vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công tác quản lý, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường…
Hồ Sen quê Bác (Kim Liên – Nam Đàn)
Cùng với đó, ngành Du lịch Nghệ An cần từng bước triển khai những giải pháp cụ thể thực hiện chương trình; bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, định hướng một cách khoa học các vùng, các địa phương, các trang trại, các sản phẩm nông nghiệp có thể tham gia loại hình DLCN. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí về DLCN để triển khai cho các địa phương; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ cho DLCN. Tổ chức rà soát và thống kê cụ thể về xây dựng mô hình thí điểm DLCN để đánh giá thực tiễn, trên cơ sở đó mở rộng nhiều loại hình DLCN và đề ra các chính sách có tính đột phá hơn nữa trong những năm tiếp theo đến 2025 và xa hơn. Cũng nên rà soát, xem xét tính liên kết vùng, từ đó giới thiệu sản phẩm mới, kết nối tuor, tuyến với các công ty lữ hành thu hút khách du lịch canh nông; chủ động đề xuất xây dựng mô hình DLCN kiểu mẫu liên kết chuỗi giá trị từ chủ trang trại, ngân hàng, nhà khoa học và các công ty lữ hành để đổi mới sáng tạo sản phẩm, nhằm phát triển du lịch canh nông bền vững. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chương trình phát triển DLCN gắn với xây dựng nền nông nghiệp bền vững; gắn với xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư thích đáng cho kết cấu hạ tầng phục vụ DLCN như đường, điện, nước sạch; hoàn chỉnh chính sách tín dụng, chính sách đất đai, thu hút đầu tư, chính sách thuế ưu đãi, ban hành bộ tiêu chí về DLNN; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu... nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh nền nông nghiệp và địa bàn đa dạng của tỉnh vào ngành “công nghiệp không khói”, góp phần nâng cao chất lượng du lịch và cải thiện đời sống người nông dân trong tỉnh./.