27/12/2024 lúc 07:01 (GMT+7)
Breaking News

Dự kiến giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương của nhân lực công nghệ cao

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), theo đó đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định về giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao.

Ảnh minh họa - TL

Bộ Tài chính đề xuất, nghiên cứu bổ sung quy định về giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao (CNC) làm việc tại các doanh nghiệp, dự án trong các lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), nông nghiệp, chế biến nông sản, bao gồm: doanh nghiệp CNC, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, dự án ứng dụng CNC thuộc danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển, dự án sản xuất sản phẩm CNC thuộc danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, Điều 5 Luật thuế TNCN quy định: Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Quy định này thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn.

Theo Luật thuế TNCN hiện hành thì ưu đãi miễn, giảm thuế TNCN không áp dụng đối với cá nhân là nhân lực CNC, trong khi đây là lực lượng lao động quan trọng cần có cơ chế khuyến khích phát triển phù hợp. Luật CNC cũng đã có quy định Nhà nước tập trung đầu tư phát triển nhân lực CNC đạt trình độ khu vực và quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực CNC trong nước và ngoài nước, lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC và các hoạt động CNC khác (khoản 3 Điều 4 Luật CNC); Tập trung đầu tư phát triển CNC trong 04 lĩnh vực công nghệ là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa. Luật CNC cũng quy định giao Chính phủ điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực công nghệ cần tập trung đầu tư phát triển CNC tùy theo nhu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, trong đó đảm bảo CNC được ưu tiên đầu tư phát triển trong các lĩnh vực công nghệ phải phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, phát huy lợi thế của đất nước, có tính khả thi và đáp ứng một trong các điều kiện cụ thể (Điều 5 Luật CNC).

Phát triển khoa học công nghệ, nhân lực CNC là một trong những nhân tố quan trọng để tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để phát triển hơn nữa cho lĩnh vực khoa học và công nghệ, cần thiết phải có những chính sách tập trung thu hút các cá nhân có trình độ cao tham gia thực hiện trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin hoặc các lĩnh vực đang ưu tiên phát triển như nông nghiệp, chế biến nông sản. Đây cũng là chính sách được một số quốc gia trên thế giới áp dụng. Theo đó, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định phù hợp tại Luật thuế TNCN đối với thu nhập của cá nhân là nhân lực CNC làm việc tại các doanh nghiệp như: doanh nghiệp CNC, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, dự án ứng dụng CNC thuộc danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển, dự án sản xuất sản phẩm CNC thuộc danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển. Mức giảm thuế TNCN đối với nhóm đối tượng này cần được nghiên cứu, đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu về khuyến khích các đối tượng cần ưu tiên thu hút, duy trì hợp lý mức động viên NSNN và không làm sai lệch vai trò của chính sách thuế TNCN.

Do việc xác định cá nhân là nhân lực CNC phụ thuộc vào nhiều tiêu chí cũng như các định hướng phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Trường hợp bổ sung quy định giảm thuế TNCN đối với các đối tượng này, cũng cần nghiên cứu để có quy định về tiêu chí xác định cá nhân là nhân lực CNC để làm cơ sở cho việc thực hiện theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể.

Đề xuất giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định miễn thuế trong một số trường hợp đặc biệt

Dự thảo cũng đề xuất: Bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ cho phép miễn thuế trong một số trường hợp đặc biệt là: chuyên gia nước ngoài làm việc tại chương trình, dự án tài trợ bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); chuyên gia nước ngoài làm việc tại chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc Hệ thống Liên Hợp quốc tại Việt Nam đang được áp dụng chính sách miễn thuế theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước khi Luật thuế TNCN hiện hành có hiệu lực, qua đó đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế và đảm bảo cơ sở pháp lý minh bạch và ổn định.

Trong giai đoạn hiện nay, chính sách ưu đãi miễn thuế TNCN đối với chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án ODA, viện trợ phi chính phủ nước ngoài vẫn là cần thiết để khuyến khích, thu hút nguồn vốn vay và viện trợ nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, chính sách miễn thuế TNCN đối với nhân viên Việt Nam làm việc cho cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hợp quốc cũng cần tiếp tục duy trì để bình đẳng về nghĩa vụ thuế, vì khoản lương mà nhân viên Việt Nam nhận được đã thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập theo quy định của Liên Hợp quốc. Khoản thuế này do cơ quan đại diện của Liên Hợp quốc giữ lại và coi khoản thu này như khoản thuế thu nhập quốc gia và đưa vào Quỹ bình ổn thuế của Liên Hợp quốc và được trừ bớt phần định mức đóng góp hàng năm của quốc gia vào ngân sách của Liên Hợp quốc.

Theo đó, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế và đảm bảo cơ sở pháp lý, cần nghiên cứu, bổ sung quy định tại Luật thuế TNCN nội dung giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc miễn thuế trong một số trường hợp đặc biệt này. Đây cũng là những đối tượng đang được miễn thuế theo các văn bản dưới Luật trước thời điểm Luật thuế TNCN hiện hành có hiệu lực thi hành.

Khánh Linh

...