VNHN- Từ xưa, Định Công (Thanh Hóa) là địa phương có nhiều công trình văn hóa, di tích phong phú và đa dạng như: Đình, Chùa, Phủ, Miếu. Trải qua thăng trầm của lịch sử, một số di tích đã xuống cấp, một số đã bị phế tích hoàn toàn. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã huy động tối đa nguồn lực để sửa chữa, tu bổ, nâng cấp các di tích, công trình văn hóa nhằm phát huy, bảo tồn giá trị các di sản văn hóa cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa đời sống tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.
Chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền và kêu gọi con em xa quê cùng toàn dân chung tay tham gia đóng góp tiền và công sức để trùng tu, tôn tạo, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa đã xuống cấp như Đền thờ Họ Lê,Từ đường Họ Phạm, Đình Cẩm Trướng, để tạo nên những khuôn viên khang trang đẹp đẽ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh của các tầng lớp nhân dân, đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của quê hương, giáo dục cho các thế hệ con em địa phương luôn tự hào về mảnh đất quê hương anh hùng.
“Ao cá Bác Hồ”- Nét độc đáo trong văn hóa Định Công
Phát huy những truyền thống tốt đẹp, người dân Định Công cho đến ngày nay vẫn luôn mạnh mẽ, cần cù, đoàn kết, cùng nhau xây dựng và bảo lưu những truyền thống văn hóa mà cha ông đã dày công xây dựng. Xã Định Công đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Vào những năm 80 thế kỉ XX, Định Công được xây dựng là một điển hình của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung với công trình Định Công hóa, các hạng mục công trình đầu tư xây dựng có tiếng vang, được các nơi đến tham quan, học tập. Đây cũng là xã điển hình của Miền Bắc trong thời kỳ xây dựng HTX nông nghiệp bậc cao.
Về với làng Cẩm Trướng nơi còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa xưa, đây cũng là nơi còn lưu giữ nguyên vẹn một trong các công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với người dân đó là công trình lịch sử văn hóa “Ao cá Bác Hồ”.
Theo lời kể của người dân địa phương và tư liệu còn lưu giữ lại thì “Ao cá Bác Hồ” được khởi công và xây dựng vào cuối năm 1987, công trình được hoàn thành vào năm 1987. Nơi đây trước kia đất của HTX và khuôn viên đất của một hộ gia đình liền kề, được chính quyền quy hoạch, cải tạo xây dựng thành “Ao cá Bác Hồ”… Ao cá Bác Hồ được xây dựng từ chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ” trong cả nước vào thập niên 70 của thế kỷ XX. “Ao cá Bác Hồ” tại xã Định Công huyện Yên Định là hình mẫu được xây dựng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và được các đồng chí lãnh đạo Trung ương qua các thời kỳ về thăm như các đồng chí (Lê Duẩn, Võ Chí Công, Huỳnh Tấn Phát, Tố Hữu, Đồng Sĩ Nguyên, Đỗ Mười) và trong thời điểm ấy xã Định Công trở thành địa phương điển hình không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà của cả Miền Bắc, được các đơn vị bạn về tham quan và học tập kinh nghiệm.
“Ao cá Bác Hồ” được người dân trùng tu cải tạo khang trang
Sau khi hoàn thành công trình xây dựng “Ao cá Bác Hồ” tại địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lấy giống cá từ “Ao cá Bác Hồ” - Phủ Chủ tịch tại Hà Nội về thả nuôi. Buổi thả cá cũng là thời điểm xã trùng tu, tôn tạo xong và tổ chức khánh thành “Ao cá Bác Hồ” có sự tham gia của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện ủy, UBND huyện, các phòng ban của huyện và các địa phương kết nghĩa: huyện Hoằng Hóa, huyện Nông Cống và huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã Định Công phát triển theo hướng bền vững. Trải qua quá tình xây dựng và phát triển, nhân dân trong xã luôn có mối quan hệ gắn bó, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, tạo nên cuộc sống hài hòa về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đó là một trong những truyền thống quý báu được hình thành và hun đúc từ dòng chảy lịch sử ngàn đời, được các thế hệ trân trọng, lưu truyền và phát huy; đó cũng là nét khác biệt mà có lẽ chỉ có ở Định Công trong thời kỳ Hội nhập và phát triển./.