19/05/2024 lúc 07:25 (GMT+7)
Breaking News

Đến với “Phương Hoàng Trung Đô” xưa

VNHN - Sau đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 đánh đuổi giặc Thanh, giải phóng Thăng Long, Hoàng đế Quang Trung bắt tay vào công cuộc xây dựng và củng cố đất nước. Việc đầu tiên và cũng là việc quan trọng nhất là chọn đất đóng đô cho vương triều mới. Sau nhiều lần ghé chân qua Nghệ An,ông nhận thấy đây là vùng đất địa linh nhân kiệt nên đã hạ chiếu cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - Viện trưởng Sùng chính thư viện xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô ở đất Yên Trường, huyện Châu Lộc (vùng đất bên dòng

VNHN - Sau đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 đánh đuổi giặc Thanh, giải phóng Thăng Long, Hoàng đế Quang Trung bắt tay vào công cuộc xây dựng và củng cố đất nước. Việc đầu tiên và cũng là việc quan trọng nhất là chọn đất đóng đô cho vương triều mới. Sau nhiều lần ghé chân qua Nghệ An,ông nhận thấy đây là vùng đất địa linh nhân kiệt nên đã hạ chiếu cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - Viện trưởng Sùng chính thư viện xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô ở đất Yên Trường, huyện Châu Lộc (vùng đất bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết bây giờ).

Chính tại nơi này, vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để đánh đuổi quân xâm lược, làm nên trận Đống Đa lịch sử… Mặc dù chỉ được xây dựng trong thời gian ngắn và gấp, nhưng thành đã có thành nội, thành ngoại và điện Thái Hòa - nơi Hoàng đế Quang Trung thiết triều. Tiếc rằng, khi thành Phượng Hoàng vừa xây xong, kế hoạch dời đô còn dang dở thì Hoàng đế đột ngột băng hà (1792). Phượng Hoàng Trung đô là tên được đặt theo ý nghĩa Chim Phượng hoàng - một loài chim trong truyền thuyết, có sức mạnh vô song; Trung đô có ý nghĩa là Kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Hoàng đế Quang Trung kiểm soát.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung

Nằm ở độ cao 97m so với mực nước biển, Đền thờ vua Quang Trung được xây dựng trên đỉnh núi Dũng Quyết - Thành phố Vinh, Nghệ An, để ghi nhớ công lao to lớn của người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Hoàng đế Quang Trung. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 15/8/2005, đến ngày 7/5/2008 làm lễ khánh thành và mở hội phục vụ khách tham quan, là công trình kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung đô. Cùng với rất nhiều hạng mục khác, Trung tâm của toàn bộ ngôi Đền chính là nhà Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, được thiết kế theo hình chữ Tam, cao dần lên. Cả 3 nhà đều được làm bằng gỗ lim, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn.  Trong đó, Nhà hạ điện có diện tích lớn nhất (180m2) gồm 3 gian, kết cấu 2 tầng mái, giữa hai tầng có bộ chắn song con tiện để thông gió và lấy ánh sáng từ ngoài vào nhằm tăng thêm phần hoành tráng, đồ sộ, cổ kính cho toàn bộ ngôi đền... Nhà Trung điện có diện tích nhỏ hơn (160m2) với 3 gian thờ, gian giữa thờ các quan lại tướng sỹ thời Tây Sơn nói chung, hai bên tả hữu thờ các văn thần và võ tướng tiêu biểu của Triều Tây Sơn…. Nhà Thượng điện là nơi đặt bàn thờ của Hoàng đế Quang Trung cùng vương phụ Hồ Phi Phúc và Vương mẫu Nguyễn Thị Đồng. Tượng Hoàng đế Quang Trung dáng ngồi, đúc bằng đồng cao 1,5m được đặt chính giữa hậu cung…  

Năm 2019 này, nhân 227 năm ngày Giỗ Hoàng đế Quang Trung (1792 - 2019), một điểm nhấn mới của Khu đền là tại đây vừa khánh thành hàng tượng Quan văn, Quan võ bên ngoài Đền;  không chỉ tạo thêm vẻ đẹp tâm linh cho khu di tích trên núi Dũng Quyết, mà còn để tưởng niệm, tri ân những vị tướng, vị quan có công lao cùng Hoàng đế Quang Trung lập nên chiến công oanh liệt đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước.

Là một khu Di tích uy nghi, bề thế, với một cảnh quan tuyệt đẹp, nơi đây vừa là một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh vừa là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Từ trên đền, du khách có thể nhìn ngắm dòng sông Lam hiền hòa uốn lượn, ngắm thành phố Vinh mờ ảo trong sương sớm, rực rõ dưới ánh chiều tà. Xa hơn, hướng về phía Nam là 99 đỉnh non Hồng, phía Đông là nơi dòng Lam xanh ngắt hòa mình vào biển cả. Từ khi xây dựng đến nay, đã 11 năm đền Quang Trung  trở thành một điểm du lịch - tâm linh thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa. Quần thể Đền thờ Quang Trung trên núi Quyết đã được công nhận là Di tích Danh thắng cấp Quốc gia.

Hàng năm Đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 ngày lễ lớn đó là: Ngày 29 tháng 7 âm lịch - ngày giỗ của Hoàng đế Quang Trung, và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch - ngày Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa… Ngoài việc hưởng thụ những giá trị văn hóa tâm linh, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí tĩnh mịch linh thiêng của Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, du khách còn có dịp thưởng thức hương vị đặc biệt “đặc sản chè vằng” được Ban Quản lý thu hái từ cây chè vằng tự nhiên trên núi Dũng Quyết nơi đền thờ tọa lạc để làm nên những bát nước ấm tình người, tình đất, mời du khách gần xa…