(VNHN)-Những năm gần đây, hàng loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng từ Nhật Bản, Pháp, Thái Lan… đầu tư vào Việt Nam khiến thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt. Cùng với đó, hàng loạt các thương vụ sáp nhập cũng diễn ra sôi động, tạo nên sức hấp dẫn lớn của ngành bán lẻ Việt Nam.
Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, song cũng là thời cơ các nhà bán lẻ phải thay đổi, tăng sức cạnh tranh và đưa ra chiến lược đầu tư đúng đắn, nhất là khi thị trường bán lẻ là miếng bánh béo bở vô cùng hấp dẫn các “đại gia” nước ngoài.
Hàng Thái Lan tràn ngập thị trường Việt Nam
Nhiều “ông lớn” ngoại chen chân
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đang tăng nhanh trong vài năm gần đây.
Nếu như năm 2010, giá trị thị trường đạt 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo năm 2020 là 179 tỷ USD. Với tiềm năng lớn và sự phát triển nhanh, Việt Nam trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực bán lẻ.
Theo hãng tư vấn A.T. Kearney, thị trường Việt Nam hiện có 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, 9.000 chợ truyền thống và khoảng 2,2 triệu nhà bán lẻ đang hoạt động; trong đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có tiềm năng phát triển bởi thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản, vốn đầu tư không cao, khả năng thu hồi vốn nhanh.
Trong vòng một năm qua, có tới hơn 100 cửa hàng tiện lợi mới quy mô lớn được mở tại Việt Nam, chủ yếu do các công ty, tập đoàn nước ngoài sở hữu.
Nhiều “ông lớn” nước ngoài đã đầu tư hoặc đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam như Family Mart (Nhật Bản) đã có tới 130 cửa hàng, dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020. 7-Eleven (Nhật Bản) xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ tháng 6/2017 với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 1 thập kỷ tới. Lotte Mart (Hàn Quốc) cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020.
Việt Nam cũng là thị trường thu hút nhiều đại gia thương mại điện tử nước ngoài như Amazon (Mỹ) đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam, thông qua hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu trên Amazon. Trước đó là Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đã mua lại Lazada.
Hay như các thương hiệu sau khi sáp nhập cho nhà bán lẻ Thái Lan, như Big C khi chuyển đổi thương hiệu cho Tập đoàn Central Group, Metro chuyển sang Mega Market đã không ngừng nâng cấp dịch vụ, cũng như chất lượng hàng hóa, ngành hàng theo hướng tiện lợi, đa dạng và theo đúng nhu cầu mọi khách hàng.
Thị trường có mặt hàng nào thì ở các siêu thị của các nhà bán lẻ thương hiệu nước ngoài đều có. Về mặt giá cả, Big C là hệ thống siêu thị có chiến lược cạnh tranh mức giá rẻ nhất ở hầu hết các mặt hàng.
Doanh nghiệp trong nước không lép vế
Trước sự phát triển nở rộ của các doanh nghiệp đa ngành quy mô lớn, các doanh nghiệp trong nước đang dần hiểu rõ thị trường bán lẻ trong nước, đưa ra những chiến lược phát triển riêng.
Thay vì cạnh tranh với các “ông lớn,” các doanh nghiệp trong nước đã lựa chọn thị trường ngách chính là phát huy thế mạnh việc am hiểu khách hàng và am hiểu thị trường nội địa, hướng nhiều hơn đến nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau và chất lượng dịch vụ.
Có thể dẫn chứng hai doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ Việt gồm Công ty cổ phần Thế giới di động và Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT đang là hai doanh nghiệp thành công nhất trong mảng thiết bị công nghệ và có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
Ở lĩnh vực sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và phụ nữ, những tên tuổi như Bibomart, Kids Plaza, Shop trẻ thơ, Tuticare, Con Cưng… đều đang phát triển rất mạnh với tốc độ mở rộng thị trường nhanh chóng trong hai năm trở lại đây.
