19/01/2025 lúc 16:24 (GMT+7)
Breaking News

Đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là nguyên khí quốc gia, là vốn quý của dân tộc

Nói đến các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ là nói đến tài năng, tâm huyết, lòng yêu nước, sự mẫn cảm với thời cuộc, tinh thần trách nhiệm với quốc gia, dân tộc, với nhân dân.

Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo, tạo mọi điều kiện tốt nhất trong khả năng để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước phát huy năng lực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, thỏa mãn đam mê, cảm hứng, khát vọng và quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh, vì một Việt Nam hùng cường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các văn nghệ sĩ tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (7/2023). Ảnh : TTXVN

Đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là nguyên khí quốc gia, là vốn quý của dân tộc

 Lịch sử dân tộc qua các thời kỳ đã chứng minh, hiền tài là nguyên khí quốc gia, là vốn quý của dân tộc. Sự tồn vong của chế độ; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước phụ thuộc rất lớn vào vai trò của tầng lớp tinh hoa trong đời sống xã hội.

Hơn 500 năm về trước, Đông các Đại học sĩ Triều Lê Thân Nhân Trung vâng mệnh của vua Lê Thánh Tông đã soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử Giám, trong đó đã khẳng định vai trò đặc biệt cao cả và quan trọng của nhân tài trong công cuộc làm hưng thịnh cho đất nước: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao; nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp”.

Thấm nhuần quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm khoa học, toàn diện, xuyên suốt về trí thức và đã sớm khẳng định vai trò quan trọng của trí thức trong sự nghiệp cách mạng: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”.

Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhận thức đúng vai trò của trí thức và đặc biệt quan tâm trọng dụng, có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ trí thức, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức sáng tạo, cống hiến cho Tổ quốc.

Trong nửa đầu của thế kỷ XX, nhiều tổ chức của trí thức Việt Nam đã được thành lập và phát triển rộng khắp, như: Hội Truyền bá Quốc ngữ (năm 1938), Hội Văn hoá cứu quốc (năm 1943), Hội Văn nghệ Việt Nam (năm 1948)... đã góp phần tích cực vào việc mở mang dân trí, giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước.

Ngay sau ngày hòa bình lập lại (năm 1954), Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để nhiều hội nghề nghiệp được thành lập, nhất là sau khi Nhà nước ban hành Sắc lệnh số 52 quy định về Hội và Sắc lệnh số 102 quy định về Quyền lập hội. Một số hội đã được thành lập, như: Hội Luật gia Việt Nam (năm 1955), Tổng hội Y Dược học Việt Nam (năm 1955), Hội Y học cổ truyền Việt Nam (năm 1957). Năm 1963, Hội Phổ biến kiến thức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày nay, đã được thành lập nhằm tập hợp, quy tụ các nhà khoa học, trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật để đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật cho quần chúng nhân dân. Ngày 26/3/1983, tại Thủ đô Hà Nội, 15 tổ chức hội thuộc các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đã tiến hành Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), ngày 6/8/2008, đã khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Kế thừa, phát triển những quan điểm đó, tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), Đảng ta đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 “về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới”. Theo đó, Nghị quyết đã cụ thể hóa, phát triển, bổ sung nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong thời đại mới; trong đó, khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững”; xây dựng đội ngũ trí thức thực chất là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong những động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đây là tư duy mới, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhằm tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Vai trò, ảnh hưởng của trí thức, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp cách mạng

 Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết; kiến thiết cần phải có nhân tài”. Trong bài viết, “Nhân tài và Kiến quốc”, đăng báo Cứu quốc số ra ngày 14/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều.

Để xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc nhiều hy sinh, gian khổ ở phía trước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực thi nhiều biện pháp nhằm phát hiện, tập hợp, sử dụng, trọng dụng nhân tài; giúp đỡ thế hệ trí thức mới tiến bộ, đào tạo họ thành những trí thức “chính tâm và thân dân”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ là người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã tự nguyện trở về Tổ quốc tham gia cuộc kháng chiến, kiến quốc đầy hy sinh, gian khổ, như các nhà khoa học, các nhà trí thức: Hoàng Minh Giám, Vũ Ðình Tụng, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Lương Ðịnh Của, Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Ðặng Văn Ngữ, Trịnh Ðình Thảo, Trần Đức Thảo, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm...

