VNHN - Dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng.
Một góc Hải Vân quan - Ảnh: Internet
Ngày 23/4, tại kỳ họp bất thường lần thứ ba, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia Hải Vân quan.
Dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng. Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 42 tỷ đồng chia đều cho 2 địa phương. Dự án được thực hiện trong 2 năm (2019 và 2020).
Nội dung và quy mô đầu tư các hạng mục đáng chú ý như: Tu bổ, phục hồi công trình Hải Vân quan; công trình Thiên hạ đệ nhất hùng quan; các tường thành nhà Nguyễn; nhà Trú Sứ 3 gian, nhà Vũ Khố 3 gian; phục hồi tuyến bậc cấp từ Hải Vân quan xuống phía Nam; tuyến đường Thiên Lý từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi Huế.
Ngoài ra, tu bổ đoạn đường nối Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan bằng đá xếp theo dấu tích nguyên gốc; tu bổ, phục hồi hệ thống tường chắn đất bằng đá, bậc cấp và nền xếp đá khu vực nhà Trú Sứ và nhà Vũ Khố; tu bổ chống xuống cấp 5 lô cốt; bia chiến thắng Đồn Nhất được điều chỉnh hướng và hình thức kiến trúc bia phù hợp cảnh quan, không gian kiến trúc…
Đồng thời, tôn tạo cảnh quan xung quanh và xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.
Việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân quan sẽ giữ gìn được giá trị lịch sử, đồng thời phát huy giá trị di tích để trở thành điểm khai thác du lịch cho cả Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng. Đây cũng là điểm nhấn du lịch trên con đường di sản miền Trung và là biểu tượng của sự kết nối, hợp tác giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế.
Tuy nhiên, đây là di tích cấp quốc gia, do đó việc tu bổ, phục hồi di tích phải được Bộ VHTT&DL, Bộ Xây dựng cho ý kiến trước khi thực hiện.
Thuộc địa phận của thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, Hải Vân quan đã bị xuống cấp, hoang tàn.
Những dấu vết kiến trúc còn lại là sự pha trộn của các giai đoạn xây dựng từ thời Nguyễn (năm 1826) đến thời thực dân Pháp-Mỹ xâm lược nước ta (1946-1975). Trong đó nhiều đơn nguyên kiến trúc đã bị phá hủy, vùi lấp hoặc cải tạo, xây mới, làm thay đổi kết cấu.
Với địa thế ở độ cao gần 500 m, Hải Vân quan là điểm đến hấp dẫn của du khách khi muốn ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và vịnh Đà Nẵng, cũng như là vịnh Lăng Cô của Huế. Với giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, quân sự và cảnh quan đặc biệt, ngày 14/4/2017, Hải Vân quan đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích quốc gia.