Di sản Văn hoá Thế giới Thành Nhà Hồ là công trình bằng đá được xem là độc nhất vô nhị tại Việt Nam, một biểu tượng của người Vĩnh Lộc nói riêng cũng như của tỉnh Thanh Hoá nói chung. Ngược dòng lịch sử, Triều đại nhà Hồ tồn tại trong lịch sử dân tộc đã để lại dấu ấn đậm nét trong tư tưởng đổi mới, canh tân đất nước và những công trình xây dựng đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật kiến trúc Việt Nam và khu vực. Kinh thành Tây Đô (Thành Nhà Hồ ngày nay) ra đời và tồn tại đến ngày nay đã trở thành một biểu tượng kiến trúc “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kinh thành ở Việt Nam cũng như các nước khu vực Đông Á và Đông Nam Châu Á. Với tính toàn vẹn, tích xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cũng chính là minh chứng quan trọng ghi dấu ấn của triều đại nhà Hồ trong lịch sử dân tộc và nền văn minh của nhân loại.
Xuất phát từ thực tiễn tại khu di sản Thành Nhà Hồ, cũng như xu thế hướng về cội nguồn dân tộc trong thăm quan du lịch hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tích cực xây dựng các tuyến thăm quan khu di sản để phục vụ nhu cầu thăm quan của du khách, trên cơ sở khai thác và phát huy những thế mạnh từ các làng cổ ở ngay cạnh di sản Thành Nhà Hồ, trong đó có khu vực phía Đông di sản và làng cổ Đông Môn xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc có đầy đủ các yếu tố để cấu thành khu vực thăm quan trọng điểm kết hợp thăm quan di sản Thành Nhà Hồ với làng cổ phụ cận thuộc khu vực lõi di sản Thành Nhà Hồ. Việc tổ chức khai thác, phát huy giá trị khu di sản trên cơ sở kết hợp khai thác giá trị văn hóa các làng cổ phía Đông và Tây khu di sản sẽ phát huy được những thế mạnh từ sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu vực lõi và những hộ dân sinh sống trên các trục đường dẫn vào di sản. Đồng thời, việc khai thác, phát huy giá trị khu di sản từ cộng đồng các làng cổ thuộc khu di sản sẽ tận dụng được lợi thế sẵn có từ những tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với cộng đồng, đó là hệ thống di tích gần nhau như khu Thành Nội Thành Nhà Hồ, nhà cổ làng Đông Môn, đình Đông Môn, đền bà Bình Khương và thuận lợi trong trục đường vành đai dẫn đến phòng Trưng bày bổ sung và cửa Nam khu di sản Thành Nhà Hồ. Đây là tuyến thăm quan thuận lợi nhất để du khách thăm quan di sản gắn với cộng đồng và làng cổ Đông Môn.
Lịch sử hình thành và phát triển làng Đông Môn gắn liền với vương triều Hồ và thành An Tôn. Thông qua lịch sử vương triều Hồ cho biết Làng được hình tạo và khai phá từ sớm. Làng Đông Môn là một làng cổ tiêu biểu khu vực ven thành nhà Hồ, còn lưu giữ khá nhiều nét đẹp trong truyền thống Văn hóa - Lịch sử, điều đó được thể hiện qua phong tục tập quán và nét văn hóa truyền thống. Tại ngôi làng này đời sống văn hóa của nhân dân vẫn được bảo lưu theo lối cổ những nét văn hóa truyền thống lâu đời, tính cô kết cộng đồng làng xã cao cùng những sản vật địa phương phong phú, độc đáo. Trong làng có đấy đủ các yếu tố cấu thành làng cổ khu vực bắc và bắc trung bộ như giếng nước, đình làng, các nhà cổ và những con đường cổ.
Làng cổ Đông Môn trước đây có đầy đủ các loại hình di tích nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cho nhân dân như: Nghè Thượng; Nghè Hạ; Đình Đông Môn; Đền thờ Nàng Bình Khương; hệ thống các Bia đá ghi danh, đề thơ, phú… và một số dấu tích của triều Hồ như: Con đường vận chuyển đá từ Bến đá qua cổng phía Đông Thành Nhà Hồ để xây dựng Thành; Mộ và Bia mộ Cống Sinh; Đoạn tường Thành phía Đông; đoạn La Thành, đoạn hào nước thành Nhà Hồ. Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, sự bào mòn của thiên nhiên và con người, một số di tích đã bị tàn phá nay chỉ còn phế tích như: Nghè Thượng (Nghè thờ bia đá, những người có công với làng và thần hoàng làng là ông Vũ Đình Minh người có công khai hoang, chiêu dân, lập làng), Nghè Hạ (Thờ ông Quản Gia Đô Bác), các bia ghi danh, đề thơ phú (đã bị tàn phá, hiện nay không còn dấu tích). Hiện nay một số di tích vẫn còn hiện hữu trong đời sống nhân dân và đã được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa. Sự ra đời hình thành hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật làng Đông Môn gắn liền với quá trình hình thành phát triển làng Đông Môn và vương triều Hồ. Đó là những bằng chứng hùng hồn về sự phát triển của vương triều Hồ và làng cổ Đông Môn. Bên cạnh đó, vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hằng năm lễ hội làng Đông Môn được tổ chức kết hợp với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như diễn xướng dân gian, trò chơi, trò diễn, múa hát cửa đình... do nhân dân làng Đông Môn gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay cũng là một trong những điểm quan trọng để thu hút du khách thăm quan.
Đình Đông Môn: Đình được xây dựng vào thế kỷ 19 thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, nằm cách cổng phía Đông Thành Nhà Hồ khoảng 150m về phía Đông, Đình Đông Môn là ngôi đình lớn, có giá trị lịch sử nghệ thuật cao. Ngôi đình được làm từ vật liệu chính là gỗ, rộng năm gian, lợp ngói đỏ, cùng với các chạm trổ tinh xảo trên các cây cột, kèo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của làng đình Việt. Tại ngôi đình còn lưu giữ một số hiện vật liên quan đến di tích Thành Nhà Hồ và nhiều sinh hoạt truyền thống gắn với ngôi làng cổ của kinh đô xưa. Từ năm 2007 đến năm 2009 đình được trùng tu, tôn tạo. Đình được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc cấp tỉnh năm 1992.
Đền Bình Khương: Thuộc địa phận thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long, nằm sát tường phía Đông, thuộc khu vực nội hào ngoại thành của di sản Thành Nhà Hồ. Đền là nơi thờ nàng Bình Khương phu nhân của Cống sinh Trần Công Sỹ, một trong những người chỉ huy xây dựng tường thành phía Đông của thành Tây Đô. Đền được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 1995.
Nhà cổ Đông Môn: Hiện các ngôi nhà cổ bắc bộ trong khu vực làng cổ Đông Môn được bảo tồn tương đối tốt, kiến trúc các ngôi nhà được thực hiện theo lối cổ, đa phần là kiến trúc gỗ với kiểu cách xây dựng có cột kèo được điêu khắc tương đối tinh xảo và được xây dựng theo kiểu ba gian hai trái hoặc năm gian hai trái có niên đại từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Do ít chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nên cư dân làng cổ Đông Môn đa phần vẫn giữ nguyên nếp nhà cổ được thế hệ trước xây dựng cho đến ngày nay. Những ngôi nhà cổ tồn tại gắn liền với lối sinh hoạt, nếp sống, nếp văn hóa truyền thống của cư dân làng cổ này. Trong ngôi làng cổ, xuất hiện một ngôi nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng thuộc làng Tây Giai, cách Thành Nhà Hồ 200m phía cổng Tây. Ngôi nhà từng được UNESCO công nhận là một trong 10 ngôi nhà cổ tiêu biểu nhất của Việt Nam, với các giá trị về kiến trúc, về sự mộc mạc giản dị. Năm 2002, ngôi nhà cổ này được tổ chức JICA của Nhật Bản đầu tư kinh phí nghiên cứu, bảo tồn và trùng tu.
Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ chú trọng quan tâm đến việc xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, khai thác, phát triển du lịch lành nghề, thạo việc, đặc biệt đội ngũ hướng dẫn viên được quan tâm đào tạo bồi dưỡng, qua đó thực hiện tốt các chiến lược quản lý khu di sản. Các cán bộ được cử đi đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và trong các hội thảo, tập huấn họ đều được cử đi tham dự để từng bước nâng tầm quản lý của đội ngũ cán bộ làm công tác Du lịch tại khu di sản Thành Nhà Hồ. Đồng thời học hỏi kinh nghiệm quản lý của các khu di sản trong nước cũng như quốc tế để chọn lọc và áp dụng vào điều kiện thực tiễn trong hoạt động quản lý, khai thác và phát triển du lịch tại khu di sản Thành Nhà Hồ cũng thường xuyên được quan tâm.
Ngày nay du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng đã trở thành xu thế du lịch của đông đảo du khách trong nước và quốc tế, việc khai thác tiềm năng thế mạnh từ vốn văn hóa của cộng đồng làng cổ Đông Môn thuộc khu vực lõi di sản Thành Nhà Hồ nói riêng, không gian văn hóa khu vực phía Đông di sản Thành Nhà Hồ nói chung là một trong những lợi thế tiềm năng để khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Với một công cuộc bảo tồn lớn lao theo những tiêu chuẩn cao nhất của di sản Thế giới, di sản Văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ sẽ mãi mãi được giữ gìn cho tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Việt Nam nói chung và cho thế giới, mãi mãi là niềm tự hào của chúng ta./.