22/12/2024 lúc 13:25 (GMT+7)
Breaking News

Để phát triển đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ đáp ứng yêu cầu mới hiện nay

Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng việc việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ (KHCN) nói riêng, còn bất cập, hạn chế; một số nội dung của Nghị quyết chậm được thể chế; chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hoá lớn…

Khi Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng việc việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ (KHCN) nói riêng, còn bất cập, hạn chế; một số nội dung của Nghị quyết chậm được thể chế; chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hoá lớn…

Ảnh minh họa - TL

Thực tế phát triển đội ngũ trí thức KHCN

Trong 15 năm qua, từ sau Nghị quyết 27 của Trung ương, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi những người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như các lĩnh vực khác. Đã có rất nhiều cán bộ khoa học trẻ được đào tạo ở các nước phát triển quay trở về phục vụ cho nền khoa học công nghệ của nước nhà. Nước ta đạt được những thành tựu lớn cũng một phần quan trọng nhờ vào đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, đội ngũ trí thức mới. Cùng với đó, đội ngũ trí thức của Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn cả về lượng và chất. Theo Tổng Cục thống kê, năm 2009, số lượng cán bộ có trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm khoảng 4,4% so với số lượng dân số trong độ tuổi lao động; đến năm 2020 con số này là 11,1% và năm 2022 là 11,87 %. Điều đó chứng tỏ, đội ngũ trí thức của ta đã có sự lớn mạnh về số lượng; sự đóng góp của họ trong việc tham mưu, góp ý, phản biện vào các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước ngày càng thể hiện rõ hơn.

Mặc dù vậy, trong số các sản phẩm nghiên cứu sáng tạo của đội ngũ trí thức tạo ra, số lượng sản phẩm ứng dụng rộng rãi để mang lại nhiều giá trị cho xã hội, cộng đồng cũng còn rất hạn chế. Bởi vì có nhiều điểm nghẽn trong chính sách, cơ chế dẫn tới chưa phát huy được hết sức mạnh của đội ngũ trí thức. Về vấn đề này, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu, bên cạnh những kết quả, mục tiêu cơ bản đã đạt được thì công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ những hạn chế. Và đội ngũ trí thức của chúng ta nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Những vấn đề tồn tại, vướng mắc nhất hiện nay chủ yếu vẫn trong hệ thống tổ chức thực hiện. Trong đó, nổi lên chính là sự vướng mắc giữa các hệ thống luật pháp. Muốn thực hiện chế độ ưu đãi đối với trí thức đòi hỏi các cơ chế, chính sách bị chi phối bởi các luật hiện hành và nó phải thực sự có sự liên thông; Ví dụ như chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp, chế độ nhà ở rồi việc chuyển giao công nghệ… vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Đó là chưa kể những khó khăn khác, như: Chi ngân sách bị hạn chế, đời sống của người dân, trong đó có đội ngũ trí thức nằm trong bối cảnh chung; rồi dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế toàn cầu,  những xung đột của các khu vực, các vùng lãnh thổ dẫn tới làm đứt đoạn chuỗi cung ứng... Cho nên các doanh nghiệp của ta còn khó khăn, thu ngân sách cũng khó khăn. Mặt khác, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế, chính sách đột phá nào về tiền lương, về ưu đãi đối với đội ngũ trí thức nói chung và trí thức  khoa học công nghệ nói riêng. Đây là điều khó, thiếu động lực, chưa khuyến khích được đội ngũ trí thức dấn thân...

Ở một góc độ khác, ngân sách chi cho giáo dục sau phổ thông còn rất thấp; chúng ta mới dành khoảng 0,33% GDP để chi cho giáo dục đại học, tức là chiếm khoảng 6,07% tổng chi ngân sách cho giáo dục. Trong khi tại các nước phát triển, mức chi này là từ 1% GDP trở lên. Trên thực tế ở nước ta, mức chi còn thấp hơn, chi cho giáo dục đại học chỉ đạt khoảng 0,18% GDP và như vậy thì chỉ chiếm 4,6% ngân sách chi cho giáo dục; con số này của Thái Lan là 15,55%, còn Singapore 35,28%. Điều đó dẫn tới đội ngũ trí thức rất khó khăn trong hoạt động...

