Trong lĩnh vực trồng hoa, cây cảnh từ Bắc chí Nam hiếm ai không biết tới thương hiệu Lâm Ân với trên 120 ngàn gốc hoa giấy lớn nhỏ cung cấp cho thị trường cả nước. Nhưng để có được thành công hôm nay, doanh nhân Nguyễn Đức Lâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lâm Ân đã phải trải qua gần 20 năm trăn trở, lăn lộn đi tìm con đường riêng cho bản thân mình.
Lập nghiệp luôn là vấn đề khiến người ta trăn trở. Và hành trình lập nghiệp chưa bao giờ có một công thức chung. Chỉ đến khi thành công, mỗi doanh nhân mới rút ra những bài học cho riêng bản thân mình. Chặng đường của doanh nhân Nguyễn Đức Lâm cũng vậy, gian truân, thăng trầm với gần 20 năm bôn ba tứ xứ.
“Ngày xưa anh nghịch lắm, cũng có tiếng đấy!” - Đó là mở đầu cho câu chuyện giữa anh và tôi vào một sáng tháng 10 trở rét, ngoài trời mưa gió vần vũ do ảnh hưởng của cơn bão số 8 khiến cái rét càng trở nên tê tái.
Công nhân đang chăm sóc vườn hoa giấy mới trồng tại Tuyên Quang
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cơ bản tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Vốn là con út, nên Nguyễn Đức Lâm được cưng chiều hơn cả và có phần nghịch ngợm, khó bảo. Từ nhỏ, anh cũng hay theo bố đi trồng cây, trang trại của bố là mô hình VAC đầu tiên của tỉnh Yên Bái. Thế nhưng sau khi học xong, thấy nghiệp trồng cây của bố vốn vất vả, năm 2003 anh quyết chí lập nghiệp với nghề buôn bán phụ tùng và sửa chữa xe máy, năm 2008 khi có chút vốn liếng với hành trang là hoài bão tuổi trẻ và ham muốn làm giầu bằng nông nghiệp quy mô lớn.
Vốn ít, thiếu kinh nghiệm, chút ít quan hệ, người thanh niên nơi mảnh đất rẻo cao nghèo lúc ấy lập nghiệp với mô hình trồng sắn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đầu tư gần 2 tỷ đồng với ba chục hecta sắn, thế nhưng đến khi thu hoạch Trung Quốc lại không mua không có đầu ra, trắng tay, gia đình đổ vỡ, anh cõng theo đứa con nhỏ đi khắp nơi để làm lại từ đầu.
Anh Nguyễn Đức Lâm bên một góc nhỏ vườn hoa tại tỉnh Lào Cai
Năm 2010 được sự giúp đỡ của bạn và số vốn anh tích cóp, anh đầu tư một chiếc máy xúc và cùng bạn bôn ba khắp các bản làng theo các công trình, nhận mọi dự án lớn nhỏ, từ đào đất, làm đường, san tạo nền nhà, đào ao chuôm… Có chút vốn trong tay, năm 2013 anh quyết định vay mượn thêm đầu tư vào mỏ khai thác đá. Thế nhưng cái nghiệp đào đá lại không dễ dàng như anh tưởng, bao nhiêu vốn liếng bản thân, vay mượn gia đình, bè bạn đổ vào với con số gần 6 tỷ, để rồi lại một lần nữa công việc kinh doanh đổ vỡ do thị trường tiêu thụ luôn bị phụ thuộc vào Trung Quốc, lần này anh không chỉ trắng tay mà còn gánh thêm một khoản nợ lớn trên vai.
Doanh nhân Nguyễn Đức Lâm đã có nhiều thời gian bôn ba từ Bắc chí Nam, trong và ngoài nước để khởi nghiệp
“Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của anh chú ạ” - nhấp 1 ngụm trà và 1 hơi thuốc lào mệt khói anh nói. “Bóp nghẹt trái tim mình chấp nhận xa con trai anh gửi con cho ông bà nội chăm sóc, anh bôn ba từ bắc tới nam vừa kiếm kế mưu sinh, vừa là tránh người ta đòi nợ. Có việc gì thì làm việc đó, có gì ăn đó, mảnh bạt che thân cũng qua đêm 1 giấc ngon lành, bát cơm chay từ thiện của chùa cũng làm anh no bụng cuộc sống rất vất vả, khổ cực”. Nhưng may mắn thay, với bản chất quân tử lương thiện, lối sống giản dị, chân tình, bạn bè anh nhiều người sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ anh.
