VNHN- Lợi thế của Đà Nẵng là du lịch biển, vì thế các đơn vị liên quan đã từng bước hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất để đưa vào khai thác, sử dụng các dịch vụ, chỉnh trang, làm đẹp bãi biển, tổ chức tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thiết bị cứu hộ, cứu nạn… nhằm sẵn sàng mang đến cho du khách một không gian nghỉ dưỡng thoải mái, tiện ích nhất trong mùa du lịch biển.
Các tiện ích bãi biển đều được sửa sang, làm mới, sẵn sàng phục vụ du khách
Ngay từ đầu năm, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đã liên tục triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng trên các kênh thông tin đại chúng; đồng thời cũng rốt ráo chuẩn bị cho các chương trình thường niên như: Khai trương mùa du lịch biển 2019, Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2019.
Ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) cho biết, mùa hè, mỗi ngày các bãi biển Đà Nẵng có hàng ngàn lượt khách đến vui chơi tắm biển. Do đó, công tác cứu hộ cứu nạn tại bãi biển luôn được quan tâm. Thời gian qua, Ban quản lý đã trang bị công cụ hỗ trợ, phương tiện hiện đại như: ca-nô, mô-tô, bộ đàm… nhằm bảo đảm an toàn cũng như chuyên nghiệp hóa công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi biển du lịch. Trong năm 2019, dự kiến đơn vị sẽ tổ chức 4 đợt tập huấn cho đội cứu hộ, mỗi đợt kéo dài 10 ngày.
Song song đó, Ban quản lý cũng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền qua hệ thống tờ rơi, tập gấp bằng nhiều thứ tiếng Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc; mặt khác, thông báo rộng rãi đến các cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành về thời gian trực cứu hộ các nội dung thông tin đến du khách.
Ngoài ra, Ban quản lý còn tuyên truyền bằng các phóng sự trên báo, đài để khuyến cáo dòng chảy xa bờ đối với khách tắm biển; chuẩn hóa hệ thống cờ hiệu, bảng chỉ dẫn cứu hộ, hướng dẫn bơi an toàn cho người dân, riêng đối với du khách sử dụng nhiều ngôn ngữ có thể đọc, nghe được. Với các hoạt động khác như: an ninh trật tự du lịch biển, vệ sinh môi trường, dịch vụ thể thao giải trí biển, các tổ kinh doanh dịch vụ…, Ban quản lý cũng lưu ý, nhắc nhở các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện một cách hiệu quả.
Hiện nay, Đà Nẵng có khoảng 15 tổ kinh doanh dịch vụ biển tại tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp với 111 hộ; tuyến biển Nguyễn Tất Thành có 9 tổ với 9 hộ. Ban quản lý đã yêu cầu các hộ kinh doanh sửa sang, nâng cấp lại cơ sở hạ tầng để chuẩn bị phục vụ du khách và khuyến khích các tổ triển khai lắp đặt camera tại bãi biển; trang trí điện chiếu sáng ban đêm và lắp đặt bảng giá dịch vụ.
Nhiều năm kinh nghiệm phục vụ khách tại bãi biển Đà Nẵng, chủ đầu tư bãi tắm số 1, ông Hồ Văn Ban cho hay: “Cũng như mọi năm, để sẵn sàng cho một mùa đón khách du lịch biển, năm nay chúng tôi đã đầu tư, nâng cấp lại ghế dù, làm mới lại quầy phục vụ, tủ giữ đồ, sửa sang lại phòng thay đồ nhằm mang lại môi trường sạch sẽ, gọn gàng nhất để phục vụ du khách”.
Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, để hướng đến mục tiêu giữ khách lưu lại lâu hơn ở Đà Nẵng, ngành du lịch thành phố tiếp tục triển khai công tác chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự tại các cơ sở lưu trú, khu, điểm tham quan và bảo đảm cũng như công tác cứu hộ tại các bãi biển...
Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà thông tin, là địa phương có đông khách lựa chọn lưu trú, nghỉ ngơi, vui chơi tắm biển, vì thế, UBND quận tiếp tục đẩy mạnh tiềm năng, lợi thế phát triển các ngành dịch vụ, cũng như chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nâng cao ý thức về văn minh thương mại.
Qua đó, quận tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch mới có sức hút, cạnh tranh như: Chợ đêm Sơn Trà, phố chuyên doanh, dịch vụ vui chơi giải trí về đêm nhằm đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu thu hút khách sau khi nghỉ ngơi, tắm biển.
Quận đang từng bước triển khai đề án “Các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch quận”; đề án “Xây dựng hình ảnh người dân Sơn Trà thân thiện, mến khách, hướng đến mục tiêu “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch” đến năm 2020 và những năm tiếp theo” để góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.