VNHN - Tuy dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới “sức khỏe” của các doanh nghiệp, thế nhưng trước mắt vẫn có nhiều điểm sáng, mà theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, đây lại là thời cơ để sàng lọc, chuyển đổi, liên kết các doanh nghiệp.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Ảnh: thoibaonganhang.vn)
PV: Thưa ông, có những thay đổi nào đáng chú ý đối với doanh nghiệp Việt thời kỳ hậu Covid-19?
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, có thể thấy khi thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng năng lực sản xuất kinh doanh gần như không bị tác động. Tuy hiện giờ các chuỗi sản xuất kinh doanh, đầu ra đầu vào dường như vẫn còn khó khăn, đặc biệt là những ngành nghề phải nhập nguyên vật liệu, phụ kiện từ nước ngoài, nhưng đợt dịch này lại có khả năng giúp các doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Qua đợt dịch này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có một liên kết tốt hơn với nhau so với trước đây. Trước hết là họ đã liên kết với nhau trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề hoặc những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp điện tử. Rõ ràng đây là một cái thuận lợi, tính liên kết của doanh nghiệp trong nền kinh tế sẽ tốt hơn.
Thời gian dịch cũng làm cho một số chủ doanh nghiệp thể hiện được sự linh hoạt, nhanh nhạy, quyết đoán trong sản xuất kinh doanh. Minh chứng đó là nhiều doanh nghiệp đã chuyển hẳn sang sản xuất các vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc y tế…
Mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng kí ngừng sản xuất, phá sản tăng lên nhưng nhìn theo hướng tích cực thì đó là cơ hội để sàng lọc doanh nghiệp yếu kém, dành cơ hội cho những doanh nghiệp có năng lực nắm bắt thị trường tốt hơn.
Ảnh minh họa
PV: Sự phục hồi của các doanh nghiệp Việt trong giai đoạn hậu dịch sẽ như thế nào?
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh: Việc phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp, bên cạnh đó là sự quyết tâm và hỗ trợ của nhà nước. Các doanh nghiệp trong nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào đầu vào cũng như đầu ra. Có thể thấy, nguồn nhập khẩu vẫn đang có những khó khăn mặc dù dịch đã qua ở nhiều quốc gia, nhưng vẫn trì trệ, chưa được như trước.
Điều thứ hai là đầu ra, ở những thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản… hầu hết các nước này đều đang gặp những khó khăn về dịch bệnh cũng như phục hồi sản xuất. Vì thế, hàng xuất khẩu của chúng ta đến những quốc gia này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới. Nếu lúc này doanh nghiệp không đa dạng hóa nguồn đầu vào, không tìm cách để có nguyên vật liệu kinh doanh bình thường một cách tốt nhất thì rõ ràng sẽ có nhiều khó khăn.
Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn đầu vào phù hợp với khả năng xuất khẩu. Đồng thời, trong bối cảnh chúng ta khôi phục sản xuất nhưng lại không có thị trường để xuất khẩu thì các doanh nghiệp hãy quay về ngay thị trường trong nước. Thị trường trong nước chính là cơ sở để chúng ta tồn tại. Với 100 triệu dân, đây là thị trường đáng để quan tâm, các doanh nghiệp không chỉ nên coi thị trường nội địa là tấm đệm để làm “bệ đỡ” sự sụt giảm của xuất khẩu hàng hóa mà còn phải coi thị trường nội địa như thị trường chính yếu, lâu dài để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Không nắm bắt cơ hội ngay trên sân nhà thì làm sao có cơ hội để cạnh tranh quốc tế. Nếu để hàng hóa nước ngoài tràn vào, đánh bật chúng ta thì quay trở lại cực kì khó.
Đây là thời gian để doanh nghiệp tìm hiểu kĩ hơn, nghiên cứu sâu hơn, đầu tư bài bản, nắm bắt yêu cầu của người tiêu dùng để tiếp tục phát triển chuỗi sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa mang tính thuần việt, từ đó chiếm được trái tim 100 triệu người dân Việt Nam. Rõ ràng nó không chỉ là tấm đệm đỡ mà còn là bài toán lâu dài với các doanh nghiệp Việt.
PV: Theo ông, sẽ có những xu hướng kinh doanh mới nào nổi lên sau khi dịch kết thúc?
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh sẽ là xu hướng nổi bật và rất quan trọng. Vì rõ ràng, từ việc kiểm soát tốt được dịch bệnh, giảm thiểu trực tiếp tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh trở thành đòi hỏi tất yếu.
Thứ hai là xu hướng số hóa hoạt động quản lý cũng như hoạt động sản xuất. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế phải đẩy mạnh số hóa, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đẩy mạnh quản lý nhà nước bằng số hóa, làm cho các doanh nghiệp buộc phải có hệ thống quản lý tương thích, giúp cho hoạt động kinh doanh trở nên tốt hơn.
Thứ nữa là xu hướng liên kết liên doanh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài trong các chuỗi sản xuất, giá trị sẽ bùng phát mạnh mẽ hơn. Do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng trong thời gian vừa qua, rất nhiều chuỗi cung ứng mới sẽ được hình thành. Các doanh nghiệp trong nước đã tự liên kết với nhau để vượt qua đại dịch, và nó sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Đây là điểm tôi đánh giá doanh nghiệp Việt trước đây chưa thực hiện tốt, qua đợt dịch này các doanh nghiệp sẽ cảm thấy thực sự cần thiết phải liên kết liên doanh để cùng phát triển.
PV: Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua, sắp tới đây để giúp doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau dịch, Chính phủ sẽ cần có những động thái hỗ trợ như thế nào?
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh: Qua đợt dịch này, chúng ta đã thấy rõ được vị trí của cơ quan quản lý nhà nước, trong mặt trận phòng chống dịch cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã có những động thái nhanh chóng và quyết liệt, tác động vào các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ mạnh với doanh nghiệp. Chính những gói hỗ trợ đó đã giúp doanh nghiệp có cơ hội để tồn tại được qua dịch, giữ được người lao động và bạn hàng. Trong thời gian tới, có thể thấy về phía NHNN cũng đã có những biện pháp để tiếp tục giảm lãi suất, bằng việc hạ các lãi suất cơ bản. Về phía Chính phủ cũng đang xem xét, đánh giá mức độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hoãn giãn nộp thuế, BHXH.
Theo quan điểm của tôi, Chính phủ có thể hỗ trợ qua việc giúp doanh nghiệp tìm hiểu và thâm nhập thị trường quốc tế thông qua các cơ quan đại diện, đại sứ quán ở nước ngoài, để doanh nghiệp tìm thêm đầu vào nguyên liệu và các đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên, điều quan trọng và quyết định vẫn là doanh nghiệp, phải tự nhìn nhận, đánh giá, tái cấu trúc các hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, vận hành… thì mới có thể tồn tại và phát triển. Chính phủ có thể hỗ trợ nhưng doanh nghiệp phải chủ động, tự quyết định hiệu quả kinh doanh của mình.
PV: Xin cảm ơn ông!