Doanh nhân Nguyễn Đức Lâm hướng dẫn các nghệ nhân trẻ trồng, chăm sóc cây hoa giấy
Năm 2015, khi du lịch phát triển cực thịnh, anh trở về Sa Pa làm bếp tại nhà hàng cơm Hoa Đào cho 1 người bạn chiến hữu sớm giác ngộ hoàn lương, cũng từ nơi đây anh được hai người bạn Luân và Hoàng thổi bùng ý chí không khuất phục trước hoàn cảnh. Dù công việc làm ăn ổn định nhưng bản thân anh vẫn cảm giác mình sống chưa được trọn vẹn vì ý chí khởi nghiệp vẫn canh cánh, và món nợ ân tình với bao người công nhân cùng anh chia ngọt sẻ bùi. Anh vừa làm cùng bạn ở quán ăn, và làm thêm tại các bến xe, bến tàu gần khu vực cửa khẩu, làm thủ tục hải quan và sắp bến bãi cho các xe hàng vừa làm, vừa trả nợ… Khi đã có chút vốn, anh lại quyết tâm lập nghiệp tại Hà Nội với một gara xe nhỏ, thế nhưng được một thời gian sau, lại một lần nữa anh thất bại.
Một thiết kế cảnh quan công ty, khu công nghiệp (ảnh minh họa)
Đến lúc này, nhìn đứa con đã theo mình từ khi đỏ hỏn bôn ba khắp chốn, chịu nhiều khổ cực thiếu cha xa mẹ. Anh quyết định buông bỏ mọi thứ để về với gia đình và tái hôn cùng 1 người phụ nữ hiền hậu ở Lạng Sơn cùng nhau vun đắp 1 mái ấm gia đình. Được sự động viên của mẹ, sự chỉ bảo của cha và sự giúp đỡ, hỗ trợ từ anh chị em trong gia đình, đặc biệt là người vợ hiền nhất mực yêu thương, trong thời gian bôn ba tứ xứ bởi bản chất thiện lương chăm chỉ, anh máy mắn được nghệ nhân số 1 Châu Á đó là nghệ nhân Chu Bá Hơn tại tỉnh Bình Định nhà ông từng có 10 đời làm việc về cây cảnh phục vụ trong cung đình Huế nhận anh làm đệ tử và truyền lại cho nghề làm hoa cảnh. Anh đã quay lại với nghề nông nghiệp, nuôi gà hướng trứng và trồng hoa, chăm sóc cây cảnh tập trung vào giống cây hoa giấy nhập khẩu.
Vườn cây giống hoa giấy của HTX Dịch vụ nông nghiệp Lâm Ân
Vốn đã quen với nghề từ nhỏ, lại được sự hỗ trợ, động viên từ gia đình, công việc của anh ngày càng phát triển. Bước đầu chỉ đơn giản là trồng, chăm sóc, bán sản phẩm cho các gia đình và trụ sở một số cơ quan trên địa bàn. Dần dà, những dự án trang trí ngày càng mở rộng, nhu cầu về hoa, cây cảnh cũng tăng theo, việc kinh doanh của anh cũng mở rộng hơn. Cũng vào thời điểm này, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lâm Ân được thành lập với 7 thành viên và dần phát triển mở rộng vườn hoa kinh doanh sang các tỉnh lân cận như Lào Cai, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La…với nhiều dự án lớn, nhỏ.
