Thông qua chia sẻ của các đại diện thì hiện xã Hồng Thái Đông đã xuất sắc đạt mục tiêu 100% các thôn trên địa bàn xã đều triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các vị trí giao cắt trên các tuyến đường, những điểm đen giao thông. Với hệ thống camera giám sát, người dân Hồng Thái Đông đều phối hợp quản lý, bảo vệ, ghi nhận, khai thác dữ liệu thông tin camera ghi lại; cung cấp nguồn điện cho camera hoạt động; tạo điều kiện về vị trí lắp đặt camera trong diện tích đất của mình…
Hệ thống camera giám sát này được kết nối vào hệ thống máy chủ do lực lượng công an xã quản lý, máy điện thoại cá nhân của các đồng chí lãnh đạo xã. Nhiều thông tin, hình ảnh về những vụ việc vi phạm, tình trạng mất an toàn giao thông, hoặc dấu hiệu, nguy cơ mất an ninh trật tự có thể xảy ra đã được hệ thống camera ghi nhận, cập nhật, thông báo kịp thời đến lực lượng chức năng. Đây là cơ sở để các đơn vị chức năng đánh giá, phân tích, kịp thời đưa ra phương án xử lý hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn.
Vốn là xã có nền tảng sẵn về chuyển đổi số và là xã xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước nên hiện tại Việt Tân đang được Thị xã Đông Triều xem xét, lựa chọn để xây dựng xã thông minh. Trước đó, trong lúc dịch Covid-19 đang ở cao điểm, Việt Dân đã nhanh chóng, kịp thời thích ứng tận dụng các ứng dụng thương mại điện tử để tổ chức tiêu thụ na trên địa bàn. Chính việc ứng dụng thương mại điện tử đã giúp Việt Dân vượt qua nguy cơ ứ, ế cả ngàn tấn na trên cây vào mỗi vụ cao điểm thu hoạch trong bối cảnh giãn cách xã hội cũng như tránh được tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hoá.
Việt Dân sớm xây dựng thương hiệu, bộ nhãn hiệu nhận diện cho quả na, hình thành các vườn na, vùng na được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã vùng trồng, quả na được cấp mã QR, cấp tem chống hàng giả… Đó là những dữ liệu để dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, là điều kiện của thương mại điện tử.
Hiện nay, Việt Dân phối hợp với Viettel Quảng Ninh thực hiện triển khai 22 nhiệm vụ chuyển đổi số, bao gồm 4 nhiệm vụ về chính quyền số, 4 nhiệm vụ về kinh tế số và 14 nhiệm vụ về xã hội số. Bước đầu, xã Việt Dân sẽ triển khai 100% sử dụng biên lai điện tử, thay thế toàn bộ biên lai giấy; gắn mã địa chỉ số cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; thí điểm tổ chức họp trực tuyến từ UBND xã tới các thôn, khu phố.
Mục tiêu của Việt Dân là tạo bứt phá trong lộ trình chuyển đổi số toàn diện với 3 định hướng trọng tâm: Người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh và xúc tiến đầu tư. Cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa 3 cấp chính quyền.
Thừa thắng xông lên, 9 xã còn lại của Thị xã Đông Triều tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hạng mục chuyển đổi số. Và qua khảo sát mới đây nhất, các xã cơ bản đều đáp ứng các tiêu chí về lắp đặt và sử dụng hệ thống camera giám sát công cộng. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong nhân dân cũng tăng lên, nhất là các khoản thanh toán tiền điện, nước, đóng học phí cho con em…
Ngoài ra, vấn đề hồ sơ thủ tục hành chính ở nhiều xã cũng dần được chuyển sang thụ lý trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia; hồ sơ được số hóa đầu vào đầu ra và ký số đầy đủ 5 bước. Chính quyền xã trả kết quả thủ tục hành chính qua mạng đạt tỷ lệ cao, đồng thời tiến hành thu biên lai điện tử.
Nhiều cơ quan, đơn vị đã được cấp địa chỉ số, được gắn biển địa chỉ số (bên cạnh biển số nhà); đã được tạo mã QR và gắn địa chỉ số các trụ sở UBND phường, trường học, trạm y tế, công an và một số điểm di tích.
Thậm chí, một số đơn vị còn lắp đặt thử nghiệm hệ thống truyền hình trực tuyến từ UBND tới các nhà văn hóa khu phố, qua đó đã tổ chức thành công một số cuộc họp trực tuyến. Nhiều hộ gia đình tại các xã nông thôn mới của Thị xã Đông Triều cài đặt ứng dụng TV360; 100% các điểm nhà văn hóa thôn, khu phố, chợ, trường học, điểm vui chơi được lắp đặt Wifi miễn phí…
Có thể thấy những chuyển động trong công tác chuyển đổi số ở những xã Nông thôn mới của Đông Triều đã và đang triển khai rất thuận lợi. Qua đó, góp phần hình thành nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, thông minh đồng thời giúp nâng cao chất lượng đời sống người dân địa bàn nông thôn.