22/01/2025 lúc 16:50 (GMT+7)
Breaking News

Điều kiện Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng số trong kỷ nguyên vươn mình

Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực khẳng định vị thế như một điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Các cuộc họp tại New York giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lãnh đạo các tập đoàn như Apple, Meta, Supermicro, Blackstone, Warburg Pincus và Google đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư vào công nghệ tiên tiến. Ông Phạm Đức Trung Kiên, Cố vấn cao cấp Quỹ đầu tư TPG Capital, chia sẻ về điều kiện và khả năng Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng số.

Sự phát triển công nghệ Hoa Kỳ là kết quả của việc cọ xát giữa kiến thức nghiên cứu, tiền đầu tư mạo hiểm, chính sách công và luật. Việt Nam có thể đi theo con đường này và bắt đầu từ ngày hôm nay.

Điều kiện Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng số trong kỷ nguyên vươn mình
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn trong cuộc họp tại NewYork, ngày 22/9/2024

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực khẳng định vị thế của mình như một điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Mới đây, một số cuộc họp quan trọng cũng đã diễn ra tại NewYork giữa Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với lãnh đạo của các tập đoàn như Apple, Meta, Supermicro, Blackstone, Warburg Pincus và Google.

Điều kiện Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng số trong kỷ nguyên vươn mình
Ông Phạm Đức Trung Kiên - Cố vấn cao cấp Quỹ đầu tư TPG Capital

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Đức Trung Kiên - Cố vấn cao cấp Quỹ đầu tư TPG Capital về những điều kiện và khả năng Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng số trong kỷ nguyên vươn mình.

Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Kiên chia sẻ:

Các cuộc họp vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ là một phần trong chiến lược thu hút đầu tư và phát triển công nghệ cao của Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp gỡ đại diện từ nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Apple, Meta, Supermicro, Blackstone, Warburg Pincus và Google. Mục đích chính là thảo luận về các cơ hội hợp tác và đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến tại Việt Nam.

người đã có mặt ở NewYork trong tuần qua, theo ông, các doanh nghiệp Mỹ ấn tượng nhất điều gì về Tổng Bí thư?

Ông Phạm Đức Trung Kiên: Theo sự quan sát của tôi, các doanh nghiệp Mỹ đã có ấn tượng rất tốt về phong cách đối thoại của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, về sự cởi mở, sự thẳng thắn và không né tránh những vấn đề tế nhị.

Các doanh nghiệp Mỹ đều cảm nhận được Tổng Bí thư đã có những kinh nghiệm cá nhân về công nghệ số, sự quan tâm của ông đối với an ninh mạng và vai trò của chuyển đổi số trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam tới một quỹ đạo mới.

Ông có thể cho biết chi tiết hơn về những đề xuất cụ thể nào đã được đưa ra trong các phiên họp này? Đánh giá của ông về khả năng thực hiện những đề xuất này như thế nào?

Có nhiều đề xuất rất thú vị được đưa ra. Đầu tiên, Apple đang xem xét khả năng mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Meta thể hiện sự quan tâm đến việc hợp tác trong lĩnh vực AI, IoT và Metaverse, đồng thời họ đang sản xuất kính thực tế ảo tại đây. Supermicro bày tỏ ý định xây dựng hệ sinh thái sản xuất hệ thống máy chủ AI và trung tâm dữ liệu. Blackstone và Warburg Pincus quan tâm đến đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh và tái tạo. Cuối cùng, Google thảo luận về tiềm năng phát triển phần mềm AI tại Việt Nam.

Tôi cho rằng những đề xuất này đều có tính khả thi cao. Việt Nam đã và đang là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều tập đoàn công nghệ. Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, chi phí cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các đề xuất này, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đâunhững thách thức mà Việt Nam cần vượt qua để thu hút được những dự án đầu tư này?

Chắc chắn có nhiều thách thức, đặc biệt là về nguồn cung cấp điện. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ rằng Việt Nam đang tái cân nhắc việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Theo tôi đây là một trong những tin tức đáng chú ý nhất.

Về các dự án R&D và phát triển phần mềm AI, Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc phát triển cơ sở hạ tầng như trung tâm dữ liệu AI, đòi hỏi đầu tư lớn về vốn và công nghệ. Đối với các dự án năng lượng xanh và tái tạo, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách để tạo môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn. Một cách ngắn gọn: Điện, người, tiền và chính sách là những thách thức lớn.

Ông có thể kiến nghị cụ thể hơn một số chính sách mà Chính phủ cần thực hiện ngay như điểm đột phá để Việt Nam thực hiện được cuộc cách mạng số trong kỷ nguyên vươn mình?

Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ nên xem xét việc ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, như miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo nhân lực. Ngoài ra, chính phủ cũng nên cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghệ mới.

Theo kinh nghiệm của tôi, để thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Microsoft, Nvidia, Việt Nam cần xây dựng một môi trường sôi động, với sự sáng tạo và đam mê từ giới trẻ, dựa trên nền tảng hạ tầng số vững mạnh.

