VNHN - Không chỉ lao đao do khách giảm, nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, phải tăng chi phí giám sát, hỗ trợ nhân công…, các doanh nghiệp Đà Nẵng hiện tại còn vướng thêm nỗi lo về những tin đồn thổi liên quan dịch bệnh. Đây thực sự là một áp lực không đơn giản và rất cần đội ngũ truyền thông xã hội cùng góp sức chung tay.
Sáng nay 11/3/2020, ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc công ty Thương mại và Dịch vụ Hải Vân (Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) đã phải lên mạng xã hội cảnh báo và khẳng định sự không liên quan của đơn vị ông với một cá nhân có dấu hiệu nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Công ty Hải Vân Đà Nẵng phải lên tiếng không liên quan đến người bị nghi nhiễm dịch.
Ông Nam cho biết, việc này xuất phát từ một nhân viên cũ của đơn vị ông, đã nghỉ việc cách đây 2 năm, vừa rồi có đi khám bệnh do bị ho sốt.
Khi cơ sở y tế yêu cầu phải đến địa điểm chính thức giám sát dịch bệnh khám lại cho rõ, bởi những dấu hiệu nguy cơ nhiễm dịch, thì người này bỏ về nhà. Cơ quan y tế theo đó buộc phải thông báo đến các cơ quan chức năng, yêu cầu lập tức giám sát theo dõi. Chính quyền địa phương nơi cư trú của người này đã vào cuộc, theo dõi cách ly ngay.
Sự phiền là đối tượng này khai báo lại dùng địa chỉ cơ quan cũ, dẫn đến lực lượng chức năng đã đến tìm hiểu tại công ty của ông Nam. Hết sức bất ngờ và lo lắng, ông Nam lập tức trần tình thông tin không liên quan gì nhân viên cũ, và lên mạng xã hội, nói rõ, công ty Hải Vân không hề có liên quan đến người có dấu hiệu bị nhiễm dịch bệnh.
“Tự nhiên lại bị vướng vào một kiểu thông tin rất nguy hiểm, tôi rất lo. Bởi nếu không nói rõ, cơ quan chức năng không xác minh, mà dư luận lại lên tiếng đồn thổi, thì có phải là việc làm ăn kinh doanh của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay không? Những tổn thất kéo theo đó, ai có thể giúp chúng tôi giải quyết?”. Ông Nam than vãn như vậy.
Một loạt doanh nghiệp lân cận khách sạn Vanda (Đà Nẵng) đang lo lắng vì bị những tin đồn.
Vấn đề đáng nói, là tình hình dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan sẽ tạo rất nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng với các doanh nghiệp như công ty Hải Vân. Gần như đây đang là nỗi ám ảnh với mọi doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến du lịch, vận tải, hàng hóa… đang làm ăn tại Đà Nẵng cũng như các địa phương khác trong cả nước.
Trước sự việc của công ty Hải Vân, dư luận tại Đà Nẵng cũng đã xôn xao về một số thông tin đồn thổi “rò rỉ” về chuyện 2 du khách người Anh có đi chơi sân gôn Bà Nà. Sự việc không chỉ khiến sân gôn này phải lập tức đóng cửa, tiến hành khử trùng trên diện rộng, mà còn lây lan thông tin về khu du lịch Bà Nà Hills. Đại diện truyền thông tập đoàn Sun Group đã phải lập tức gởi thông cáo báo chí đến các cơ quan ngôn luận, nêu rõ Bà Nà Hills không liên quan gì đến sự việc tại sân gôn. Nếu không làm động thái này, chỉ cần có tin đồn thất thiệt đưa ra, khu du lịch chỉ có nước đóng cửa, và tổn thất với tập đoàn là rất lớn. Đại diện truyền thông lo sợ chia sẻ như vậy.
Ngay với các đơn vị kinh doanh nằm xung quanh khách sạn Vanda, nơi 2 du khách người Anh lưu trú và đang tạm bị phong tỏa, suốt mấy ngày qua, đều bị áp lực tin đồn đủ dạng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của họ. Chủ 1 cơ sở điện thoại gần khách sạn than phiền trên mạng xã hội, chưa hề có xác nhận chính thức, nhưng tin đồn cơ sở này có nhân viên tiếp xúc du khách Anh, đã khiến cả cơ sở lo lắng đến mất ngủ. Những cơ sở lân cận khách sạn Vanda đều tự dưng phải co cụm lo lắng, tiến hành khử trùng tất cả và phải thanh minh rất nhiều trước các tin đồn.
“Chúng tôi nghĩ, cộng đồng cần hiểu chẳng có ai muốn dính líu dịch bệnh, kể cả những người bị nhiễm virus cũng là sự chẳng đặng đừng, xui rủi với họ. Không ai đi đùa với tính mạng của mình hết. Nên rất mong mọi người hãy có trách nhiệm khi chia sẻ một tin tức nào đó, đọc được trong bối cảnh này. Các cơ quan truyền thông cần hết sức bình tĩnh và khéo léo, để giúp đỡ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong bối cảnh hiện nay, vận động người dân đừng đọc và đồn thổi thêm những thông tin xấu, bất lợi cho cộng đồng xã hội nữa”. Ông Nam tâm sự như vậy.