19/04/2024 lúc 17:33 (GMT+7)
Breaking News

Doanh nhân Lương Văn Quang: Chủ nhân tòa nhà đá độc đáo và lớn nhất Việt Nam

Toà nhà uy nghi toạ lạc ở số 8 thôn Tuân Cáo, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, gần bến thuyền Tam Cốc thuộc vùng đệm quần thể di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, cũng nằm gần khu du lịch tâm linh Tam Trúc. Toà nhà quay hướng Bắc gần đường đi Tam Cốc, Bích Động.

“Về quê Ninh Thắng hôm nay,

Thăm lâu đài đá mê say nhất đời

Một vùng non nước đẹp tươi

Hoa Lư rạng rỡ đất trời Cố Đô

Hiện thực mà ngỡ trong mơ

Lâu đài hoành tráng đón chờ người thăm!”

Áng thơ như một lời mời gọi diệu kỳ đưa chúng tôi tháp tùng nhà sử học Lê Văn Lan từ thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến về với cố đô Hoa Lư huyền thoại, thăm Toà nhà đá lộng lẫy như một lâu đài trong truyện cổ tích. Nhưng nó hiện hữu cùng “Tuế Nguyệt” như một bài ca bất hủ ca ngợi trí thông minh, bàn tay tài hoa, điêu luyện khiến đá cũng “nở hoa” của những người thợ đá Ninh Vân, Ninh Bình - Nơi có nghề làm đá truyền thống nghìn năm.

Tòa nhà đá của Doanh nhân Lương Văn Quang

Người thai nghén, ấp ủ xây toà nhà đó chính là nghệ nhân, doanh nhân trẻ Lương Văn Quang - Giám đốc công ty TNHH Đá Việt Hồng Quang, cùng với cộng sự đắc lực về “Cơm, áo, gạo, tiền” của doanh nhân Quang chính là vợ anh: Chị Mai Thị Trang Nhung - Phó giám đốc công ty TNHH Đá Việt Hồng Quang.

Toà nhà uy nghi toạ lạc ở số 8 thôn Tuân Cáo, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, gần bến thuyền Tam Cốc thuộc vùng đệm quần thể di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, cũng nằm gần khu du lịch tâm linh Tam Trúc. Toà nhà quay hướng Bắc gần đường đi Tam Cốc, Bích Động.

Sau khi thăm quan tòa nhà đá với những vòm thiết kế hoa văn nổi bật về các thời kỳ lịch sử, nhà Sử học Lê Văn Lan đã nói: “Tòa nhà này, tôi có thể đặt cho 3 chữ kỳ : “Kỳ công – Kỳ vỹ – Kỳ tích”. Phải nói rằng, công trình này như một di sản vô giá để lại cho đời sau. Tôi mong muốn đây sẽ trở thành một bảo tàng lịch sử để giới thiệu cho thế hệ trẻ và du khách nước ngoài về lịch sử Việt Nam, hiểu rõ hơn về mảnh đất con người “dòng giống Tiên – Rồng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc và doanh nhân Lương Văn Quang tại Tòa nhà đá

Tâm huyết với nghề đá truyền thống của quê hương

Lương Văn Quang được sinh ra và lớn lên ở thôn Xuân Vũ, xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình. Đây là nơi có những ngọn núi đá độc đáo, đặc biệt là núi Thiện Dưỡng (còn gọi là núi Nhang Án), núi Mả Vối có màu xanh đen, cứng, bền với thời gian. Lương Văn Quang là đời thứ 12 trong dòng tộc họ Lương nổi tiếng nhất trong nghề làm đá. Các bậc tiền bối trong dòng họ nhà Lương Văn Quang đã từng làm được các sản phẩm tinh xảo cho các triều vua. Ngay từ trong bụng mẹ, Lương Văn Quang đã được nghe những âm thanh xẻ đá, đục đẽo của làng làm đá truyền thống. Lương Văn Quang đã học và biết làm nghề, kiếm được tiền công từ khi mới 12 tuổi. Học xong phổ thông, Lương Văn Quang quyết định theo nghề truyền thống của quê hương, dòng họ và gia đình.

