Trong chính sách phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã và đang từng bước đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với quy mô lớn, tốc độ rất nhanh khiến đổi mới sáng tạo trở thành tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và trở thành ngôn ngữ chung, có ý nghĩa toàn cầu. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam là nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trở thành động lực mới để tạo ra tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo.
Ảnh minh họa
Doanh nghiệp có vai trò trung tâm
Chia sẻ về hoạt động đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương cho biết, tập đoàn này đã có sự bứt tốc từ cú huých Covid-19, khi thực tiễn sản xuất, kinh doanh trong thời gian dài giãn cách xã hội đòi hỏi phải có sự thay đổi từ cách làm việc truyền thống sang môi trường trực tuyến. Không tổ chức được các kênh bán hàng truyền thống, doanh nghiệp buộc phải có sự đổi mới sáng tạo từ sản phẩm, chương trình tiếp thị đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ðồng thời quyết liệt thực hiện chuyển đổi số để quản lý các quy trình hoàn toàn thông qua công nghệ, giảm các loại giấy tờ phải ký, hình thành một phương thức phối hợp và làm việc mới thông qua văn phòng không giấy tờ, văn phòng ảo.
Theo bà Trần Uyên Phương, đổi mới sáng tạo là một quá trình khó khăn, phải bắt nguồn từ việc thống nhất ý chí trong đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp để trở thành văn hóa doanh nghiệp: “Nói thì dễ nhưng đây là một quá trình khó khăn. Vì ngay trong giai đoạn hình thành ý tưởng đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi chất vấn bởi đổi mới sáng tạo đã mang hàm ý làm theo cách khác biệt với những giá trị hiện tại. Ý tưởng đưa ra không chỉ phải chứng minh được tính hiệu quả, khả thi mà còn phải dự báo rủi ro càng chi tiết, càng nhiều càng tốt. Và phải xác định thất bại là một phần trong đổi mới sáng tạo, nhưng phải làm sao để sau vấp ngã vẫn tiến về phía trước, đem lại kết quả thành công chung”.
Theo bà Nguyễn Thy Nga, Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư và quản lý V-startup, doanh nghiệp đang được đẩy vào vai trò trung tâm của đổi mới sáng tạo. Theo đó, từ lãnh đạo đến nhân viên đều phải thấm nhuần tinh thần của đổi mới sáng tạo và tự ý thức mỗi ngày để nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình. Trong chính sách phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã và đang từng bước đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Kết nối chính sách với doanh nghiệp
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này. Các chính sách về ưu đãi đầu tư, nhất là cho đổi mới sáng tạo đã được quy định cụ thể trong luật và nghị định. Chính phủ đã ban hành riêng Nghị định số 94/2020/ NÐ-CP ngày 21/8/2020 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia. Sau hai năm đi vào hoạt động, Trung tâm đang trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận các nguồn lực để đẩy nhanh mô hình tăng trưởng, đồng thời hình thành Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1.000 thành viên. Qua đó kết nối các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đóng góp rất nhiều trí tuệ, công nghệ và hoạt động chuyển giao cung cấp thông tin bổ ích cho các doanh nghiệp trong nước về hoạt động đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, việc thiếu thông tin về các chính sách, hình thức hỗ trợ của Nhà nước đang là rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội để đổi mới sáng tạo, vượt qua thách thức do đại dịch Covid-19 và phát triển dài hạn. Vấn đề này đã được nhận diện và tìm giải pháp khắc phục tại hội thảo Ðổi mới sáng tạo, kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) vừa tổ chức. Tại hội thảo, ông Chử Ðức Hoàng, Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ cho nên gặp rất nhiều khó khăn để nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển và hoạt động đổi mới sáng tạo. Ðể hỗ trợ doanh nghiệp, Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia (vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng) sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Hình thức là thông qua hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới công nghệ; mở rộng hỗ trợ tài chính cho dự án đổi mới công nghệ; từng bước bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ để doanh nghiệp vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Ðồng hành doanh nghiệp còn có Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư). Bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ thông tin: Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của dự án, thời hạn vay vốn tối đa không quá bảy năm với các ưu đãi về phí khuyến khích trả nợ trước hạn và những hỗ trợ khác từ ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp; được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi khác của ngân hàng kèm theo chương trình nhằm nâng cao hiệu quả khoản vay. Ðiều kiện vay vốn là doanh nghiệp phải có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Bảo đảm nguồn vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay quy định pháp luật có liên quan.
Ðó là những hoạt động thiết thực nhằm rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn, giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo.