15/01/2025 lúc 20:04 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) – Tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển

Nằm cách trung tâm huyện Bảo Yên gần 30km theo hướng quốc lộ 279, Nghĩa Đô không chỉ là nơi lưu giữ các di tích lịch sử văn hóa như: Thành cổ Nghị Lang, Đồn Nghĩa Đô, di tích Đền Nghĩa Đô mà còn có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn phong phú và đa dạng, nổi bật là bản làng của người Tày với kiến trúc nhà sàn độc đáo.

Nằm cách trung tâm huyện Bảo Yên gần 30km theo hướng quốc lộ 279, Nghĩa Đô không chỉ là nơi lưu giữ các di tích lịch sử văn hóa như: Thành cổ Nghị Lang, Đồn Nghĩa Đô, di tích Đền Nghĩa Đô mà còn có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn phong phú và đa dạng, nổi bật là bản làng của người Tày với kiến trúc nhà sàn độc đáo.

Bản làng nhà sàn của người Tày xã Nghĩa Đô. Ảnh: Thế Lượng.

Nằm ở cửa ngõ phía Đông của tỉnh Lào Cai, huyện Bảo Yên có điều kiện khí hậu lý tưởng, sở hữu nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với nhiều địa danh du lịch tâm linh nổi tiếng trong cả nước như Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khánh. Trên địa bàn huyện hiện có 9 di tích đã được các cấp xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia, 6 di tích, danh thắng cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Cùng với đó là Bảo Yên còn là nơi sinh sống của 26 dân tộc anh em, với những kho tàng văn hóa mạng đậm bản sắc dân tộc phong phú. Đây chính là điều kiện thuận lợi để huyện Bảo Yên phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo và xây dựng nông thôn mới.

Cọn nước truyền thống của người Tày.

Nằm cách trung tâm huyện Bảo Yên gần 30km theo hướng quốc lộ 279, xã Nghĩa Đô có tổng diện tích đất tự nhiên là 3.854 ha, vị trí địa hình lòng chảo, núi cao bao quanh 13 thôn bản, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 90% dân số. Nghĩa Đô là nơi lưu giữ các di tích lịch sử văn hóa: Thành cổ Nghị Lang, Đồn Nghĩa Đô, di tích Đền Nghĩa Đô. Cùng với đó, Nghĩa Đô còn có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn phong phú và đa dạng, nổi bật là bản làng của người Tày với kiến trúc nhà sàn độc đáo, những nếp nhà sàn cột nghiến, cột lý, mái lợp cọ, nhiều ngôi nhà vẫn còn giữ được cầu thang 9 bậc; với khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình với những dòng suối, thác nước, cánh đồng thẳng cánh cò bay, núi non trùng điệp. Để bảo tồn không gian văn hóa nhà sàn,  trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Đô đã vận động bà con đồng bào Tày giữ gìn kiến trúc nhà sàn truyền thống bằng vật liệu thân thiện với môi trường, lợp lá cọ. Đồng thời, thực hiện xây dựng nhà văn hóa thôn bản theo mẫu thiết kế chung bằng vật liệu bền vững nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống nhà sàn của đồng bào Tày. Trong quản lý xây dựng nhà ở tại xã Nghĩa Đô, đặc biệt ở những thôn bản đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, sẽ cam kết và quy ước với cộng đồng không xây dựng nhà ở có kiến trúc khác không phải nhà sàn. Nghiên cứu đề xuất với huyện, tỉnh có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, vận động bà con bảo tồn nhà sàn”.

Nhà sàn của người Tày ở Nghĩa Đô.

