VNHN - Ngày 7/3, tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức lễ động thổ xây dựng công trình HT1 thuộc phân khu 4 (gọi tắt là Zone 4) của Dự án thành phần đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Trường ĐHKHTN), ĐHQGHN.
Lễ động thổ là sự kiện đầu tiên được ĐHQGHN triển khai thực hiện, kể từ khi ĐHQGHN tiếp nhận bàn giao Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng trong tháng 1/2018.
Trước đó, ngày 18/12/2014, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1516/QĐ-BXD về việc phê duyệt Dự án QG-HN07 thuộc dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Lễ động thổ xây dựng công trình HT1 thuộc phân khu 4 Dự án thành phần đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. Ảnh: VGP/Nhật Nam.
Theo đó, Dự án QG-HN07 đáp ứng quy mô đào tạo 12.800 sinh viên và 2.000 học sinh chuyên THPT. Dự án này có quy mô diện tích đất sử dụng là 651.000 m2 (65,1 ha), tổng diện tích sàn 235.480 m2, chiều cao tối đa xây dựng là 11 tầng với tổng mức đầu tư khoảng 3.100 tỉ đồng. Dự án QG-HN07 bao gồm 9 phân khu, từ Zone 1 đến Zone 9, phân theo nhóm chức năng hoạt động và lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt.
Phân khu Zone 4 bao gồm các công trình: Khoa Toán-Cơ-Tin (HT1), Khoa Vật lý (HT2), Trung tâm nghiên cứu NC1 và căng tin, dịch vụ. Căn cứ vào nguồn vốn ngân sách bố trí cho dự án, năm 2017, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc đã hoàn thành công tác thực hiện chuẩn bị đầu tư như: Tổ chức lập thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, giám sát...
Công trình HT1 với quy mô cao 5 tầng (không kể tầng mái tum) với tổng diện tích sàn xây dựng là 14.330 m2. Tổng mức đầu tư của công trình là 113,9 tỷ đồng (bao gồm cả dự phòng phí), công trình đến nay đã được bố trí 56 tỷ đồng vốn đầu tư.
Hôm nay, Công trình HT1 được khởi công xây dựng, là tín hiệu vui về một mặt bằng cùng cơ sở vật chất khang trang, phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong tương lai gần, đáp ứng phần nào mong mỏi của toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHQGHN.
Việc hoàn thành công trình này sẽ tạo động lực thúc đẩy các công trình, dự án thành phần khác và sẽ là tiền đề để ĐHQGHN đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển các nghiên cứu khoa học và công nghệ chuyên sâu, chuyển giao tri thức đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học-công nghệ của đất nước, thu hút các nhà khoa học xuất sắc và sinh viên quốc tế đến làm việc và học tập tại Việt Nam.
Dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc có tổng diện tích hơn 1.000 ha bao gồm 21 dự án thành phần, có cấu trúc của một đô thị đại học chất lượng cao. Tính đến nay, Dự án này đã đưa vào sử dụng các công trình, hạng mục công trình thuộc khu nhà công vụ (QG-HN06), khu KTX số 4 (QG-HN05); Hoàn thành nút giao thông đối ngoại số 4; Thi công các tuyến đường số 1, 3, 4, 5 đạt từ 70-90% khối lượng công việc của hợp đồng; Thi công các tuyến đường số 6, 9, 12, công trình kè hồ, mương tuyến 1, 3, 8, 9; công trình Trạm biến áp 110 KV, đường dây 110 KV đấu nối và các xuất tuyến cáp giai đoạn 1 đạt từ 30-50% khối lượng công việc của hợp đồng.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, hơn 20 năm trước đây, Đảng và Chính phủ đã thể hiện tầm nhìn và tư tưởng lớn về phát triển đại học với việc thành lập 2 ĐHQG và tập trung đầu tư cho 2 ĐH này để Việt Nam sớm có ĐH đẳng cấp quốc tế. Nếu thực hiện thành công tư tưởng này sẽ góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đây là tiền đề để thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Đến hôm nay, ý chí và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với tương lai của ĐHQGHN trong chặng đường xây dựng một đô thị đại học hiện đại tại Hòa Lạc.
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn bày tỏ việc ĐHQGHN nhận chuyển giao Dự án Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng là kết quả của mối quan tâm mới và đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng những chủ trương mới, cơ chế mới, đầu tư mới, nguồn lực mới, giải pháp mới, quyết tâm mới... Những quan tâm đặc biệt của Bộ Xây dựng với Dự án này, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, làm tiền đề để bứt phá trong việc triển khai các hoạt động tiếp theo./.