Hai năm chống chọi với đại dịch COVID-19, việc sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) để cải thiện và tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp (DN) không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương. Điều này đã cho thấy sự đúng đắn trong chỉ đạo và định hướng xây dựng chính quyền điện tử với trọng tâm cung cấp DVCTT theo các Nghị quyết số 50/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ.
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng Định Hóa luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC). Đặc biệt, trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa các cấp của huyện đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con đăng ký giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến.
Đối với UBND thị trấn Chợ Chu, lượng công dân đến liên hệ giải quyết TTHC trực tiếp tại Bộ phận Một cửa tương đối đông. Tuy nhiên, người dân đến đều được hướng dẫn thực hiện “5K” để phòng, chống COVID-19. Đồng thời, công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC quan tâm, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện việc nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Nhiều người sau khi được hướng dẫn đã thực hiện đăng ký giải quyết TTHC trực tuyến qua mạng Internet.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chu, thông tin: Trong năm 2021, Bộ phận Một cửa của thị trấn đã tiếp nhận và giải quyết 1.059 hồ sơ (trong tổng số 6.467 hồ sơ) TTHC mức độ 3, 4 qua mạng Internet. Trong đó có 1.050 hồ sơ được giải quyết trước hạn. Còn từ 15/12/2021 đến 22/2/2022, thị trấn tiếp nhận và giải quyết 272 (trong tổng số 656 hồ sơ) qua cổng dịch vụ công trực tuyến, 100% hồ sơ đều được giải quyết đúng hạn, trong đó có 563 hồ sơ được giải quyết trước hạn.
Còn tại Bộ phận Một cửa của huyện, các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết được công khai trên bảng điện tử, bảng niêm yết. Bộ TTHC cấp huyện đã được đăng tải trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, Cổng thông tin điện tử của huyện; niêm yết địa chỉ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại trụ sở UBND huyện.
Hiện nay, UBND cấp huyện thực hiện 15 lĩnh vực ngành, 276 TTHC. Trong đó có 224 TTHC mức độ 4; 17 thủ tục mức độ 3 và 35 thủ tục ở mức độ 2. Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến đang được huyện chú trọng. Trong năm 2021, toàn huyện có 89.626 hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC; trên 97% số hồ sơ được giải quyết trước hạn. Tính từ ngày 15/12/2021 đến 22/2/2022, toàn huyện tiếp nhận trên 14.300 hồ sơ, trong đó có trên 4.000 hồ sơ tiếp nhận qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Nói về công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện, ông Lưu Viết Linh, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Định Hóa, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, hằng năm, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính đảm bảo đúng tiến độ, thời gian và yêu cầu đề ra. Đặc biệt, để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức khi có yêu cầu giải quyết TTHC trong tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa cấp huyện, xã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; có thái độ ứng xử, giao tiếp đúng mực, tinh thần trách nhiệm cao khi tiếp công dân và thực hiện nhiệm vụ.
Ảnh minh họa.
Có thể nói, với đặc thù huyện miền núi, nhiều xã, xóm xa trung tâm, cơ sở hạ tầng, mạng Internet còn hạn chế, mức sống người dân chưa cao…, nhưng những kết quả bước đầu trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, nhất là trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đã phần nào cho thấy sự cố gắng, nỗ lực từ các cấp, ngành của Định Hóa trong lĩnh vực này.
Việc đẩy mạnh cung cấp DVCTT đã không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, DN mà còn góp phần đảm bảo hoạt động bình thường cho người dân, DN trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) không còn là một lựa chọn mà đã là tất yếu. Những cải cách của Chính phủ đều được xây dựng trên một nền tảng số lấy chính phủ điện tử (CPĐT) làm trọng tâm và lấy người dân làm trung tâm.
Đứng trước sự phát triển và yêu cầu mới về CĐS, phát triển Chính phủ số, việc đánh giá một chặng đường triển khai cung cấp thông tin và DVCTT đã qua trong triển khai CPĐT sẽ cho chúng ta bức tranh về những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, qua đó làm nền tảng, tạo đà tiếp tục phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số.