27/11/2024 lúc 10:07 (GMT+7)
Breaking News

Diễn đàn du lịch Mê Công 2022: “Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch”

Sáng 12/10, tại Khu nghỉ dưỡng Hoiana Resort & Golf, tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Công tổ chức Diễn đàn du lịch Mê Công 2022 với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch”.

Tham dự diễn đàn có: ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam; ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Trưởng đoàn du lịch các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS); ngoài ra còn có các diễn giả, chuyên gia du lịch quốc tế.

Hàng năm diễn đàn Du lịch Mê Công được tổ chức nhằm mục đích nâng tầm khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng như một điểm đến du lịch chung, bên cạnh đó diễn đàn còn cung cấp một nền tảng toàn ngành cho khu vực công và tư để giải quyết các vấn đề du lịch của Tiểu vùng, từ đây mở rộng mạng lưới tiếp thị cũng như cơ hội quảng bá để thúc đẩy du lịch giúp tập hợp các nguồn lực tập thể của Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong ngành du lịch. 

Đại biểu tham dự Diễn đàn du lịch Mê Công 2022-Ảnh: CTTĐT.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam chia sẻ, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Đảng cũng như Chính phủ, bên cạnh đó là sự nỗ lực và hợp tác của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, doanh nghiệp, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ trung bình 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Tổng thu từ du lịch tăng từ 15,4 tỷ đô-la Mỹ năm 2015 lên 32,8 tỷ đô-la Mỹ năm 2019. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Nhưng trong thời gian gần 3 năm vừa qua, do bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên toàn thế cầu, đã đẩy ngành du lịch thế giới nói chung và khu vực GMS nói riêng rơi vào giai đoạn khủng hoảng mang lại hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử quốc tế, chấm dứt chuỗi mười năm tăng trưởng liên tục. Hiện nay ngành du lịch thế giới vẫn đang chịu nhiều thiệt hại và rơi vào những khó khăn nhất định trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. 

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phát biểu tại diễn đàn-Ảnh: CTTĐT.

Nhìn thấy được những khó khăn gặp phải, Việt Nam đã rất chủ động và nỗ lực trong việc thực hiện nhiều giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch, đồng thời đưa ra các biện pháp cũng như khuyến khích những sáng kiến mới để thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan trong và ngoài ngành để nâng cao được chất lượng dịch vụ, cũng như tăng cường xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, chuẩn bị tốt nhất cho việc sẵn sàng mở cửa một cách đồng bộ, có kế hoạch và hiệu quả để thành công và vượt qua khoảng thời gian đầy biến động khó khăn vừa qua mà đại dịch gây ra.

Cùng với việc phản ứng nhanh, kịp thời, bên cạnh đó với cách phòng chống dịch có hiệu quả, cũng như kiểm soát được dịch bệnh, từ ngày 15 tháng 3 năm 2022, Việt Nam quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai. Có thể khẳng định, du lịch Việt Nam đã thành công khi mở cửa trở lại du lịch quốc tế và được UNWTO ghi nhận là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản đi lại liên quan đến đại dịch Covid-19. Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế đến, phục vụ trên 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu khoảng 16,5 triệu đô-la Mỹ. Với những thống kê con số này khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam, đặc biệt khi lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt qua con số của cả năm 2019 trước đại dịch. Riêng trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng, Việt Nam đã đón hơn 110 nghìn lượt khách từ các nước GMS trong ba quý đầu năm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: "Tôi tin rằng để thành công tái thiết ngành du lịch, chúng ta cần cùng nhau hành động với nỗ lực tập thể hướng tới mục tiêu chung phục hồi ngành du lịch Mê Công. Là các nước có lợi thế về vị trí địa lý gần, với sự tin tưởng lẫn nhau và cơ chế hợp tác du lịch hiệu quả, tôi tin tưởng trong thời gian không xa, khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khẳng định vị thế là một điểm đến chung hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Diễn đàn sẽ là cơ hội tốt để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch gặp gỡ, giao lưu, mang đến các quan hệ đối tác quan trọng, đồng thời mở ra các cơ hội khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của khu vực".

Phát biểu tại Diễn đàn du lịch Mê Công 2022, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sự phấn khởi khi tỉnh Quảng Nam được vinh dự được chọn làm nơi tổ chức sự kiện lớn của ngành du lịch của khu vực Mê Công. Qua diễn đàn du lịch Mê Công 2022 là cơ hội vàng để tỉnh Quảng Nam có thể giới thiệu hình ảnh, văn hoá đặc sắc của người dân tại địa phương tới các nước thành viên GMS, bên cạnh đó Quảng Nam là điểm đến và sẵn sàng tăng cường liên kết, hợp tác du lịch với các nước thành viên và hơn thế nữa.

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ tại diễn đàn-Ảnh: CTTĐT.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, địa phương đang tăng cường hơn nữa những nỗ lực để giúp ngành du lịch phục hồi cũng như tầm quan trọng về kinh tế và các giá trị xã hội, môi trường mà du lịch mang lại. Tỉnh Quảng Nam là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện du lịch quốc gia lớn nhất trong năm “Du lịch Việt Nam 2022” với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh”. Địa phương cam kết phát triển bền vững ngành du lịch, giảm thiểu thấp nhất những tác động tiêu cực đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên. "Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới gồm Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Cùng với đó là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng kỳ vỹ, có hơn 125 km bờ biển đẹp và các ngôi làng đặc sắc. Có rừng trường sơn xanh thẳm. Quảng Nam là trung điểm của Việt Nam, là cửa ngõ kết nối các nước trong vùng Mê Công, các nước ASEAN và nằm ngay trên trục hành lang kinh tế đông - tây. Quảng Nam thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Tôi mong muốn các đại biểu, diễn giả, chuyên gia du lịch sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời về cảnh sắc, con người Quảng Nam. Hy vọng rằng đất và người xứ Quảng kiên trung, mến khách sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu tham dự Diễn đàn lần này" ông Trần Văn Tân chia sẻ.

Tại Diễn đàn du lịch Mê Công 2022, các đại biểu sẽ được nghe các diễn giả chia sẻ, thảo luận về sự phát triển của các siêu xu hướng du lịch và tác động của chúng đối với động lực du lịch ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, đặc biệt trong khu vực GMS, và cách thích ứng du lịch trong giai đoạn mới. Ngoài ra là các chính sách, quy định và đầu tư liên quan cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch, bên cạnh đó tập trung vào cơ sở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên cùng với cách điều hành đa dạng hóa thân thiện với môi trường trong toàn ngành du lịch. Bên cạnh đó là phiên thảo luận của các chuyên gia tập trung đi sâu vào các nội dung như “Doanh nghiệp công: Một công cụ hiệu quả và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững”, “Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững”, “Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh”. 

Bên lề Diễn đàn du lịch Mê Công 2022 còn có chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam với những hoạt động hết sức đặc sắc và mới lạ.

Đình Tiến - Võ Lân