12/01/2025 lúc 22:39 (GMT+7)
Breaking News

Điều kiện cần và đủ để nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

VNHN - Khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có dấu hiệu lên tới đỉnh điểm và diễn biến theo chiều đi xuống tại nhiều quốc gia cũng là lúc các chính phủ cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, phong tỏa vốn đang khiến các hoạt động kinh tế ngừng trệ và người dân không thể hoạt động bình thường.

VNHN - Khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có dấu hiệu lên tới đỉnh điểm và diễn biến theo chiều đi xuống tại nhiều quốc gia cũng là lúc các chính phủ cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, phong tỏa vốn đang khiến các hoạt động kinh tế ngừng trệ và người dân không thể hoạt động bình thường.

minh họa - Internet 

Nhưng đâu sẽ là các điều kiện cần và đủ để các nước có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt một cách an toàn và khôi phục phần nào nhịp sống thường ngày?

Các chuyên gia lo ngại vì áp lực kinh tế và xã hội, nhiều chính phủ sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế quá sớm, điều có thể tạo cơ hội để dịch COVID-19 tái bùng phát. Ngày 13/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế quá sớm sẽ khiến dịch bệnh bùng phát trở lại nguy hiểm hơn.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Pasteur và cũng là cựu lãnh đạo Viện Nghiên cứu y sinh quốc gia Pháp, Christian Brechot cho rằng các nước cần phải hết sức thận trọng với virus SARS-CoV-2, không được phép lơ là hay chủ quan. Phát biểu trên Đài Phát thanh Info của Pháp, chuyên gia này cho rằng hiện vẫn chưa rõ mọi thứ liệu có thể trở lại bình thường “một cách kỳ diệu” sau một đại dịch ở quy mô như COVID-19 hay không.

Bất chấp những khuyến cáo này, tại châu Âu, nơi có số ca tử vong vì COVID-19 lên tới hơn 78.000 người, một số quốc gia đã bắt đầu dỡ bỏ một phần các biện pháp hạn chế.

Tại Đức, khi số ca nhiễm mới gần đây đã giảm và thấp hơn một số quốc gia láng giềng, nước này đã chuẩn bị bắt đầu dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế. Áo cũng sẽ cho phép các doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh với niềm tin đã “chế ngự” được tốc độ lây nhiễm. Đan Mạch cũng sẽ mở cửa các điểm trông giữ trẻ ban ngày, các trường mầm non và tiểu học từ ngày 15/4 trong khi CH Séc đã bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp hạn chế, trong đó cho phép một số cửa hàng mở cửa trở lại. Những quốc gia này đang đi theo cách làm của Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh nới lỏng biện pháp phong tỏa chưa từng có tiền lệ tại thành phố Vũ Hán, nơi đầu tiên xuất hiện dịch bệnh hồi tháng 12/2019, sau khi các biện pháp này mang lại những kết quả khả quan.

Cũng có nhiều nơi khác tại châu Âu chưa có dấu hiệu cho thấy các biện pháp hạn chế sẽ sớm được nới lỏng. Cuối tuần qua, Anh vượt mốc 10.000 ca tử vong vì dịch bệnh trong khi Pháp dự kiến gia hạn lệnh phong tỏa thêm ít nhất vài tuần nữa. Giám đốc Dịch vụ Y tế công Pháp Jerome Salomon cho rằng số ca phải nhập viện chăm sóc đặc biệt giảm nhẹ mới chỉ là một tia tích cực nhỏ nhoi, đồng thời cảnh báo nước này có thể sẽ phải trải qua một mức đỉnh dịch rất cao.

Những quốc gia chịu tác động mạnh nhất tại châu Âu như Italy và Tây Ban Nha dường như đã lên đến những đỉnh điểm này và đang ghi nhận tỷ lệ tử vong giảm dần. Tuy nhiên, sau thời kỳ đen tối nhất, cả Rome và Madrid đều chưa có dấu hiệu nới lỏng các biện pháp bảo vệ. Italy gia hạn các biện pháp phong tỏa tới ngày 3/5 trong khi Tây Ban Nha cũng có động thái tương tự và kéo dài lệnh phong tỏa tới ngày 25/4. Ireland, Bồ Đào Nha và Bỉ cũng đều đã gia hạn các biện pháp tại mỗi nước.

Chuyên gia y tế cộng đồng và dịch bệnh truyền nhiễm Antoine Flahault, Đại học Geneva (Thụy Sĩ), cho rằng không phải cứ tới đỉnh dịch là các quốc gia có thể dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đã giúp hệ thống y tế tránh kịch bản quá tải mà điều này chỉ nên được thực hiện khi các ca bệnh giảm. Nhà nghiên cứu Brechot hy vọng từ giữa tháng Năm, tình hình sẽ cải thiện hơn, số ca mắc bệnh giảm sẽ là lúc các nước có thể nới lỏng dần các biện pháp hạn chế.

Ông Jean-Francois Delfraissy, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu khoa học virus SARS-CoV-2 chuyên tham vấn cho Chính phủ Pháp, cho rằng tình hình sẽ không thể nhanh chóng biến chuyển từ trắng thành đen mà sẽ chuyển dần từ trắng sang xám, các biện pháp cách ly vẫn phải được áp dụng. Các nước có thể nghĩ tới giai đoạn hậu cách ly, nhưng yếu tố quan trọng và cơ bản hiện nay là tiếp tục cách ly nghiêm ngặt thêm vài tuần nữa.

Chuyên gia này chỉ ra 3 điều kiện tiên quyết cho việc dỡ bỏ các biện pháp cách ly. Thứ nhất, số ca mắc bệnh phải chăm sóc đặc biệt cần phải giảm một cách bền vững. Điều này giúp các nhân viên y tế đang dần kiệt sức được nghỉ ngơi và các bệnh viện có thể bổ sung các trang thiết bị cần thiết. Thứ hai, tốc độ lây lan dịch COVID-19- số người lây từ ca bệnh F0- cần phải giảm xuống mức 1 người, thay vì mức 3,3 người so với thời điểm bùng phát dịch bệnh. Và cuối dùng, cần phải đảm bảo đủ khẩu trang để bảo vệ người dân và các xét nghiệm để giám sát chặt chẽ thực trạng lây lan virus. Chuyên gia này lấy ví dụ tại Pháp, năng lực xét nghiệm sàng lọc cần phải tăng từ mức 30.000 xét nghiệm/ngày lên 100.000 hoặc 150.000 xét nghiệm trên ngày cào cuối tháng Tư.

Tất nhiên, những điều kiện này cũng còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, như khả năng phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động có thể theo dõi hoạt động tiếp xúc của một người bệnh. Tại Pháp và Đức, các nhà mạng di động đã cung cấp dữ liệu định vị cho giới chứ y tế. Một yếu tố còn chưa rõ khác là tác động của thời tiết mùa Hè trong việc làm chậm tốc độ lây lan COVID-19 ở Bắc Bán cầu. Nhìn chung các loại virus gây bệnh hô hấp thường yếu đi khi thời tiết ấm lên nhưng hiện chưa rõ liệu virus SARS-CoV-2 có cùng cơ chế hoạt động này hay không. Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm Flahault cho biết nếu mùa Hè dịch bệnh không huyên giảm thì việc đưa ra quyết định dỡ bỏ các biện pháp cách ly sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều.