03/05/2024 lúc 06:50 (GMT+7)
Breaking News

Triển vọng mới cho ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam

VNHNO -

VNHN - Đây là thời điểm thú vị cho ngành gỗ Việt Nam được đánh dấu bằng cam kết đáng khen ngợi của Chính phủ và ngành chế biến gỗ Việt Nam khi tham gia cùng EU trong cuộc chiến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Bà Axelle Nicaise – đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) cho biết: EU là một trong 4 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu đạt 700 triệu USD trong năm 2017. Đến năm 2016, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của EU là 26 tỷ USD và Việt Nam là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ hai cho EU. 

Ảnh: VGP.

Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa hai bên mà Hiệp định này dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế đối với gỗ và sản phẩm gỗ trong EU sau giai đoạn tối đa là 7 năm.

Thị trường gỗ quốc tế liên tục phát triển, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chứng chỉ môi trường của các sản phẩm được mua. Gỗ khi được sản xuất hợp pháp và bền vững thì ngày càng được người tiêu dùng tại EU lựa chọn.

Từ năm 2013, EU đã thực hiện Quy chế gỗ đó là cấm nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU và đưa ra các yêu cầu bắt buộc về trách nhiệm giải trình đối với các doanh nghiệp của EU. 

Vì vậy, tất cả các doanh nghiệp của EU đều phải có trách nhiệm bảo đảm gỗ trên thị trường của mình, kể cả gỗ nhập khẩu và gỗ nội địa đều phải có nguồn gốc hợp pháp. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra một động lực kinh tế tích cực cho các quốc gia và doanh nghiệp có thể hoạt động hợp pháp và bền vững.

EU và Việt Nam đã hợp tác cùng nhau chống khai thác gỗ bất hợp pháp từ đầu những năm 2000 thông qua các dự án tài trợ và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam từ năm 2011 và hai bên đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Hai bên đã đi một chặng đường dài kể từ khi bắt đầu đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) vào năm 2011 nhằm mục đích bảo đảm gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được sản xuất hợp pháp. 

Bà Axelle Nicaise chia sẻ: “Tôi rất vui mừng rằng cột mốc quan trọng đầu tiên trong cuộc chiến này sẽ sớm đạt được khi EU và Việt Nam phê chuẩn Hiệp định VPA, hy vọng là trong năm nay”. Bà cũng hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam vì đã tham gia cùng phía EU trong cuộc chiến chống khai thác gỗ bất hợp pháp và “Nói không với gỗ bất hợp pháp”.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á chuẩn bị ký kết VPA. Với việc thực thi Hiệp định VPA và việc bắt đầu cấp phép FLEGT, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp vào thị trường EU, thị trường chỉ mở cho gỗ hợp pháp. 

Các doanh nghiệp sẽ không phải trải qua một quá trình kiểm tra tính hợp pháp rườm rà. Và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác không có một Hiệp định VPA đầy đủ./.

Theo Văn Phòng Chính Phủ