26/11/2024 lúc 15:26 (GMT+7)
Breaking News

Địa chính trị tác động đến cách tiếp cận vaccine Covid-19 của khu vực châu Á

Trong bài viết đăng trên tờ East Asia Forum, tác giả David P Fidler cho rằng cách tiếp cận vaccine Covid-19 của châu Á có sự khác biệt so với các nước Bắc bán cầu vì lý do địa chính trị.

Trong bài viết đăng trên tờ East Asia Forum, tác giả David P Fidler cho rằng cách tiếp cận vaccine Covid-19 của châu Á có sự khác biệt so với các nước Bắc bán cầu vì lý do địa chính trị.

Kể từ khi Covid-19 bùng phát và trở thành đại dịch toàn cầu, vaccine được xem là phương pháp duy nhất để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh có thể trầm trọng hơn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các bên liên quan đã thành lập COVAX, sáng kiến toàn cầu nhằm phân bổ các loại vaccine Covid-19 công bằng cho các nước.

Tuy nhiên, các nước có đủ năng lực tài chính để mua hay sản xuất vaccine vẫn chi phối việc sản xuất và nguồn cung toàn cầu, đặt ra câu hỏi khi nào các nước có thu nhập thấp sẽ có được vaccine.

Ở châu Á, địa chính trị là thứ quyết định khả năng tiếp cận vaccine, chứ không phải sự công bằng, như COVAX và các nước từng tuyên bố.

Các công nhân dỡ những thùng đựng vaccine của Oxford/AstraZeneca theo khuôn khổ COVAX tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/3/2021. (Nguồn: Reuters)

Ngoại giao vaccine

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến vaccine trở thành một cứu cánh, và các nước sử dụng vaccine theo các cách tiếp cận khác nhau.

Trong khi Mỹ và các nước phương Tây theo đuổi chủ nghĩa dân tộc vaccine, Trung Quốc khai thác cuộc khủng hoảng toàn cầu bằng cách bán và tài trợ vaccine Covid-19 cho châu Á để thúc đẩy lợi ích chính sách đối ngoại với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Với con mắt dè chừng Trung Quốc, Ấn Độ đã tài trợ vaccine cho các nước trong khu vực. Nga cũng đã bán và tặng vaccine cho các nước châu Á.

Mặc dù vậy, ngoại giao vaccine song phương chỉ có tác động hạn chế đến nhu cầu vaccine và việc tặng và bán liều lượng vaccine có thành hiện thực như cam kết vẫn còn bỏ ngỏ. Trung Quốc, Ấn Độ và Nga phải đối mặt với nhu cầu tiêm chủng trong nước do số ca đang tăng trở lại có thể làm trì hoãn các thỏa thuận cũng như việc tặng vaccine.

Các câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của vaccine do Trung Quốc điều chế cùng với lời đánh giá của người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc về hiệu quả thấp của vaccine cũng đang đe dọa làm sụp đổ chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh.

Ngoại giao vaccine đã tạo ra sự chú ý chính trị không tương xứng với hậu quả về sức khỏe do Covid-19 gây ra. Thay vì bác bỏ chủ nghĩa dân tộc vaccine tại hội nghị thượng đỉnh tháng 2/2021, các nước G7 đã thảo luận về vấn đề địa chính trị khi Bắc Kinh và Moscow tạo ra ảnh hưởng lớn thông qua ngoại giao vaccine.

Ông Thomas J. Bollyky, giám đốc chương trình Sức khỏe toàn cầu thuộc tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), nhận thấy các nước đã sử dụng ngoại giao vaccine dựa trên cơ sở địa chính trị chứ không phải là cơ sở dịch tễ học.

Kết quả là, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được nhận nhận hơn một nửa số vaccine trên toàn cầu mặc dù theo các báo cáo khu vực này chỉ có dưới 10% số ca Covid-19 của thế giới, tính từ tháng 11/2020.

Thay đổi cách thức cạnh tranh

Ban đầu, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung chỉ tập trung vào khoa học-công nghệ và các vấn đề kinh tế-thương mại, song nay đã “lấn sân” sang lĩnh vực điều chế vaccine.

Phản ứng đầu tiên với chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc đến từ nhóm Bộ tứ (bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ).

Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 3/2021, Bộ tứ đã cam kết sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vaccine phòng Covid-19 cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến trước năm 2022 – một cam kế mà nếu được thực hiện sẽ tăng thêm khả năng tiếp cận vaccine với châu Á.

Sáng kiến trên sẽ góp phần triển khai chiến lược của Mỹ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách tăng cường phối hợp với đồng minh, phù hợp với tâm trạng lo lắng của Australia, Ấn Độ và Nhật Bản về các động thái của Bắc Kinh.

Trung Quốc vẫn chỉ trích các nước Bộ tứ vì nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy của nước này, vì vậy việc Bộ tứ sử dụng ngoại giao vaccine là thông điệp cân bằng quyền lực gửi đến trực tiếp Bắc Kinh.

Khả năng tiếp cận vaccine bình đẳng, mang tính toàn cầu đang phụ thuộc vào cam kết của COVAX trong việc sử dụng hỗ trợ tài chính từ các nước thu nhập cao để cung cấp cho hơn 90 quốc gia đang phát triển.

Bất chấp sự phủ bóng của chủ nghĩa dân tộc vaccine, COVAX vẫn tiếp tục phân phối và cung cấp vaccine cho các nước châu Á. COVAX dự báo họ sẽ cung cấp khoảng 1 tỷ liều vaccine cho khu vực trong năm 2021. Số lượng được COVAX đưa ra vượt quá số lượng mà chính sách ngoại giao vaccine song phương và sáng kiến QUAD cam kết cung cấp trong năm nay.

Tuy nhiên, COVAX cũng không thoát khỏi yếu tố địa chính trị. Việc chính quyền Tổng thổng Trump không tham gia sáng kiến COVAX đã cho Trung Quốc cơ hội để củng cố ngoại giao vaccine và ảnh hưởng toàn cầu.

Để cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc, chính quyền ông Biden đã tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ bằng cam kết cung cấp 4 tỷ USD cho COVAX và tổ chức sự kiện tài trợ cho COVAX vào tháng 4/2021. Những lo ngại về địa chính trị cũng đã thúc đẩy cam kết của các nước G7 với COVAX trong năm 2021.

Thông qua ngoại giao vaccine, sáng kiến của Bộ tứ và COVAX, cạnh tranh địa chính trị đã thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine ở châu Á nhưng sự phủ sóng của chủ nghĩa dân tộc vaccine còn rất lớn và khả năng tiếp cận vaccine công bằng ở ngoài tầm tay.

Vào ngày 9/4, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh rằng trong số 700 triệu liều vaccine được quản lý trên toàn cầu, “hơn 87% đã được chuyển đến các nước có thu nhập cao và trung bình, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ nhận được 0,2%”.

Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine ở châu Á có công bằng hơn không nếu không có yếu tố địa chính trị, vẫn còn là điều đáng nghi ngờ. Trong thời kỳ diễn ra dịch cúm gia cầm H1N1 năm 2009, các nước có thu nhập cao đã khống chế nguồn cung vaccine lớn và ngăn cản sự tiếp cận công bằng và mang tính toàn cầu về vaccine mà chính trị cân bằng quyền lực không có vai trò gì.

Cạnh tranh địa chính trị về khả năng tiếp cận vaccine có thể biến mất. Tiến triển trong các chiến dịch tiêm chủng vaccine ở Mỹ và châu Âu sẽ xoa dịu chủ nghĩa dân tộc vaccine, tăng nguồn cung toàn cầu và giảm đòn bẩy ngoại giao để kiểm soát tình hình do tình trạng khan hiếm như hiện nay.

Những điều kiện trên sẽ khuyến khích Washington chuyển từ địa chính trị ngoại giao vaccine sang việc tiêm chủng cho người dân trên khắp thế giới càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên, sự lây lan do các chủng Covid-19 biến thể làm suy yếu các vaccine hiện có và gây ra làn sóng mới của chủ nghĩa dân tộc vaccine cũng như các cuộc cạnh tranh địa chính trị về khả năng tiếp cận vaccine dành cho biến thể mới.

Nếu điều này xảy ra, câu chuyện về việc tiếp cận vaccine Covid-19 sẽ một lần nữa chứng minh việc các quốc gia tư duy và hành động liên quan đến vaccine và xem vaccine như là một hình thức quyền lực.