Câu chuyện khởi nghiệp và những ước mơ, khát vọng làm nghề

Năm 1993 khi vừa tròn 20 tuổi, Lương Văn Quang quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh khởi nghiệp và học tập về chuyên môn. Lương Văn Quang tìm học những nhà điêu khắc nổi tiếng như nhà điêu khắc Diệp Minh Châu và Nguyễn Hải. Hai thầy đã nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dạy. Hiểu rõ điêu khắc gắn với hội họa như một cặp bài trùng, nên Lương Văn Quang quyết tâm tìm hiểu và học về hội họa. Lương Văn Quang liền theo học thầy Nguyễn Quân - họa sĩ kiêm nhà phê bình mỹ thuật (đã từng du học tại Đức, có 5 đầu sách nổi tiếng và “độc” về mỹ thuật và phê bình). 5 năm Lương Văn Quang làm các tác phẩm đá do thầy Quân sáng tác. Nhưng Lương Văn Quang không nhận lương mà chủ yếu là đục, chạm, điêu khắc cho sản phẩm của thầy Quân để học hỏi nâng cao tay nghề. 5 năm làm việc với họa sĩ Nguyễn Quân là 5 năm có ý nghĩa quan trọng khởi đầu cho sự nghiệp sau này. Lương Văn Quang được tiếp xúc với các sáng tác mỹ thuật Việt Nam, tích lũy được nhiều kiến thức nghệ thuật cần thiết, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm chạm khắc đá. 5 năm vừa làm, vừa học văn hóa, Lương Văn Quang đã học hết cấp 3 và tiếp tục học trường Mỹ thuật Tôn giáo 2 của Tòa Giám mục thành phố Hồ Chí Minh và tốt nghiệp loại xuất sắc. Thấy mình có đủ hành trang để lập nghiệp, năm 2001 Lương Văn Quang trở về quê hương - sau 8 năm bươn trải vừa học nghề, vừa học văn hóa.

Nhà Sử học Lê Văn Lan (đứng ngoài cùng bên phải) về thăm Toà nhà đá

Lập thân - lập nghiệp

Năm 2001, khi vừa độ tuổi “Tam thập nhi lập”, Lương Văn Quang trở về quê. Với tay nghề cao, lại học hỏi được nhiều kinh nghiệm, đủ khả năng làm ông chủ, anh quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân. Ban đầu lấy tên là doanh nghiệp tư nhân Đàm Khánh. Lương Văn Quang đã thu hút được nguồn thợ giỏi. Đầu tiên là thợ giỏi của gia đình, rồi đến anh em ruột thịt và các cháu trong làng. Anh vừa làm, vừa truyền dạy nghề cho công nhân. Doanh nghiệp của gia đình anh nằm trên diện tích rộng 20.000 m2 thuộc thôn Xuân Vũ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Anh cũng là người đầu tiên ở xã Ninh Vân mạnh dạn đưa các máy móc vào làm đá. Anh còn sáng tạo ra một số máy chuyên dụng để làm đá như: làm ra xe lôi để vận chuyển những khối đá lớn; Máy cắt đá bằng dây kim cương; máy đục khoét rỗng các cột đá. Anh đã có một số công trình được giới chuyên môn hâm mộ như: Tượng đài đá “Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp” đặt ở ngã ba Cò Nòi; Tượng đài “Thanh niên xung phong chống Mỹ” đặt tại Phong Nha Kẻ Bàng; Tượng đài đá “Các binh chủng bộ đội Trường Sơn” đặt ở nghĩa trang Trường Sơn; Phù điêu 34 chiến sĩ Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; Đài liệt sĩ và phù điêu đặt ở nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo; Tượng đài “Chiến thắng 81 ngày đêm” ở thành cổ Quảng Trị; Tượng đài “Chiến thắng của sư đoàn 325” ở bờ sông Thạch Hãn; Đài tưởng niệm và bến thả hoa bằng đá ở bờ Bắc sông Thạch Hãn; Đài liệt sỹ nghĩa trang Đường 9 Nam Lào; Đền thờ các liệt sĩ ở Ninh Bình bằng đá ở nghĩa trang Trường Sơn; Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, lăng mộ đá vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Nguyễn Bặc, Đinh Điền và rất nhiều di tích lịch sử khác. 

Công trình để đời đạt kỷ lục Việt Nam của Lương Văn Quang

Ngày 15/12/2022, tòa nhà lâu đài đá mà anh tâm huyết cả đời để xây dựng vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietkings công nhận “Tòa nhà 3 tầng bằng đá lớn nhất với 9 vòm tròn thiết kế hoa văn, họa tiết nổi bật ở các thời kỳ văn hóa, lịch sử của Việt Nam”. Trân trọng, nâng niu tấm bằng trên tay, anh Quang phấn khởi và xúc động chia sẻ: “Để có toà nhà để đời này tôi đã dành hết tuổi xuân để thực hiện: Ba năm tìm ý tưởng, 14 năm xây dựng. Người ta trèo cây hái được quả thì leo từ gốc. Nhưng tôi có lẽ phải bới từ cái rễ đầu tiên rồi mới leo lên gặt hái thành công. Vất vả, thua thiệt, thất bại, rồi toà nhà kỳ vỹ này chính là kết quả ngọt ngào của tôi dành tặng cho đời”.