Để hỗ trợ giới trẻ thực hiện ước mơ và sáng tạo, chúng ta cần một tầng lớp các tổ chức đầu tư mạo hiểm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro tài chính cao. Để khuyến khích nhóm này, chính phủ nên miễn mức thuế suất 20% trên lợi nhuận (capital gain) đến từ đầu tư. Tôi nghĩ rằng, chính sách miễn thuế này có thể thực hiện ngay và không ảnh hưởng đáng kể đến tổng thu thuế quốc gia.

Tóm lại, Việt Nam cần tập trung xử lý cụ thể vào những vấn đề lớn như đã nói ở trên để thực hiện được cuộc cách mạng số. Thứ nhất, cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng năng lượng và cơ sở hạ tầng số. Thứ hai, cần có chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Đồng thời cần tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Sau cùng là cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Ông nhắc đến việc cần đẩy mạnh cải cách thể chế, vậy đâu là bước đột phá cần thiết trong cải cách thể chế tại Việt Nam?

Mỗi ngành nghề sẽ có những khó khăn và chính sách cụ thể mà các doanh nghiệp nước ngoài phải đối mặt khi đầu tư tại Việt Nam.

Ví dụ, trong lĩnh vực sản xuất điện xanh, các nhà đầu tư nước ngoài rất mong muốn tham gia, nhưng EVN chưa đủ tín nhiệm tài chính để ký kết hợp đồng mua điện từ các dự án này. Do đó, chính phủ cần mạnh dạn bảo lãnh cho EVN để các nhà đầu tư nước ngoài có thể thu xếp vốn cho các dự án lớn đến hàng tỷ đô la.

Ở nhiều lĩnh vực khác, các công ty nước ngoài còn bị giới hạn về quyền sở hữu tại Việt Nam, và tôi nghĩ chính phủ cần rà soát những giới hạn này.

Ông có thể chia sẻ những yếu tố nào của thể chế Mỹ đã tạo ra các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Meta, Microsoft, Google? Và tại sao Mỹ có nhiều startup công nghệ thành công như vậy?

Hoa Kỳ đã có một quá trình lịch sử dài để có thể dẫn đến những thành công nổi bật như Apple, Google, Meta, Microsoft. Trong quá trình đó, đã có vô số những công ty khác thất bại, nên cũng không phải công ty công nghệ nào đều thành công ở Hoa Kỳ.

Việt Nam, theo tôi, đang bắt đầu đi vào một quy trình tương tự. Nền tảng phát triển công nghệ ở Mỹ dựa nhiều vào các Đại học và các công trình nghiên cứu. Nếu không có Đại học như Stanford thì sự ra đời của Silicon Valley có thể vẫn chỉ là dấu chấm hỏi. Nếu không có quỹ đầu tư khoa học quốc gia (National Science Foundation NSF) của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ cung cấp nhiều tỷ đô la Mỹ (năm 2023 là hơn 9 tỷ đô la) thì các Đại học của Mỹ và các trung tâm nghiên cứu khắp nước Mỹ cũng không có chỗ dựa về tài chính cho việc nghiên cứu.

Tóm lại, sự thành công về phát triển công nghệ tại Hoa Kỳ là kết quả của sự gần gũi và cọ xát giữa 3 gam màu, gồm chất xám (kiến thức và nghiên cứu) cùng chất xanh (tiền đầu tư mạo hiểm) và chất trắng (chính sách công và luật). 

Tôi nghĩ Việt Nam cũng có thể đi theo con đường này và bắt đầu từ ngày hôm nay. Một thí dụ điển hình là trong ngày 1 và 2 tháng 10 tới đây, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia NIC cũng có một buổi hội thảo lớn về các yếu tố nói trên, với sự tham gia của Meta, Intel, Nvidia cùng thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây là điều rất khích lệ cho công cuộc đổi mới.

Việt Nam đã ký kết 16 FTA, tạo điều kiện giao thương với thế giới. Tuy nhiên, toàn cầu hóa đang có xu hướng chậm lại. Theo ông, Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh này, nhất là khi Việt Nam là một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu?

Hiện nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang liên tục cạnh tranh bằng cách áp đặt các biện pháp thuế quan, chẳng hạn như việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu xe điện đến từ Trung Quốc tới mức 170%, và Trung Quốc đáp trả bằng các loại thuế nhập khẩu cho nông sản Mỹ. Ngoài thuế nhập khẩu, các nước còn áp dụng các biện pháp phi tài chính khác, như lý do chiến lược quốc phòng, vệ sinh an toàn, hay nguồn gốc nguyên liệu để hạn chế khả năng xuất khẩu của đối thủ.

Tình hình này, dẫn đầu bởi Mỹ và Trung Quốc, hiện chưa rõ sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu như thế nào. Nếu các FTAs giữa Việt Nam và các nước khác như EU và Hàn Quốc không cho phép áp thuế nhập khẩu, hàng hóa Việt Nam có thể không bị ảnh hưởng trực tiếp. Đây có thể coi là một sự “phòng vệ may mắn” mà chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam đã mang lại.

Cuối cùng, ông có ý kiến gì về tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong việc phát triển thành một trung tâm công nghệ của khu vực hay không?

Theo tôi, Việt Nam đang đi đúng hướng và đặt ra một mục tiêu có thể thực hiện được. Tốc độ và thời gian sẽ tùy thuộc nhiều vào các quyết sách của Chính phủ trong kỷ nguyên vươn mình dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Phạm Minh Hoà