HTX đầu tư phương tiện xe chuyên dùng cẩu cây dáng thế độc lạ về vườn
Đến thời điểm này, sau gần 5 năm xây dựng và phát triển, việc sản xuất kinh doanh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Lâm Ân không chỉ dừng lại ở lĩnh vực cung cấp nhỏ hoa giấy mà còn cung cấp cho các công trình đường cao tốc và đại lộ, khu công nghiệp lớn nhỏ, các khu chung cư mà sản xuất đa dạng sản phẩm cung cấp dịch vụ về hoa cảnh cho nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng, thầu trọn gói các công trình, với máy móc trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ nhân viên thiết kế, thi công sân vườn tiểu cảnh hùng hậu vững chắc tay nghề.
Một trong nhiều thiết kế về hoa, cây cảnh của HTX Dịch vụ Lâm Ân
Với đội ngũ tổng đài viên hộ trợ, tư vấn chăm sóc khách hàng tận tình chuyên nghiệp hứa hẹn cho 1 khu chợ cây cảnh làng nghề tại Yên Bái và Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc Bộ với diện tích gần 40ha . Ngoài ra HTX Lâm Ân cũng là đơn vị thương mại cung cấp nông sản sạch và dược liệu cho thị trường trong và ngoài nước. HTX Lâm Ân chủ động liên kết với một số công ty doanh nghiệp tại Lạng Sơn mở hóa trường và xin quy hoạch xây dựng 1 khu kho bãi tại cửa khẩu Bản Chắt Lạng Sơn chuyên xuất nhập khẩu nông sản hoa cảnh, dược liệu, nguyên vật liệu 3 miền cho thị trường nước ngoài, HTX Lâm Ân đã giúp cho gần 40 lao động có việc làm và thu nhập ổn định, đồng thời hỗ trợ cho nhiều hộ gia đình và các HTX, doanh nghiệp khác có đầu ra nông sản ổn định.
Một số tác phẩm hoa giấy của HTX Dịch vụ nông nghiệp Lâm Ân
Khi được hỏi sau 20 năm bôn ba ấy, anh rút ra được kinh nghiệm gì? Anh trả lời không chút đắn đo: “Đầu ra cho sản phẩm và gia đình là điều quan trọng nhất! Nhờ ý chí của cha là di sản để lại và những di nguyện của cha còn dang dở, nhờ sự động viên của mẹ, sự giúp đỡ của anh chị em và đặc biệt là hai người anh, người đồng hành Phạm Ngọc Xướng và Phạm Đức Thuận họ có ý chí sắt đá rèn rũa trong môi trường quân đội, những người anh em chân tình như Luân và Hoàng đã giúp tôi vượt qua những khoảng tối nhất trong cuộc đời. Tôi rất trân trọng và luôn ghi nhớ những ân tình ấy”.
Xe đợi làm thủ tục xuất khẩu hàng tại bến bãi thời điểm được thông quan (hình ảnh minh họa)
Mưa bão đã ngớt, trời dần hửng nắng. Câu chuyện hành trình 20 năm lập nghiệp của anh tưởng chừng giống như thời tiết ngày hôm ấy: ban đầu dông gió, và dữ dội, rồi trở lại khoảng lặng của sự bình yên khi về tới mái ấm, về với gia đình. Qua những tâm sự ấy, tôi tự hỏi rằng “Cơ hội lập nghiệp ở đâu cũng có, nhưng phải chăng những giá trị bền vững sẽ chỉ có ở trong chính gia đình và ngay tại quê hương mình?”.
Anh Lâm (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng ban Giám Đốc công ty thành viên tại Lai Châu trong 1 chuyến công tác tại khách sạn Mường Thanh, Lai Châu.
Nhưng để tìm được những giá trị ấy và đi tới thành công, cần nhất vẫn là ý chí quyết tâm không mỏi mệt và bản lĩnh can trường trước mọi chông gai, thử thách. Và mong muốn tột cùng cháy bỏng của anh, làm 1 công dân có ích cho tổ quốc, tạo ra của cải cho xã hội và gia đình. Đó là những tố chất tôi thấy được trong đôi mắt sắc bén nhìn xa vời vợi của doanh nhân Nguyễn Đức Lâm. Chúc anh ngày càng thành công và tiến xa hơn trên hành trình của mình./.