Được biết ý tưởng này anh ấp ủ khi còn làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh suy nghĩ: Thời xa xưa các thợ đá Ninh Vân đã xây dựng được Đền Kim Kê (gà vàng) ở thôn Côn Lăng hạ, đền Ba Xã ở thôn Duy Sơn Hạ, chùa Tháp. Rồi ông nội anh (tức cụ Tiệc) đã làm được ngôi nhà ở bằng đá, tồn tại cho đến hôm nay như một kỷ niệm vô giá của gia đình. Mà cha ông ta làm toàn bằng thủ công. Tại sao bây giờ chúng ta có máy móc hỗ trợ mà sao không làm được một công trình lớn. “Con hơn cha là nhà có phúc”. Anh đưa ra ý tưởng xây dựng tòa lâu đài đá to lớn cho mọi người trong doanh nghiệp tham gia và bàn bạc. Nhất là đã lấy ý kiến của các bậc thợ giỏi. Họ đều đồng tình. Để an tâm lập nghiệp, anh lập thân năm 2004. Người bạn đời cùng chung chí hướng làm việc lớn với anh là người vợ cùng làng tên là Mai Thị Trang Nhung. Có người vợ đảm đang, tháo vát, dịu hiền, tài sắc luôn ở bên chia sẻ, gánh vác việc lớn, là hậu phương vững vàng luôn ủng hộ anh. Anh quyết tâm thực hiện mơ ước của mình: xây dựng một lâu đài đá mang dấu lịch sử văn hóa, để lại cho đời, thông qua kiến trúc độc đáo là có 9 vòm cửa lớn của tòa nhà, ghi lại những thời kỳ lịch sử quan trọng và oanh liệt của dân tộc ta để cho thế hệ trẻ phải hiểu tường tận lịch sử dân tộc.

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Sau 3 năm lên ý tưởng và chuẩn bị, tháng 8 năm 2006 anh bắt đầu làm lễ khởi công xây dựng tòa lâu đài đá thể theo diện tích 440 mét vuông, chiều ngang 20m chiều sâu 22m theo hướng Bắc nhìn ra đường đôi đi khu du lịch nổi tiếng Ninh Bình là Tam Cốc Bích Động - Tràng An. Tòa lâu đài đá đồ sộ thiết kế 3 tầng đều bằng đá, trọng lượng trên 2 nghìn tấn nên việc bỏ móng toà lâu đài cần có kỹ thuật kiến trúc cao. Riêng móng của tòa lâu đài thi công trong 2 năm. Tháng 7 năm 2008 mới hoàn thành. Tòa lâu đài gồm 3 tầng, mỗi tầng rộng 450 mét vuông lắp ghép bằng đá ngõng, mộng được tính toán rất kỹ lưỡng, dùng keo kết dính truyền thống là mật mía và vôi. 3 tầng làm ròng rã trong 12 năm mới hoàn thành. Đặc biệt nhất là hệ thống cột đá trong tòa lâu đài. Tính riêng 1cột đá là 200 công của thợ giỏi mới hoàn thành. Thông thường rầm đỡ các tòa nhà lớn khác là bê tông, cốt thép đổ dày. Nhưng ở các tầng đều là rầm đá cong mài nhẵn có đường phào của rầm theo phong cách phương Tây. Nhưng mái lâu đài đá lại kiến thiết theo hình chim Lạc Việt. Ý tưởng của anh là lâu đài đá dù hiện đại nhưng vẫn mang cốt cách lịch sử truyền thống 4000 dựng nước của Việt Nam. Xây dựng tòa lâu đài đá lớn này có hai hạng mục khó nhất là làm 12 dầm đá cong và xây dựng sảnh trước tầng 2 của tòa lâu đài với 9 vòm tròn lớn ghi lại các thời kỳ dựng nước và giữ nước của cha ông. Đây là sáng tạo mà nhiều người cho là độc đáo của anh. Cho nên không gian của tầng hai mang vẻ đẹp huyền bí, kỳ ảo. Không gian đó anh gọi là: “Vòm trần lịch sử văn hóa Việt Nam”. Đó cũng là biểu tượng di sản văn hóa kể lại lịch sử Việt Nam một cách tóm tắt và độc đáo qua hệ thống họa tiết hoa văn. Mỗi vòm có đường kính rộng 4m.

Vòm số 1: Thẳng cửa vào là lịch sử thời kỳ Đông Sơn với hình tượng trống đồng Ngọc Lũ là nền văn hoá cổ xuất hiện vào thế kỷ thứ VII TCN

Vòm số 2: Là thời kỳ Bắc thuộc thể hiện hoạ tiết thời kỳ đấu tranh chống lại sự áp bức của các triều đại phong kiến Trung Quốc.

