VNHN - Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng họ không mong nhà nước hỗ trợ điều gì lớn lao, chỉ mong những kiến nghị của họ được tiếp thu, ghi nhận và sửa đổi trong thực tế.
Cuộc vận động "Doanh nghiệp (DN), doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" (gọi tắt là Cuộc vận động) diễn ra trong ngày 3/9 nhằm khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng DN, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DN nhà nước.
Trách nhiệm của doanh nhân
Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương (KTTƯ), Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động - đánh giá Cuộc vận động thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng đến với cộng đồng DN, doanh nhân. Từ đó, giúp cộng đồng DN, doanh nhân nâng cao được nhận thức của mình và nâng cao được ý thức chấp hành chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước.
"Mặt khác, thông qua Cuộc vận động, DN, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có điều kiện để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa ý thức trách nhiệm đối với dân tộc, xã hội, thông qua hoạt động sản xuất - kinh doanh năng động, đóng góp ý kiến của mình với Đảng, nhà nước để Đảng, nhà nước tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của DN và doanh nhân trong giai đoạn tới" - Trưởng Ban KTTƯ Nguyễn Văn Bình nói.
Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng đất nước lớn mạnh, dân giàu, xã hội công bằng và văn minh, ông Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng luôn chăm lo bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ DN có ý thức chính trị, lòng yêu nước, trách nhiệm với xã hội, chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, nhà nước; có tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn, tự hào dân tộc và gắn bó mật thiết với lợi ích quốc gia, dân tộc.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết phong trào được phát động nhằm góp phần hoàn thiện các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. "VCCI kêu gọi cộng đồng tích cực tham gia bởi chính sự trải nghiệm của DN, với mồ hôi công sức, chứ không ai khác, tham gia hiến kế sẽ hiệu quả về cơ chế, chính sách" - ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, Cuộc vận động có ý nghĩa to lớn bởi cải cách thể chế vẫn là dư địa lớn nhất để phát triển kinh tế. Ông Lộc dẫn chứng qua đợt rà soát đầu tiên, VCCI ghi nhận riêng các luật, pháp luật về đầu tư, môi trường, đấu thầu, nhà ở, xây dựng ít nhất có 20 điểm chồng chéo, khiến DN không biết làm thế nào. Do đó, VCCI sẽ tập hợp kiến nghị trên cả nước để trình Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ theo hướng minh bạch, nhất quán, không chồng chéo.
Mong kiến nghị được ghi nhận
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động trước thềm Cuộc vận động, không ít DN cho rằng họ không mong nhà nước hỗ trợ điều gì lớn lao mà mong những kiến nghị của họ được tiếp thu, ghi nhận và sửa đổi trong thực tế.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, nêu thực tế mọi DN khi thành lập đều muốn tìm kiếm lợi nhuận và làm ăn thuận lợi. Nhiều chủ DN tâm sự không cần hỗ trợ về tiền bạc, đất đai mà chỉ cần chính sách thông thoáng, rõ ràng và được yên ổn làm ăn. "Thứ DN cần là nhà nước cải cách hành chính nhiều hơn nữa, kể cả về pháp luật lẫn con người để tháo gỡ các rào cản gây trở ngại hoạt động của họ và phù hợp với các hiệp định tự do để họ có thể tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro" - ông Hưng nói.
Đáng nói hơn, theo ông Hưng, nhà nước muốn DN hiến kế xây dựng đất nước thì trước tiên, nhà nước phải chứng minh cho DN thấy những kiến nghị, góp ý của DN lâu nay đã được tiếp thu, ghi nhận và có điều chỉnh chính sách, pháp luật theo những góp ý thực tế đó. "Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ quy định mỗi năm chỉ được thanh, kiểm tra DN 1 lần nhưng thực tế, trong 2 tháng qua, 1 DN sản xuất bánh trung thu nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh phải tiếp đến 3 đoàn kiểm tra khiến họ rất bức xúc. DN tư nhân chiếm hơn 40% GDP cả nước và thậm chí còn cao hơn nếu tính GDP theo phương pháp mới. Vì vậy, nhà nước phải tính toán hỗ trợ họ phát triển, đừng làm phiền, gây trở ngại cho họ; phải cải tổ, đổi mới bộ máy quản lý hành chính nhà nước" - ông Hưng góp ý.
Nhìn nhận DN thời gian qua đã tin tưởng và có động lực hơn trong môi trường cạnh tranh lành mạnh khi Đảng, nhà nước mạnh tay xử lý lợi ích nhóm, song ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, bày tỏ mong muốn Chính phủ xem xét, rà soát và tháo gỡ thực trạng văn bản luật chồng chéo vốn tồn tại nhiều năm nay.
Ông này dẫn chứng trong lĩnh vực hàng không, ngành này đang phát triển rất nhanh nhưng chưa "mở khóa" được cơ sở hạ tầng; thủ tục hành chính chưa đồng bộ, rườm rà, dẫn tới "tắc trên nghẽn dưới". Trong khi đó, hàng không đi liền với du lịch, muốn du lịch phát triển thì hàng không phải dẫn đường và tạo thuận lợi tối đa để thu hút du khách. "Chủ trương có rồi, cái DN mong đợi là giải pháp; phải tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc ngay lập tức chứ không thể trù trừ thêm nữa" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, bày tỏ tâm tư khi trước nay, mỗi chính sách, luật được ban hành đều có đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhiều nhóm đối tượng nhưng khi luật ra đời vẫn giữ nguyên những quy định bất hợp lý mà DN đã chỉ ra. "Nhiều lần như vậy khiến DN nản, không muốn lên tiếng nữa. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ rất đáng lo vì Đảng, nhà nước sẽ không nghe được ý kiến phản hồi của DN" - ông Phong nói.