Nhìn nhận chi tiết hơn có thể thấy: Những người làm khoa học công nghệ ở nước ta hiện nay là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong đội ngũ công chức, viên chức. Bởi vì với họ không có phụ cấp gì ngoài lương cơ bản. Tức là các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu công lập, các viện hàn lâm, các viện của các Bộ hiện nay chỉ có lương cơ bản mà không có bất kỳ một chế độ phụ cấp nào, trong khi những người làm việc ở các lĩnh vực khác thì đều có từ 1 đến 3 loại phụ cấp khác nhau. 

Một điểm nghẽn nữa là về quan điểm trong đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Hiện nay chúng ta đang thiên nhiều về sản phẩm. Trong khi đó, đáng lẽ là đầu tư ngân sách của Nhà nước cho khoa học công nghệ phải tập trung vào đầu tư để phát triển nguồn lực. Nguồn lực ở đây có hai yếu tố là con người và sản phẩm sáng tạo. Nếu chúng ta thay đổi được quan điểm đó,  giáo dục trình độ cao với nghiên cứu khoa học gắn kết với nhau, đầu ra sẽ rõ ràng hơn. Thực ra, ai cũng mong muốn, thông qua hoạt động chuyên môn của mình, những người làm khoa học công nghệ có thể có được những nguồn thu nhập khác bổ sung. Thế nhưng trên thực tế, với cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc, ràng buộc lẫn nhau thì các nhà khoa học khó có thể tạo ra nguồn thu nhập để tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học của mình.

Nói như vậy, không có nghĩa chỉ đơn thuần là vấn đề tiền lương. Mặc dù tiền lương và chế độ đãi ngộ rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn đối với những người làm khoa học để có thể theo đuổi được đam mê - đó chính là điều kiện làm việc. Họ phải được tự chủ trong hoạt động nghiên cứu, phải được cơ quan quản lý quan tâm, thường xuyên trao đổi, đặt hàng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học phải có tự do học thuật, được giao lưu quốc tế, tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất của thế giới, tiếp cận với những tài liệu chuyên ngành, được tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, rồi họ cũng phải được tôn trọng, tôn vinh. Họ phải có những người đồng nghiệp cùng trình độ, cùng chí hướng và được Nhà nước giao nhiệm vụ… Tất cả những yếu tố đó tạo nên một môi trường làm việc. Nếu làm được điều đó cộng với đãi ngộ về tiền lương và thu nhập, chúng ta sẽ có một đội ngũ các nhà khoa học lớn, mạnh và trong tương lai cũng có thể có nhiều nhà khoa học được vinh danh trên trường quốc tế, thậm chí có thể giành được những giải thưởng cao của thế giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Nói thêm về cơ chế, chính sách, trong nghiên cứu khoa học, để tìm ra cái mới, cái chưa có thì chắc chắn xác suất thành công là không cao. Bởi vì nếu nghiên cứu nào cũng thành công thì không cần phải nghiên cứu khoa học nữa. Chính vì thế cần có quan điểm phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Ngay như ở Hoa Kỳ người ta đánh giá tỷ lệ các nghiên cứu khoa học thành công và có thể ứng dụng được cũng chỉ trên dưới 20% số lượng các đề tài nghiên cứu. Nếu chúng ta áp đặt tư duy là đã nghiên cứu thì phải thành công, không bỏ ngăn kéo thì đấy là từ duy rất bất lợi cho những người làm nghiên cứu, khiến cho họ không dám dấn thân.

Nếu chúng ta không kịp thời điều chỉnh chế độ, chính sách, bao gồm chế độ tiền lương, khu vực công lập sẽ vô cùng khó khăn. Các viện nghiên cứu, các trường đại học công lập sẽ không còn là điểm đến đủ sức hấp dẫn đối với những người giỏi, trong khi các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp tư nhân,... có sức hút lớn hơn vì họ có chế độ đãi ngộ tốt hơn và họ hoàn toàn có thể trả lương cũng như các chế độ đãi ngộ cho những người làm khoa học mà họ mời về.

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới một lần nữa đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ về tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Đây là một nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Nhưng yêu cầu quan trọng nhất chính là đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức.

