25/11/2024 lúc 19:33 (GMT+7)
Breaking News

Đổi mới tư duy, nâng tầm giá trị cho ngành gỗ

VNHNO - Theo các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) ngành chế biến gỗ cần phải thay đổi tư duy, giải pháp, tạo ra sự khác biệt cũng như xây dựng thương hiệu đủ mạnh cho công ty mình thì ngành gỗ nước ta mới có thể phát triển bền vững được. 

VNHNO - Theo các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) ngành chế biến gỗ cần phải thay đổi tư duy, giải pháp, tạo ra sự khác biệt cũng như xây dựng thương hiệu đủ mạnh cho công ty mình thì ngành gỗ nước ta mới có thể phát triển bền vững được. 

Ảnh minh họa

Hiện ngành lâm nghiệp trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, đứng thứ 2 trong khu vực châu Á và đứng thứ 5 trên thế giới.

Theo Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ tại TP. HCM, hiện nay, mẫu mã tạo ra lợi thế cạnh tranh cao và giá trị lớn. Tuy nhiên, hầu hết các DN Việt nói chung và DN gỗ nói riêng lại không chú trọng đến việc thiết kế mẫu mã sản phẩm.

Ông Lê Văn Nga - Tổng giám đốc Công ty Koda Sài Gòn chia sẻ: Có 3 lý do chính mà DN chưa chú trọng nhiều tới việc thiết kế mẫu mã cho ngành nội thất. Thứ nhất là DN chưa thấy được tầm quan trọng của những sản phẩm có mẫu mã đẹp sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh và giá trị cao cho sản phẩm khi bán ra. Thứ 2, DN hiểu được tầm quan trọng của việc đó nhưng chưa dám làm vì sợ rủi ro. Thứ 3, có thể DN muốn làm nhưng không đủ năng lực để làm và không biết bắt đầu từ đâu.

Trước đó, trong Hội nghị "Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Ngành chế biến gỗ trong thời gian tới cần định hướng phát triển bền vững dựa trên sự hội nhập sâu rộng vào thị trường gỗ quốc tế, nguồn nguyên liệu trong nước, công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ quản lý phù hợp và tay nghề cao cùng với hệ thống công nghiệp hỗ trợ hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Nga cũng cho rằng: Làm đẹp cho căn nhà và không gian sống đang rất được người tiêu dùng quan tâm nên đồ gỗ nội thất không chỉ là cái ghế để ngồi mà cần biến thành một tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, nếu DN nào không quan tâm điều này mà vẫn làm theo cách cũ thì sẽ dễ bị một sức ép cạnh tranh rất lớn, đó là "sức ép của sự đào thải" vì không thể thích nghi với môi trường kinh doanh mới.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện đang có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch đạt trên 8 tỷ USD năm 2017 và đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm lại không được chú trọng đầu tư, dẫn đến sản phẩm gỗ đầu ra thường khá đơn điệu, dẫn đến giá trị sản phẩm thấp và sức cạnh tranh trên thị trường không cao.

Vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển ngành gỗ hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần chú trọng xây dựng nhiều chương trình, chiến lược cụ thể và dài hạn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam như tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, mở các cơ sở đào tạo và dạy nghề cho ngành gỗ, mở ra các trung tâm đào tạo chuyên về thiết kế nội thất.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh nhiều chương trình để khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào ngành công nghiệp chế biến gỗ. Đồng thời có những chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá cho hình ảnh ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, nâng cao thương hiệu gỗ Việt ra thế giới./.