Mới đây nhất, trong lĩnh vực hàng thiết bị cơ khí và tiện ích gia đình, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kowon 100% vốn Việt Nam đã gây sự chú ý khi chính thức gia nhập thị trường với 5 chuỗi cửa hàng bán vật dụng cơ khí như khoan, máy phát điện, dụng cụ khí nén.
Đây cũng là số ít đơn vị tiên phong xây dựng chuỗi bán lẻ đối với các mặt hàng này kết hợp với các hãng cơ khí nổi tiếng trên thế giới như Bosch, Makita, Stanley, Weldcom, Jasic… để phân phối các sản phẩm chính hãng tới tay người tiêu dùng.
Đại diện Kowon cho biết sẽ từng bước xây dựng chuỗi các cửa hàng đồng bộ trên nhiều tỉnh thành, vươn cánh tay của mình ra khắp Việt Nam. Kỳ vọng đến hết 2019, doanh nghiệp này sẽ có 15 cửa hàng Kowon trung tâm là 20 cửa hàng Kowon+ được nhượng quyền.
Hay vừa qua, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup đã mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty cổ phần Nhất Nam. Đây là cơ hội để hàng Việt có thể phủ sóng rộng hơn trên các kênh bán lẻ của doanh nghiệp trong nước. Tính đến hiện tại, VinGroup có tới khoảng 65 siêu thị Vinmart và 1.000 cửa hàng Vinmart+ trên cả nước.
Cùng với VinGroup, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) hiện là kênh phân phối nội địa luôn trong tâm thế sẵn sàng “chiến đấu” với các nhà bán lẻ ngoại. Đến nay Saigon Co.op đã phát triển thành công gần 100 siêu thị Co.opmart phân bố rộng khắp cả nước, 150 của hàng Co.op Food, 150 cửa hàng Co.op Smile và mới đây là 50 cửa hàng tiện lợi Cheers liên doanh với NTUC Fair Price (Singapore).
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho rằng trong nhiều năm qua đơn vị luôn kiên trì làm bệ phóng cho hàng Việt nói riêng và hàng hóa sản xuất trong nước nói chung, bất chấp sự hấp dẫn từ lợi nhuận của hàng ngoại, đặc biệt là nói không với nông sản, trái cây không có nguồn gốc rõ ràng và xuất xứ từ Trung Quốc.
Việc Saigon Co.op duy trì tỉ lệ hàng Việt trên 90% không chỉ giúp hàng Việt tiếp cận sâu rộng thị trường trong nước mà còn góp phần dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước vững chân hơn trên thị trường bán lẻ.
Theo tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trong cuộc đua với sự tham gia của doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơi, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và tận dụng triệt để những lợi thế như thói quen, tâm lý tiêu dùng của người Việt. Muốn thay đổi thì nhất thiết phải có chiến lược cụ thể, thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo vì nếu ai chậm chân trong lĩnh vực này sẽ thua và ra khỏi thị trường.
Cũng theo các chuyên gia, với những doanh nghiệp đã có thế mạnh sẵn có như Saigon Co.op, Vingroup cần phải được quan tâm, hỗ trợ kịp thời để có thể cạnh tranh với các nhà bán lẻ ngoại và dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ, tận dụng tốt thế mạnh của nhau mới tạo thành sức mạnh tổng hòa, cần tận dụng, khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường có lợi thế.
Để thị trường bán lẻ của Việt Nam có thể phát triển và sánh vai được với thị trường bán lẻ thế giới, theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia về lĩnh vực bán lẻ, mặc dù ngành bán lẻ Việt Nam còn gặp vô số khó khăn trước sự đổ bộ ồ ạt của các nhà bán lẻ nước ngoài, nhưng không vì thế mà doanh nghiệp trong nước lo ngại và né tránh sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp ngoại.
Trong bối cảnh hội nhập giữa các nền kinh tế, doanh nghiệp cần phải xây dựng đạo đức văn hóa kinh doanh, không buôn bán hàng cấm, hàng giả; giữ gìn thương hiệu, giữ chân khách hàng; tăng cường hình thức bán hàng cả trực tiếp và thương mại điện tử vì đây là xu hướng tất yếu.
PV/VN+