09/01/2025 lúc 18:57 (GMT+7)
Breaking News

Động lực to lớn xua tan những ngày dịch âm u là cháu

VNHN - Dịch COVID - 19 ở Việt Nam đã đi qua những ngày khó khăn nhất, nhìn lại những ngày không thể quên đó vẫn có những con người thầm lặng hi sinh bản thân mình để đánh đổi lấy những điều tốt đẹp nhất cho tổ quốc, cho xã hội, cho gia đình,... hay chỉ đơn giản là cho đứa cháu nhỏ. Như cái cách bà cụ Thị Gái (72 tuổi) với sạp hàng “tạp hóa bé xinh” bên ngã tư Cầu Giấy - Khúc Thừa Dụ vẫn đang làm mỗi ngày.

VNHN - Dịch COVID - 19 ở Việt Nam đã đi qua những ngày khó khăn nhất, nhìn lại những ngày không thể quên đó vẫn có những con người thầm lặng hi sinh bản thân mình để đánh đổi lấy những điều tốt đẹp nhất cho tổ quốc, cho xã hội, cho gia đình,... hay chỉ đơn giản là cho đứa cháu nhỏ. Như cái cách bà cụ Thị Gái (72 tuổi) với sạp hàng “tạp hóa bé xinh” bên ngã tư Cầu Giấy - Khúc Thừa Dụ vẫn đang làm mỗi ngày.

“Tít ơi, tan học rồi cất sách vở.. đi bán hàng với bà thôi”

Khi mọi người kết thúc một ngày hối hả và về nhà, ngày làm việc của bà cụ Gái bắt đầu. Bà bán hàng ở mặt đường Cầu Giấy này cũng được hơn một năm rồi, tạp hóa của bà mở cửa từ giờ tan tầm đến 5h sáng. Tạp hóa bé xinh lấy đất làm sạp lấy trời làm lán này rất đa dạng, có đỗ đen, đỗ đỏ, trứng gà quê, có lạc, hôm nào đặc biệt hơn thì có thêm vài quả xoài chín hay vài quả ổi.

Trước khi bước vào thời kỳ cách ly xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi lần đạp xe qua đây tôi lại thấy những thúng to chất đầy bỏng gạo, bỏng ngô, nhưng bà chia sẻ “Mùa hè không ai ăn bỏng nữa nên chuyển sang bán mấy đồ này. Mùa nào thức nấy”.

Sở dĩ, lúc chập choạng tối khi mọi người trở về nhà rồi bà mới có thể bắt đầu dọn hàng đi bán được là bởi vì giờ ấy em cu Tít (9 tuổi) nhà bà mới... tan học.

 

“Bà đi đâu cũng phải đưa cháu đi cùng, cháu còn nhỏ quá, để cháu ở nhà một mình bà không yên tâm”

Bà có đủ khách không ư? Nhiều hơn mọi người nghĩ đấy. Khách của bà là những cô, chú đi làm văn phòng tan làm về nhà, qua ngã tư này dừng đèn đỏ, mua vài chục quả trứng. Là những bạn sinh viên trường học ở gần đây, nhà trọ hết đồ ăn qua mua túi lạc về làm muối... “Phần đa là họ mua ủng hộ”, bà Gái vừa chia sẻ vừa cười. “Mọi người thương bà là bà mừng lắm”.

Hôm nào hết hàng nhanh bà có thể bắt xe bus về nhà sớm, không cần ở đây đến 5h sáng. Về cho cu Tít ngủ, sáng hôm sau còn đi học. Nhưng hôm nào ế ẩm, bà trải mấy miếng xốp ra, phủ bao tải sạch lên... cho cu Tít nằm, đầu gác lên đùi bà ôm ngủ. Còn bà cứ ngồi thế thôi, bà không cần ngủ. Thức làm chỗ dựa cho cháu.

“Miễn là cháu có ăn có học thì bắt bà làm gì bà cũng làm”

“Nhà có gì thì bà bán nấy, nếu nhà hết đồ rồi, bà sang hàng xóm thấy có gì thì hỏi mua lại”. Trước kia bà đi bán ve chai, ở đâu có chai lọ họ vứt thì bà nhặt, còn họ bán thì bà mua. Nhưng chắt chiu từng ngày như vậy cũng chẳng được mấy đồng. “Bây giờ Tít lớn rồi, đã học lớp 4, sắp lên cấp 2, bà cũng già hơn trước cộng thêm bệnh tật ốm đau, bà đi bán lề đường thế này thôi, tiết kiệm cố cho cu Tít đi học. Học phí đã có nhà trường lo rồi, bà chỉ kiếm tiền ăn, tiền trang trải cuộc sống thường ngày cho hai bà cháu. Nói to sợ Tít nghe thấy lại buồn.” bà Gái kể.

“Lỗi không phải do cháu, bố cháu mất sớm, mẹ cháu bỏ đi với chồng khác nên bà nuôi cháu từ ngày cháu chỉ có mấy tháng. Cháu là động lực để bà vượt qua khó khăn”

Trời thương, Tít được cái thông minh sáng dạ, học giỏi, ham đọc sách, đọc truyện tranh lắm, hôm nào đi bán hàng với bà cũng mang theo vài cuốn rồi nằm gối đầu lên chân bà đọc. Dù bán hàng thế này có khó khăn nhưng bà cố được ngày nào thì bà còn cố. Bà vẫn động viên, khuyến khích Tít đi học. Có ăn có học mới đỡ phải bươn chải như bà. “Miễn là cháu có ăn có học thì bắt bà làm gì bà cũng làm”.

May quá, đợt COVID qua rồi, đợt đấy ngoài đường vắng vẻ lắm, bà đi bán cũng chẳng mấy ai mua, bà nghỉ suốt. Nhà bà ở tận Vĩnh Phúc, mỗi lần ra đây lại phải đi đi về về. Nhưng được cái Tít học ở trường tiểu học gần đây, bà đợi Tít đi học về rồi tiện đi luôn.

“Nhà chỉ có hai bà cháu, không có cháu bà biết bám vào đâu”

Có lẽ hình ảnh bà cụ lưng còng, đầu đội nón, chân đi đất cùng đứa cháu trai với quyển sách trên tay ngồi bán hàng bên lề đường Cầu Giấy đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân sinh sống nơi đây, cũng như những người di chuyển trên tuyến đường này mỗi ngày.

“Ngày nào anh cũng thấy bà cụ bán hàng ở đây, có hôm tờ mờ sáng về, có hôm không về. Có hôm tự bắt xe bus có hôm mẹ cháu bé đến đón. Cùng là kiếp mưu sinh, mỗi người lại vất vả theo một cách khác nhau. May có cháu bé bà cũng bớt buồn”.

(Phỏng vấn anh chủ cửa hàng điện thoại DP Mobibe)

Khi hỏi về mong muốn của mình, bà Gái mộc mạc nói “Bà chỉ mong bà khỏe mạnh, Tít khỏe mạnh để thực hiện ước mơ của mình, học tập tốt, còn Tít muốn làm gì bà cũng cố hết sức hỗ trợ”./.