Cùng với đó, xã Nghĩa Đô còn là nơi mang đậm nét văn hoá truyền thống với các di tích lịch sử văn hóa, nghi lễ, các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày như: Nghi lễ Then Tày, nghi lễ mừng thọ, Nghi lễ gánh nước thiêng, thi ném còn, thi đánh yến; có những món ăn dân tộc phong phú, như măng luộc, măng cuốn gà, Vịt bầu Nghĩa Đô, xôi bảy màu, xôi cọ, vịt lam, cá lam bắp bi chuối trong ống nứa, rêu đá, thịt trâu sấy...; Điểm nhấn cho sinh hoạt cộng đồng ở đây là bà con duy trì các nghề truyền thống như: nghề đan lát, nghề thêu thổ cẩm.... Người dân Nghĩa Đô vẫn thường xuyên mặc những bộ trang phục truyền thống khi đi làm đồng hay đi chợ ngày chủ nhật; sản phẩm từ những nghề thủ công truyền thống có thể trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Trong năm 2021, xã Nghĩa Đô đã thành lập được Hợp tác xã nghề truyền thống với hơn 20 thành viên, thực hiện bảo tồn nghề đan lát, nghề thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào Tày. Trong đó, Hợp tác xã đã tổ chức khôi phục nghề đan nón lá cọ, sợi khương truyền thống. Hợp tác xã nghề truyền thống hiện đang được chuyên gia tư vấn xây dựng các mẫu thiết kế sản phẩm đan lát, sản phẩm thổ cẩm dựa trên chất liệu truyền thống của đồng bào Tày để tạo ra các sản phẩm: quà tặng lưu niệm, trang trí không gian sống, vật dụng trong gia đình... Đồng thời, Nghĩa Đô cũng đang thực hiện nghề trồng dâu nuôi tằm để phục dựng và bảo tồn nghề ươm tơ dệt vải từ tơ tằm, làm các đồ thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm từ chất liệu tơ tằm…

Bên cạnh phát huy bản sắc văn hóa làm du lịch, trong thời gian qua Đảng bộ, chính quyền xã Nghĩa Đô còn tuyên truyền vận động bà con thực hiện xây dựng hình ảnh Nghĩa Đô xanh với nhiều hoạt động ý nghĩa như: ra quân trồng cọ ở một số công trình công cộng, thu gom rác thải, làm sạch dòng suối Nậm Luông, trồng hoa ven đường giao thông, đặt các thùng rác thân thiện với môi trường... Với các hộ gia đình làm homestay, xã mời chuyên gia du lịch về tư vấn hướng dẫn trang trí lại nhà cửa, thiết kế cách bài trí trong khuôn viên nhà sàn, tạo cảnh quan sân vườn bằng các chất liệu có sẵn tại địa phương như tre, nứa, cọ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thân thiện với môi trường.

Nghĩa Đô đang phát triển nhiều loại hình du lịch văn hoá, kết hợp du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Với tiềm năng, thế mạnh, Nghĩa Đô có triển vọng phát triển nhiều loại hình du lịch văn hoá, kết hợp du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, Huyện ủy Bảo Yên đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô giai đoạn 2019 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, huyện Bảo Yên sẽ tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án, chương trình phát triển du du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu xã Nghĩa Đô hoàn thành “Xã nông thôn mới nâng cao”. Để thực hiện được điều dó, huyện Bảo Yên đã tập trung các nguồn lực xây dựng cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở du lịch đảm bảo thuận tiện, an toàn.Thực hiện quy hoạch kiến trúc bài bản, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch. Xây dựng bảo tàng sinh thái đồng bào dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, tập trung xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực, cho phát triển du lịch; hỗ trợ xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm; giúp kết nối đơn vị lữ hành. Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành khác, các chuyên gia có kinh nghiệm để tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển du lịch cộng đồng Nghĩa Đô. Kết hợp hài hoà giữa phát triển du lịch với việc bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ lợi ích cộng đồng dân cư nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các khu, điểm du lịch của Bảo Yên đến đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh; phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đội ngũ hướng dẫn viên, ưu tiên người địa phương am hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc mình, khả năng giao tiếp tiếng Anh; tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý du lịch thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hỏi kinh nghiệm. Bố trí ngân sách để hỗ trợ người dân, khuyến khích tạo động lực người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Phát huy thế mạnh về văn hóa, khôi phục một số nghề truyền thống tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng phục vụ nhu cầu của du khách; tạo ra các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, gắn du lịch tâm linh với du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Chuyển đổi các mô hình kinh tế từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất nông - lâm nghiệp tập trung gắn với mục tiêu phát triển du lịch để tăng thu nhập. Phát triển nuôi giống vịt bầu Nghĩa Đô, làng nghề mây tre đan truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.