28/12/2024 lúc 07:14 (GMT+7)
Breaking News

Để Quảng Ninh không có điểm nóng về mại dâm

VNHN - Quảng Ninh là trung tâm dịch vụ, du lịch, thương mại lớn trong nước với tốc độ đô thị hóa nhanh. Điều này cũng kéo theo sự phát triển của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 2.731 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

VNHN - Quảng Ninh là trung tâm dịch vụ, du lịch, thương mại lớn trong nước với tốc độ đô thị hóa nhanh. Điều này cũng kéo theo sự phát triển của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 2.731 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Quang cảnh TP.Hạ Long 

Để không có những điểm nóng về tệ nạn mai dâm trên địa bàn, thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống tệ nạn này. Để kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm, thời gian qua, công tác kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm được tiến hành ở cả cấp tỉnh, huyện và cấp xã. Từ năm 2016 đến nay, các đội kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 1.507 cơ sở, qua đó xử phạt tiền 219 cơ sở vi phạm với số tiền gần 353 triệu đồng.

Qua kiểm tra, các đoàn cũng đã lập biên bản, đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng ra quyết định xử phạt đối với các cơ sở vi phạm; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở, chấn chỉnh, tư vấn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Hội thảo về tình trạng Ma tuy - Mại dâm - Mua bán người được tổ chức tại Quảng Ninh

Được biết, từ năm 2016 đến nay, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, lập phương án đấu tranh, triệt phá 78 vụ, bắt giữ 398 đối tượng liên quan đến hoạt động mại dâm, gồm: Chủ chứa, môi giới, gái mại dâm, khách mua dâm; lập hồ sơ đề nghị truy tố 71 vụ với 104 bị can; phạt cảnh cáo, xử lý hành chính 285 đối tượng. Cũng từ năm 2016 đến nay, đã có 86 vụ với 121 bị cáo liên quan đến tệ nạn mại dâm bị Tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh đưa ra xét xử.

Bên cạnh đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm cũng được đẩy mạnh, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Từ năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng đã tổ chức 478 lớp tập huấn, tuyên truyền, sinh hoạt các câu lạc bộ cho hơn 8.000 hội viên, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và gần 18.300 lượt quần chúng về phòng, chống tệ nạn mại dâm; cấp phát hàng trăm nghìn tờ gấp, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về phòng, chống mại dâm; tuyên truyền hàng nghìn tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Cùng với đó, toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì tốt mô hình xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 104 xã, phường, thị trấn đạt mức lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; 67 xã, phường, thị trấn đạt mức chuyển hóa mạnh và 6 xã, phường, thị trấn đạt mức có chuyển hóa. Toàn tỉnh cũng duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 25 đội công tác xã hội tình nguyện với những hoạt động thiết thực trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Các đội này tập trung vào hoạt động tuyên truyền trực tiếp đến gia đình, người có nguy cơ cao và học sinh, sinh viên trên địa bàn về tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV; tổ chức các hoạt động giúp đỡ người bán dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, giảm bớt mặc cảm, kỳ thị của người dân...

Cán bộ quản lý địa bàn tuyên truyền tại cơ sở

Trên địa bàn tỉnh còn Thực hiện 3 mô hình thí điểm phòng, chống mại dâm tại cộng đồng trên địa bàn TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, gồm: Mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới”; mô hình “Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng” và mô hình “Hỗ trợ bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”. Đây là những mô hình được sự hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Thông qua các mô hình này, giúp cơ quan chức năng nắm bắt được tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn; qua đó có kế hoạch nhằm kết hợp biện pháp can thiệp giảm hại về HIV/AIDS để hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm chuyển đổi nghề; đảm bảo tốt quyền lợi cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm; giúp những lao động tiếp cận các dịch vụ xã hội, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý, y tế gắn với các chính sách của tỉnh. Từ đó, góp phần giảm thiểu những tác hại của hoạt động mại dâm đến đời sống xã hội.

Với các hoạt động thiết thực đó, tình hình hoạt động tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh thời gian qua liên tục được kiểm soát, không để xảy ra những điểm nóng, tụ điểm phức tạp gây bức xúc trong dư luận xã hội.