Ở trong nước là đội ngũ trí thức, nhà khoa học đông đảo, tâm huyết, tiêu biểu là các nhà khoa học: Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Tố, Tôn Thất Tùng, Đỗ Đức Dục, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Văn Hiệu, Hoàng Tụy, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Tuệ, Đặng Vũ Minh...

Cũng như giới nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ đồng cam cộng khổ, gắn bó bền chặt với đời sống công, nông, binh; ngợi ca và góp phần nhân lên niềm tin, sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc. Đó là những văn nghệ sĩ tiêu biểu, như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Chế Lan Viên, Nguyễn Văn Bổng, Nông Quốc Chấn, Thế Lữ, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Bá Khoản, Võ An Ninh, Nguyễn Thế Đoàn... Nhiều người đã anh dũng hy sinh, như Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu,Tô Ngọc Vân...

Đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân dưới ngọn cờ của Đảng, nhiều thế hệ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục trở thành người chiến sĩ trong các cuộc trường chinh đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đưa đất nước vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Lịch sử đấu tranh cách mạng giành độc lập cho dân tộc đã cho thấy khi Đảng có được sự “chung lưng, đấu cật”, “mọi trí thức lớn và văn nghệ sĩ đã đứng về “dưới lá cờ nghĩa của Cách mạng” để cùng đấu tranh và xây dựng một “xã hội kiểu mới” như nhà văn Nguyễn Tuân từng nói, thì cuộc cách mạng xây dựng một nền tảng tinh thần mới cho xã hội của Đảng tất yếu thành công.

Việc này càng nguyên giá trị trong thời đại hiện nay, khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với đời sống quốc tế và tiếp nhận cùng lúc, liên tục, đan xen nhiều luồng tư tưởng, văn hóa, tri thức khổng lồ từ bên ngoài...

Do đó, việc Đảng khẳng định, tiếp nối, phát huy những giá trị to lớn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam và quán triệt những định hướng quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 để tổ chức Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023 (ngày 16/2/2023) và tới đây là cuộc gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ năm 2024, thực sự là điểm tựa vững chãi, lời hiệu triệu “triệu người như một”, kim chỉ nam cho toàn thể giới trí thức, văn nghệ sĩ “nhất hô bá ứng” đồng lòng “thăng hoa” sáng tạo, cống hiến “đóng góp xứng đáng cho sự vững mạnh của dân tộc, tiếp tục bồi đắp và làm rạng rỡ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”.

Để tiếp tục xây dựng, phát triển, phát huy sứ mệnh, vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023 (ngày 16/2/2023), đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quán triệt nhận thức về vị trí, vai trò, tầm trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế theo hướng tạo động lực để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển năng lực, tạo cơ hội, điều kiện cần thiết để cống hiến; xây dựng cơ chế chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài trong và ngoài nước; thật sự tôn trọng và có cơ chế phù hợp để nâng cao chất lượng tư vấn, phản biện của chuyên gia đối với những vấn đề của đất nước.

Thường trực Ban Bí thư cho biết, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nước nhà có vai trò quan trọng, có ý nghĩa then chốt với vận mệnh và tương lai của dân tộc; đề nghị các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tiếp tục tận tâm, tận hiến với quốc gia, dân tộc, "giữ vững cốt cách tinh thần như tùng, như bách", không ngừng phát huy tài năng, trí tuệ, tăng cường đoàn kết, hợp tác, chú trọng đào tạo, dìu dắt thế hệ kế cận, sẵn sàng gánh vác trọng trách trong tương lai, vì một nước Việt Nam cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc.

Thường trực Ban Bí thư bày tỏ tin tưởng đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để có thêm những thành tựu mới, đóng góp xứng đáng vào sự vững mạnh của dân tộc, tiếp tục bồi đắp và làm rạng rỡ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam./. 

... Theo TTXVN