Trong thời gian vừa qua, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực tăng cường xúc tiến thương mại, liên kết, nâng cao giá trị hàng nông sản. Tính đến nay, nông sản Điện Biên đã dần phổ biến trên thị trường trong nước và các tỉnh giáp ranh biên giới Bắc Lào.
Nhờ có tiềm năng lợi thế về đất đai và thổ nhưỡng, những năm qua tỉnh Điện Biên đã liên tục thực hiện thúc đẩy, phát triển sản xuất, tạo ra các vùng nuôi trồng nguyên liệu chủ lực như: gạo Séng Cù Điện Biên, cà phê Mường Ảng, Điện Biên, cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, vùng chè Tủa Chùa…tạo ra nền tảng cho sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Không chỉ có vậy, tỉnh còn tiến hành triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân tập trung liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hoàn thành được bước liên kết đầu sẽ tạo ra được đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp bà con nông dân yên tâm phát triển sản xuất, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển hóa nông thôn, hội nhập quốc tế. Có thể xem đây là xu hướng và nhiệm vụ trọng tâm mà chính quyền tỉnh Điện Biên cần chú ý trong giai đoạn tới.
Gạo Séng Cù Nàng Hiên - Một trong những sản phẩm tiêu biểu của mô hình liên kết sản xuất.
Trước đây, sản phẩm tiêu biểu được sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi tại tỉnh Điện Biên chính là gạo Bắc thơm số 7 và IR. Dòng sản phẩm này có đặc tính dẻo thơm, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng lại không được đánh giá cao do tập quán canh tác và quy hoạch lạc hậu.
Với mong muốn cải thiện, giữ gìn chất lượng, thương hiệu gạo Điện Biên, đồng thời nâng cao sản lượng sản xuất. Năm 2016, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên đã liên kết với các xã: Thanh Yên, Thanh Xương, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi trên diện tích gần 10 ha; hướng dẫn người dân áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào việc canh tác lúa. Khi thu hoạch, đảm bảo thu mua 100% sản lượng tại chuỗi theo giá bằng hoặc cao hơn thị trường. Nhờ các chiến lược đúng đắn, Công ty đã đạt được nhiều thành tích đáng chú ý như mở rộng quy mô canh tác, liên kết thêm với hàng nghìn hộ dân, mở rộng diện tích thêm hơn 50 ha lúa, nâng sản lượng trong vụ lên 300 tấn gạo.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp, HTX, cá nhân cũng đã tích cực tham gia chuỗi sản xuất gạo liên kết như: Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green liên kết thực hiện dự án cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ lúa IR64, Bắc thơm số 7, liên kết trồng và bao tiêu quả vú sữa tại xã Thanh Hưng. Đến nay, nhiều sản phẩm gạo tiêu biểu của tỉnh như gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã Dịch vụ Thanh Yên, gạo séng cù Nàng Hiên của Công ty TNHH Safe Green đã có mặt trên các thị trường khó tính cả trong lẫn ngoài nước.
Ngoài sản phẩm gạo Điện Biên, các mặt hàng nông sản khác như chè Shan tuyết, cà phê, cao su, cacao cũng đang dần được đổi mới canh tác tác, chuyển sang mô hình liên kết để nâng cao giá, sản lượng, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn rõ ràng. Đi cùng với việc tăng cường nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại cũng đang rất được quan tâm. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường cho sản phẩm địa phương, ngành Công Thương tỉnh Điện Biên đang tiến hành làm việc cùng với các ban, ngành liên quan để đẩy mạnh kế hoạch xúc tiến, đặc biệt là phát triển, tạo thị trường cho các sản phẩm được đánh giá đạt chuẩn OCOP.
Mỗi năm, tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại, phiên chợ hàng Việt để quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng, đạt chuẩn OCOP của các huyện, thị xã, địa phương thuộc địa bản tỉnh và các đoàn thể, tổ chức doanh nghiệp, HTX đến với du khách trong và ngoài nước. Bắt đầu từ năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đã bắt đầu tiến hành triển khai ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử vào công tác kinh doanh, trao đổi hàng hóa để nâng cao năng suất tiêu thụ sản phẩm, giúp nông sản Điện Biên có cơ hội đến gần hơn tới tay người tiêu dùng; tạo ra được dấu ấn riêng cho các thương hiệu Điện Biên trên thị trường Việt Nam và quốc tế./.