23/11/2024 lúc 15:37 (GMT+7)
Breaking News

Đề xuất Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030

VNHN - Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất.

VNHN - Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Quy hoạch phát triển tổng thể lĩnh vực viễn thám hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của thế giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Cụ thể, từ nay đến năm 2025, sẽ hình thành khung chính sách, văn bản quy phạm pháp luật viễn thám; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về viễn thám, đảm bảo 80% đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước tại Trung ương, 60% đội ngũ cán bộ chuyên trách tại địa phương được đào tạo cơ bản, đại học và sau đại học tại các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học về viễn thám.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển vệ tinh viễn thám đáp ứng nhu cầu cung cấp dữ liệu viễn thám; nâng cấp hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám hiện có, xây dựng mới 2 trạm thu nhận dữ liệu viễn thám hiện đại có khả năng thu nhận dữ liệu từ nhiều vệ tinh tại Hà Nội và Bình Dương; cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, chuyên ngành tại các Bộ, ngành, địa phương.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám trong các ngành, lĩnh vực. Mở rộng quan hệ quốc tế về viễn thám chú trọng hợp tác đa phương với các nước trong khu vực; thiết lập các quan hệ song phương về viễn thám với các nước phát triển…

5 giải pháp thực hiện

Dự thảo đã đề xuất 5 giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nêu trên.

Cụ thể, về cơ chế chính sách, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý lĩnh vực viễn thám phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội trong nước và thông lệ quốc tế; xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá sản phẩm hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Về đầu tư, công bố công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực viễn thám; phát huy vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về viễn thám, ưu tiên hợp tác với các đối tác truyền thống trong khu vực và trên thế giới để thu hút đầu tư phát triển các hoạt động viễn thám; xây dựng và áp dụng các chính sách ưu đãi, hợp lý nhằm thu hút đầu tư nước ngoài; ban hành chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài hình thành và triển khai các dự án đầu tư về viễn thám.

Về tài chính, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn của các thành phần kinh tế khác trong nước để thúc đẩy các hoạt động viễn thám; xây dựng mối quan hệ tốt, cùng có lợi với các ngân hàng thương mại truyền thống; mở rộng hợp tác với các ngân hàng có uy tín trong khu vực và trên thế giới; bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay cho các dự án trọng điểm phát triển vệ tinh viễn thám.

Về khoa học công nghệ, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong các hoạt động viễn thám. Bên cạnh đó, xây dựng đồng bộ các chính sách về khoa học công nghệ, gắn kết công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo với thực tiễn cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực viễn thám, cập nhật các ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động viễn thám, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thử nghiệm các ứng dụng khoa học công nghệ mới trong phát triển lĩnh vực viễn thám tại Việt Nam.

Về phát triển nhân lực, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ lĩnh vực viễn thám hiện có; thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực viễn thám; xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo chuyên ngành viễn thám ở các cơ sở đào tạo bậc đại học và trên đại học. Tổ chức thí điểm để xây dựng và vận hành cơ chế tuyển dụng, đào tạo, sử dụng chuyên gia về viễn thám trong và ngoài nước; cử cán bộ đi đào tạo bằng nguồn ngân sách tại các nước phát triển về viễn thám./.

Theo Chinhphu.vn