Một số nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy phát triển KHCN và đội ngũ trí thức KHCN

Để đạt được mục tiêu trước mắt và mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030 và phấn đấu đến 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp, nước công nghiệp hiện đại, Đảng đã nêu ra 12 định hướng phát triển đất nước cho giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, Đảng có chủ trưởng và giải pháp rất dứt khoát, cụ thể về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.

Để thực hiện mục tiêu chung của đất nước, mục tiêu và phương hướng phát triển KHCN, cần phải tổ chức, động viên và đề cao vai trò của đội ngũ trí thức đề ra và triển khai quyết liệt một cách đồng bộ các giải pháp sau:

1. Cần thống nhất nhận thức, khoa học – công nghệ không chỉ là một lĩnh vực hoạt động cấu thành của nền kinh tế – xã hội, không chỉ là kết quả xây dựng và phát triển một nước phát triển, một nước công nghiệp hiện đại, mà khoa học – công nghệ là một giải pháp quan trọng có tính quyết định để đổi mới mô hình tăng trưởng, để cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế – xã hội, để nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt phát triển KHCN và ứng dụng thành tựu KHCN vào hoạt động kinh tế – xã hội, vào tổ chức hệ thống thông tin kinh tế và tài chính.

2. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển KHCN, thể chế ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục, hoàn thiện hệ thống giáo dục, gắn kết giáo dục và đào tạo với nghiên cứu khoa học, với triển khai kết quả nghiên cứu khoa học. Trong đó, cần đổi mới cơ chế tài chính KHCN. Cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng Ngân sách Nhà nước (NSNN) thông qua hệ thống Quỹ Phát triển KHCN, cần có các quy định khuyến khích và buộc doanh nghiệp Nhà nước hàng năm phải trích từ 03% – 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp. Cần triển khai các chính sách chi sự nghiệp KHCN…

3. Tăng cường đầu tư từ NSNN, từ nguồn quỹ công để xây dựng các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học – công nghệ hiện đại, các khu công nghệ cao quốc gia. Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển một số trường đại học trọng điểm quốc gia theo mô hình tiên tiến của thế giới để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước và để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

4. Có chính sách và tăng nguồn lực để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ trí thức, trong đó có đội ngũ tri thức trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán. Xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ.

5. Tạo lập môi trường cho hoạt động KHCN và phát huy vai trò của trí thức. Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ. Bảo đảm vấn đề tự do học thuật của đội ngũ trí thức, tại các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu. Khẩn trương nghiên cứu và có chính sách tiền lương và các khoản phụ cấp đủ để trí thức KHCN yên tâm tập trung cống hiến cho sự nghiệp…

6. Thực hiện chủ trương phân cấp và trao quyền tự chủ, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các trung tâm, các cơ sở đào tạo trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và các chức danh khoa học trên cơ sở các tiêu chuẩn của Nhà nước, trong việc sử dụng nhân lực và tài chính theo nhu cầu của đơn vị. Trên cơ sở phân cấp, các tổ chức khoa học và công nghệ cần chủ động xây dựng và triển khai chính sách tài chính, tổ chức, huy động và sử dụng nguồn lực, có chính sách chăm lo, động viên, khích lệ và sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức ở mọi độ tuổi có trình độ cao, có nhiều kinh nghiệm, nhiều tâm huyết và có đủ sức khoẻ cần thiết cho từng loại công việc, từng loại nghề nghiệp, từng loại hoạt động khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phổ biến và triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.

7. Cần quan tâm, tạo điều kiện làm việc, sinh hoạt, quan tâm đổi mới các chính sách ưu đãi,… đối với đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân làm việc ở các vùng kinh tế – xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật,… Các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức nghề nghiệp cần xây dựng cơ chế hoạt động, tổ chức các diễn đàn để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế – xã.

8. Có chính sách, trong đó có chính sách tài chính tăng cường thu hút nguồn lực, nguồn trí tuệ, thu hút đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.

9. Cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với những trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có năng lực quản trị, điều hành, có khả năng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho Việt Nam. Có cơ chế, chính sách, khuyến khích các cơ sở khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật,… ở trong nước hợp tác, trao đổi với chuyên gia, thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài./.

Ths. Lâm Tiến Hùng

...