Vòm số 3: Là các hình ảnh thời Đinh và thời tiền Lê

Vóm số 4: Là hình ảnh thời kỳ nhà Lý (1009-1225)

Vòm số 5: Là hình ảnh nhà Trần (1225-1400)

Vòm số 6: Là hình ảnh thời nhà Lê (1428-1527)

Vòm số 7: Là hình ảnh thời kỳ nhà Nguyễn (1802-1945)

Vòm số 8: Là hình ảnh thời kỳ Cờ Lau dựng nước

Vòm số 9: Là hình ảnh Lạc Long Quân - Âu Cơ và các con cháu tiên rồng.

9 vòm tròn là 9 giai đoạn lịch sử của dân tộc. Đó là một trong các giá trị của toà nhà đá đồ sộ này. Có thể gọi đây là toà nhà lịch sử, là “linh hồn của đá”.

Giám đốc công ty TNHH Đá Việt Hồng Quang Lương Văn Quang và phu nhân Mai Thị Trang Nhung tại Lễ đón nhận Bằng xác nhân Kỷ lục

Điều đặc biệt ở tòa lâu đài đá này là nếu ngoài trời nóng rát về mùa hè thì trong nhà rất mát mẻ. Khi mùa đông ngoài trời lạnh buốt thì trong nhà ấm áp. Nếu ngoài trời mưa phùn ẩm ướt thì trong nhà đá khô ráo. Người ta gọi đó là “Hồn của Đá”. Đây có thể khẳng định là tòa lâu đài đá duy nhất độc đáo và lớn nhất Việt Nam chỉ có ở Ninh Bình quê hương của núi đá có nghề chạm khắc đá lâu đời. Đây cũng có thể coi là tòa lâu đài đá để đời, có giá trị vĩnh cửu, trường tồn với thời gian. Ở nước ta có một số tòa nhà cao ngất trời, đều xây dựng bằng bê tông, cốt thép. Cũng có một số nhà đá, đền đá, nhà thờ đá nhưng chỉ có 1 tầng. Còn xây dựng toàn bằng đá cao 3 tầng, mỗi tầng diện tích sàn trên 400 mét vuông, cao 27 m lắp ghép bằng ngõng và mộng thì không thể thấy ở bất cứ nơi nào. Quả đúng là một kỳ quan bằng đá, một “viên ngọc” quý. “Nó vừa là những hạt trân châu đầy vẻ tân kỳ, lộng lẫy, nhưng cũng là mồ hôi, sức lao động sáng tạo không mệt mỏi, trí thông minh, tài năng tuyệt vời, lòng dũng cảm của anh và những người thợ đá Ninh Vân trong 14 năm tạo nên” (lời nhà văn Lã Đăng Bật). Điều đặc biệt là xây dựng tòa lâu đài đá này là đa số thiết kế là của chính anh và có tham khảo một số kiến trúc sư giỏi khác.

Đúng là:

Đá là hồn của nước non

Ngàn năm tình nghĩa sắt son mà thành.

Bốn tầng đẹp tựa như tranh

Mỗi tầng mỗi vẻ long lanh đất trời.

Gần kề Tam Cốc đẹp tươi

Cao 27 mét rạng ngời đá xanh.

Nhà cao đón gió an lành

Bốn phương, tám hướng biếc xanh mây trời.

Mong muốn của doanh nhân Lương Văn Quang

Tòa lâu đài đá lộng lẫy của anh nằm trong quần thể khu di tích danh thắng Tam Cốc Bích Động - Tràng An - Bái Đính, lại rất gần với khu du lịch tâm linh Tam Chúc. Nên anh có mong muốn được quảng bá truyền thông rộng rãi vẻ đẹp độc đáo của tòa lâu đài đá, để du khách coi đây là điểm du lịch, tham quan di sản lịch sử, văn hóa của Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng. Anh còn mong muốn nơi đây là nơi các bậc học sinh thường lui tới để tìm hiểu lịch sử cha ông đã làm nghề đá lâu đời, tinh xảo của Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình.

Lương Văn Quang bày tỏ: “Là một người rất yêu và tự hào về lịch sử nước nhà, tôi mong muốn xây dựng một Công Viên Sử Việt ở cạnh toà nhà đá, với mục đích để du khách nước ngoài cùng như người Việt Nam hiểu rõ về lịch sử Việt Nam với những vị anh hùng đã dựng nên giang sơn gấm vóc. Tôi còn muốn xây dựng trong Công Viên Sử Việt một không gian lớn nói về thời đại Hồ Chí Minh mà trong 9 vòm toà nhà đá chưa nói đến. Tôi mong muốn được sự ủng hộ và vào cuộc của các cơ quan chức năng để mong ước của tôi sớm được thực hiện”.

Thật là mong ước đầy tính nhân văn của một doanh nhân trẻ được sinh ra và lớn lên ở Cố Đô kỳ vỹ và anh hùng.

Phạm Thị Dần

...