23/12/2024 lúc 17:41 (GMT+7)
Breaking News

Điện lực Nam Định: Chuyển đổi số, áp dụng CNTT nâng cao nhiệm vụ sản xuất kinh doanh

Đẩy mạnh chuyển đổi số theo định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Coi Công nghệ thông tin là nền tảng cốt lõi, là xương sống để thực hiện cho công tác quản lý vận hành hệ thống lưới điện an toàn, ổn định phục vụ cho sản xuất kinh doanh, cho đời sống và cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư tại địa phương Nam Định.

Nhằm hiện thực hóa, triển khai đồng bộ thực hiện công tác chuyển đổi số theo định hướng của ngành điện, Công ty Điện lực Nam Định triển khai xây dựng các nội dung trọng tâm về lĩnh vực chuyển đổi số theo chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) các nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với lộ trình triển khai tại đơn vị cũng như phù hợp với điều kiện hạ tầng thực tế tại khu vực tỉnh Nam Định. Công ty Điện lực Nam Định coi Công nghệ thông tin là nền tảng cốt lõi, là xương sống để thực hiện cho công tác quản lý vận hành hệ thống lưới điện an toàn, ổn định phục vụ cho sản xuất kinh doanh, cho đời sống và cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư tại địa phương nam Định.

Đội QLVH LĐCT kiểm tra kết nối điều khiển xa tại trạm 110kV Mỹ Xá

 

Về hạ tầng viễn thông và CNTT của Công ty Điện lực Nam Định hiện nay đang vận hành 592km tuyến cáp quang kết nối đến các đơn vị trực thuộc và các trạm biến áp 110kV vận hành không người trực trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định. Về vận hành hệ thống viễn thông dùng riêng đã xây dựng bổ xung mới các tuyến cáp quang, thiết bị truyền dẫn đáp ứng yêu cầu đảm bảo vận hành thiết bị Online 1+1 có dự phòng cho hệ thống mạng điều khiển hệ thống điện OT, hệ thống mạng Công nghệ thông tin IT của Công ty. Từ năm 2021 cho tới nay hệ thống viễn thông dùng riêng đã xây dựng bổ sung 76 tuyến cáp quang với chiều dài 612 km và 90 thiết bị chính (Switch, router, firewall,..). Thực hiện chủ đề từ 2021 của Tổng công ty là năm thực hiện chuyển đổi số và tới năm 2022 cơ bản hoàn thành công tác chuyển đổi số đúng tiến độ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Thực hiện đo kiểm xác định vị trí sự cố tuyến cáp quang đường truyền tại phòng tập trung điểm truy nhập mạng
Hàn nối và khắc phục sự cố đứt cáp quang đường truyền

Hệ thống An toàn thông tin được nâng cấp mở rộng theo nhiều tầng lớp các Điện lực cho đến Công ty sử dụng các hệ thống tường lửa mã nguồn mở (Pfsense, Ips Snort, Pf blockerng, cacti, Onion Sercurity) kết hợp thiết bị tường lửa chuyên dụng PaloAlto Networks. Đây cũng là đề tài khoa học cấp Tổng công ty của đơn vị và đang được nghiệm thu báo cáo để triển khai mở rộng trong toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Hạ tầng hệ thống thông tin tại Công ty hoạt động an toàn, ổn định, không ghi nhận sự cố tấn công mạng. Hiệu quả hoạt động của hệ thống viễn thông, CNTT chuyên dụng đã chủ động ngăn ngừa được 71 vụ có nguy cơ an ninh trên toàn hệ thống; ngăn ngừa và chặn được 3,4 triệu địa chỉ trong danh sách đen trên toàn hệ thống; phát hiện, phòng ngừa các đợt tấn công mạng có chủ đích vào hệ thống của ngành điện. Trong thời gian tới Công ty tiếp tục thực hiện các dự án nâng cao năng lực hệ thống mạng cáp quang và các thiết bị truyền dẫn đảm bảo hạ tầng cho mạng viễn thông, CNTT vận hành vững chắc.

Về thực hiện số hóa dữ liệu, hiện tại Công ty đã thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ sổ sách, lý lịch thiết bị, công trình xây dựng, hồ sơ khách hàng, dữ liệu thanh toán, quản trị nhân sự, công tác kế hoạch... được thực hiện trên các phần mềm chuyên dụng.Trong năm 2022 hoạt động số hóa được đẩy mạnh với các lĩnh vực kỹ thuật, kinh doanh, đầu tư xây dựng, văn phòng và quản trị nhân sự.

Thực hiện số hóa các quy trình nghiệp vụ, đơn vị đã tập trung thực hiện số hóa và đưa vào vận hành các quy trình thuộc 3 lĩnh vực chính đó là về lĩnh vực tài chính kế toán, kinh doanh dịch vụ khách hàng và lĩnh vực kỹ thuật an toàn điện. Sau khi thực hiện số hóa dữ liệu, số hóa các quy trình, thì việc tương tác giữa các khách hàng, đối tác, giữa các phòng, ban, đơn vị được thực hiện hoàn toàn trên không gian số thông qua các ứng dụng nội bộ, các phần mềm dùng chung, các ứng dụng để thực hiện ngoài hiện trường, qua đó đã tạo ra một quy trình số khép kín.

Các dịch vụ về điện theo phương thức điện tử của Công ty Điện lực Nam Định đến nay đã thực hiện đạt trên 99,82%, về dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 đạt trên 99,39%, vận hành các ứng dụng hiện trường trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch mà Tổng công ty giao... thực hiện công nghệ tự động hoá, áp dụng CNTT và các khâu trong sản xuất, kinh doanh như: Lắp đặt được 4.371 công tơ đo xa đầu nguồn đạt 100% số công tơ cần lắp đặt, trong đó; lắp đặt được 419.040 công tơ đo xa bán điện, chiếm tỷ lệ 53,6% tổng số công tơ bán điện trên toàn tỉnh... Áp dụng công nghệ mới, tự động hoá trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình tự động hóa lưới điện trung áp; xây dựng các đề tài khoa học; các phần mềm tính toán, các phần mềm quản lý chuyên ngành…

Cung cấp dịch vụ công theo phương thức điện tử (Ảnh minh họa)

Cùng với đó Công ty đã lập các phương án đầu tư hạ tầng cho viễn thông, CNTT nhằm từng bước nâng cấp hạ tầng CNTT, nâng cao năng lực vận hành hệ thống trung tâm điều khiển xa lưới điện; xây dựng các mạch vòng cáp quang từ trạm 110kV Nam Ninh (Nam Trực) về khu vực thành phố Nam Định. Tổ chức các chương trình, khóa học đào tạo theo các chuyên đề trên phần mềm chuyên dụng; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến về công tác quản lý vận hành hệ thống điện trên dữ liệu số và an toàn an ninh thông tin trong giai đoạn hiện nay phát triển mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Năm 2022 Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện chủ đề năm đó là “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, Công ty Điện lực Nam Định tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số gắn với các hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng điện, tăng cường hơn nữa công tác số hóa các quy trình nghiệp vụ, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật, quản lý vận hành, hiện đại hóa lưới điện, phát triển lưới điện thông minh; tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhận lực, đầu tư phát triển các phần mềm nguồn mở, ứng dụng CNTT dùng riêng, với mục tiêu cùng toàn ngành phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số để trở thành doanh nghiệp số theo kế hoạch của Tập đoàn điện lực Việt Nam vào năm 2025./.

PC Nam Định

...