22/01/2025 lúc 18:46 (GMT+7)
Breaking News

Đổi mới phương thức và hiệu quả hoạt động nâng cao vị thế của LHH Việt Nam

Liên hiệp Hội là nơi tập hợp hơn 3,7 triệu hội viên, trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức của cả nước, với 63 Liên hiệp Hội địa phương, 93 Hội ngành toàn quốc và gần 600 tổ chức khoa học công nghệ hoạt động trên mọi lĩnh vực rộng khắp trong cả nước đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Phóng viên (PV): Thưa TSKH. Phan Xuân Dũng, phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại,…” (1) .

Với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức KH&CN Việt Nam, những năm qua Liên hiệp Hội đã tham mưu về đường lối, chủ trương, chính sách; tư vấn, phản biện và giám định xã hội những nội dung gì, có ý nghĩa về khoa học, công nghệ?

TSKH. Phan Xuân Dũng:

Với vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) được giao trọng trách là đầu mối tổ chức, triển khai, thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội là “xây dựng cơ chế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tham gia các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, nhằm bảo vệ môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo của trí thức khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Liên hiệp Hội là nơi tập hợp hơn 3,7 triệu hội viên, trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức của cả nước, với 63 Liên hiệp Hội địa phương, 93 Hội ngành toàn quốc và gần 600 tổ chức khoa học công nghệ hoạt động trên mọi lĩnh vực rộng khắp trong cả nước đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Trong những năm qua, Liên hiệp Hội đã có bước phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát triển hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, là môi trường tốt để đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN, bồi dưỡng lòng yêu nước, ý thức chính trị, trách nhiệm công dân trong các tổ chức hội; trở thành địa chỉ tri thức tin cậy của Đảng, Nhà nước trong việc tham mưu những vấn đề lớn về chủ trương, đường lối, chính sách; chủ động đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần củng cố các luận cứ khoa học đối với những chương trình, đề án, dự án lớn.

Nhiệm kỳ 2015-2020, và 2 năm qua (2021-2022) hệ thống Liên hiệp Hội và các hội ngành liên quan đã chủ trì và phối hợp triển khai thực hiện trên 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Nhìn chung, các hoạt động đều đạt chất lượng tốt, góp ý khách quan, thẳng thắn, kịp thời đối với nhiều vấn đề quan trọng, như: chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước; cácdự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội; Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng các cấp; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng; những vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KH&CN...

Thực hiện Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 15/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội”, thời gian qua, Liên hiệp Hội đã chủ động và tích cực triển khai 37 diễn đàn với nhiều chủ đề khác nhau, được các cơ quan quản lý và các nhà khoa học quan tâm, đánh giá cao. Diễn đàn vừa là kênh thông tin, vừa là môi trường để trí thức KH&CN có điều kiện phát huy trí tuệ, tâm huyết trong việc đóng góp vào các chủ trương, chính sách, chương trình dự án quan trọng của Đảng và Nhà nước. Thông qua diễn đàn, đội ngũ trí thức đã bày tỏ quan điểm, thái độ trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu, tư vấn cho các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công tácquản lý xã hội.

Đây là những ý kiến khách quan, khoa học giúp Đảng và Nhà nước nghiên cứu, xem xét trước khi quyết định những vấn đề quan trọng về đường lối, chính sách và các dự án phát triển.

Có thể nói, trong những năm qua, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành toàn quốc đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội...

PV: Trong cuốn sáchCách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cuộc cách mạng của hội tụ và tiết kiệm”, (TSKH. Phan Xuân Dũng, NXB Khoa học và kỹ thuật, năm 2018), ông có đề cập trình độ công nghệ Việt Nam, tồn tại và hạn chế, nguyên nhân của nó. Thưa ông, nguyên nhân về cơ chế, chính sách chưa khuyến kích; phương thức đầu tư, cơ chế tài chính chưa phù hợp với thực tế...VUSTA đã có những tư vấn như thế nào để thay đổi tư duy, góp phần giải phóng nguồn lực khoa học, đặc biệt là liên kết các tổ chức khoa học của nhà nước và khối tư nhân thực hiện các mục tiêu phát triển?

TSKH. Phan Xuân Dũng: Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Liên hiệp Hội đã để ra 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, trong thời gian tới.

Trong chương trình Liên hiệp Hội vừa ký kết với Bộ KH&CN, có thỏa thuận “Huy động đội ngũ trí thức KH&CN tích cực thực hiện, tham gia hoạt động ứng dụng, chuyển giao kết quả từ các nhiệm vụ KH&CN do Bộ KH&CN quản lý, chủ trì; hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; hoạt động khởi nghiệp từ kết quả đổi mới sáng tạo. Chủ động tham gia thực hiện các nhiệm vụ hội nhập quốc tế về KH&CN do Bộ KH&CN chủ trì thông qua nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật, hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài nước”.

Tôi đánh giá cao việc tháng 10/2022, Tạp chí Việt Nam Hội Nhập đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số trong phát triển doanh nghiệp”. Phải nói là, chuyển đổi số là một nội dung rất quan trọng hiện nay, cả nước nói, ai cũng nói, không nói đến là lạc hậu.

Ở tầm vĩ mô, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngày 17/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ban hành chương trình hành động về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là “Ngày Chuyển đổi số quốc gia”. Đây là một ngày ý nghĩa với công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Tôi cũng xin nhắc lại, nếu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là cuộc cách mạng về động cơ hơi nước; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai là về động cơ điện; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là bắt nguồn từ số hóa, Internet và tự động hóa. Vậy, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này bắt nguồn từ gì? Nó có tên gọi ra sao? Bản chất, đặc trưng, tính chất, sự ảnh hưởng của nó gồm những nội dung gì? Các nước ứng xử với cuộc cách mạng lần này ra sao và Việt Nam chúng ta phải làm gì đây? Tất cả những câu hỏi đó đã thôi thúc chúng ta đi tìm câu trả lời. Phải nói là, chuyển đổi số vô cùng phức tạp, vô cùng đơn giản, vô cùng thú vị và hiệu quả.

Phóng viên: Liên hiệp Hội đã và đang tham gia như thế nào, góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam?

TSKH. Phan Xuân Dũng:

Như trên tôi đã nói, Liên hiệp Hội và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật 63 tỉnh, thành phố cả nước là tổ chức chính trị - xã hội, bên cạnh đó có 93 hội ngành toàn quốc. Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tổ chức Liên hiệp Hội có vai trò đặc biệt quan trọng. Chúng tôi đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ.

- Thứ nhất, Liên hiệp Hội trở thành ngôi nhà đoàn kết, tập hợp gắn kết các thế hệ trí thức, mọi nhà trí thức ở nhiều ngành nghề chuyên môn khác nhau và hoạt động trong các lĩnh vực không giống nhau tạo nên “quyền lực mềm”, sức mạnh nội sinh để tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ mới nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào thực tiễn, góp phần bảo đảm sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước mắt là nhiệm vụ chuyển đổi số, nhằm xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam.

- Thứ hai, Liên hiệp Hội Việt Nam đang trở thành một địa chỉ uy tín và tin cậy trong việc nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng những tiến bộ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào cuộc sống tại Việt Nam; góp phần xây dựng “đô thị thông minh”, “nhà máy thông minh”, “gia đình thông minh”, “giáo dục thông minh”, “y tế thông minh”....

Đồng thời, Liên hiệp Hội cũng phải trở thành “trung tâm thông minh” không chỉ trực tiếp thực hiện công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chủ trương, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội lớn của các tỉnh, thành phố và cả nước, mà còn là “trung tâm kết nối”, tổng hợp các ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các chuyên gia và nhân dân để gửi lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Phóng viên: Được biết Liên hiệp Hội là thành viên quốc gia của Hội đồng Khoa học Quốc tế (ICSU). Những năm qua, Liên hiệp Hội đã hợp tác KHCN với các tổ chức khoa học nước ngoài như thế nào?

TSKH. Phan Xuân Dũng:

Về hợp tác quốc tế, Liên hiệp Hội cũng tích cực và thu được những kết quả quan trọng. Theo đó, Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên, trực thuộc đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đối ngoại, đảm nhận vai trò thành viên có trách nhiệm và đóng góp thiết thực trong các hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam và các cơ chế đa phương trong khu vực và quốc tế.

Chúng tôi đã tích cực đóng góp cho công tác hợp tác phát triển và hội nhập của đất nước, thông qua việc vận động, huy động nguồn lực và hợp tác với các đối tác quốc tế và trong nước. Cũng phải nói thêm, công tác hỗ trợ, quản lý và hướng dẫn hoạt động hợp tác quốc tếđối với hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc ngày càng chuyên nghiệp. Công tác nghiên cứu, đề xuất, tham mưu được quan tâm đúng mức và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phóng viên: Với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp Hội, qua Tạp chí Việt Nam Hội Nhập, ông có gợi ý gì với các tổ chức trực thuộc Liên hiệp Hội?

TSKH. Phan Xuân Dũng:

Trước hết, tôi đánh giá rất cao những nỗ lực đổi mới, chuyển đổi số, tham gia vào các hoạt động xã hội của Tạp chí Việt Nam Hội Nhập. Chúc Tạp chí ngày càng phát triển, trở thành cơ quan báo chí chuyên sâu, chuyên nghiệp, chất lượng; có uy tín trong hệ thống báo chí Việt Nam cũng như uy tín trong xã hội.

Tôi nghĩ Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương cũng như các tổ chức KH&CN thuộc Liên hiệp Hội cần thiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, như đổi mới các hoạt động tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp và hội thảo khoa học; chú trọng trong việc lựa chọn nội dung cấp thiết, tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề lớn, khó khăn của đất nước đang đặt ra; tư vấn những giải pháp đột phá phát triển các lĩnh vực, các chiến lược phát triển đất nước.

Sau diễn đàn và hội thảo khoa học, cần có báo cáo kết quả và đề xuất được những nội dung cụ thể với Đảng và Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đây cũng là khâu đột phá trong đổi mới phương thức hoạt động cần quan tâm thực hiện được để nâng cao được vai trò, vị thế của Liên hiệp hội từ Trung ương đến địa phương.

Phóng viên: Xin cám ơn Chủ tịch!

Ngô Đức Hành

------------------

(1) ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 140

...