19/01/2025 lúc 16:01 (GMT+7)
Breaking News

Để nông dân "uyển chuyển dấu chân" trên đồng ruộng

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết "thuận thiên", nhiều ý kiến cho rằng: Cái được lớn nhất đó là tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, chính quyền và nhà khoa học.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết "thuận thiên", nhiều ý kiến cho rằng: Cái được lớn nhất đó là tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, chính quyền và nhà khoa học.

"Không kể công - đó là trách nhiệm"

ĐBSCL hay còn gọi là miền Tây lâu nay đã được các nhà khoa học "đưa vào bản đồ" là một trong những vùng chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đỉnh điểm là  năm 2016, khi ĐBSCL xảy ra hạn - mặn lịch sử gây thiệt hại nghiêm trọng - như một hồi chuông báo động về tác động của BĐKH.

Do biến đổi khí hậu nước mặn tràn vào ruộng lúa của người dân ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Ngay sau đó, Chính phủ đã có hội nghị được ví như "hội nghị Diên Hồng" được tổ chức tại Cần Thơ để tìm cách giúp ĐBSCL thích ứng ứng với BĐKH và được cụ thể bằng Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Có thể nói, sau Quyết định 99/T.Tg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 9/2/1996) về "Định hướng dài hạn đối với việc Phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL" thì Nghị quyết 120 của Chính phủ được xem là rất ý nghĩa và cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của ĐBSCL để thích ứng với BĐKH một cách bền vững.

Khoảng 20 năm trước, mùa lũ là mùa của nhiều cảnh "đau lòng" của người miền Tây: Nước từ sông Me Kong cuồn cuộn đổ về nhấn chìm lúa trong biển nước trắng xóa, nước ngập tận nóc hàng trăm căn nhà vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… Người dân miền Tây "chạy lũ" lên tận TPHCM để mưu sinh.


Khóm Cầu Đúc - một lựa chọn của nông dân Hậu Giang để thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng giáp ranh mặn.

Trong bối cảnh đó, Quyết định 99/T.Tg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp hàng triệu người dân miền Tây "chung sống với lũ" khi: đê bao bảo vệ lúa được xây dựng, các công trình thoát loát lũ ra biển Tây phát huy hiệu quả; hàng loạt cụm, tuyến dân cư mọc lên giúp hàng triệu người dân miền Tây "an cư lập nghiệp".

Thế rồi 5 năm trở lại đây, khi các nước thượng nguồn đua nhau xây dựng đập thủy điện, châu thổ miền Tây lại đối diện với hạn hán nghiêm trọng và nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp.

Nhiều chỉ dấu cho thấy, làn sóng người miền Tây di dân khi châu thổ ngày càng nhiều. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 120 ra đời rất kịp thời để miền Tây thích ứng với BĐKH. Lãnh đạo các địa phương đã ví nghị quyết như "kim chỉ nam, cẩm nang" cho sự phát triển của vựa lúa miền Tây.

Tỉnh Hậu Giang đang hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình sản xuất lúa thông minh.

Nhiều kết quả đạt được từ Nghị quyết 120, song nói về các kết quả trong đầu tư phát triển ĐBSCL thời gian gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Không được kể công mà kết quả này hay là nhiệm vụ tới là trách nhiệm của Chính phủ, của cán bộ, công chức, của chính quyền địa phương. Chúng ta biết kết quả đó là đáng mừng nhưng chỉ là bước đầu quan trọng, còn nhiều việc phải làm".

Khi nông dân "uyển chuyển" thích ứng

"Nghị quyết số 120 của Chính phủ là cột mốc thực sự mang tính đột phá, đánh dấu sự thay đổi từ cách tiếp cận mang tính phòng vệ thụ động đối với biến đổi khí hậu chuyển sang hướng tới mô hình "chủ động thích ứng với thiên nhiên" - bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nói tại Hội nghị lần thứ ba về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Thuận thiên" một quan điểm đang được thẩm thấu vào các nhà khoa học, chính quyền và người dân ĐBSCL. Ông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn, ngụ tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) được mệnh danh là vua tôm của ĐBSCL. Ông là người giàu kinh nghiệm, nhiều thành công và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm sạch, bền vững, có lợi nhuận cho bà con.

Bạc Liêu đã tạo nhiều dấu ấn từ các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Ông Sáu Ngoãn nói một cách khá mộc mạc: "Trong bối cảnh hiện nay phải uyển chuyển thích ứng với biến đổi khí hậu. Gặp môi trường nước mặn thì chúng ta nuôi tôm, cá, trồng cây gì đó cho phù hợp".

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ nhận định: "Về sản xuất nông nghiệp - thủy sản thì địa phương nào cũng có các chuyển đổi về sản xuất, không còn tư duy mình phải kiểm soát, can thiệp nhiều đến thiên nhiên, mà phải nương theo sự thay đổi tự nhiên.

Tỉnh nào hay ngành nào cũng đang điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch của tỉnh, ngành theo tinh thần Nghị quyết 120. Điều thấy dễ nhất là nhiều nơi đã chủ động giảm diện tích lúa vụ 3, các vùng ven biển giảm nhanh diện tích trồng lúa, lúa 3 vụ xuống 2 vụ, từ 2 vụ xuống 1 vụ, 1 phần chuyển qua mô hình lúa- tôm hoặc nuôi tôm sinh thái. Để đối phó với tình hình khô hạn, thiếu nước, nhiễm mặn người dân biết cách dự trữ nước ngọt và tiết kiệm nước".


Cồn Chim - vùng đất thuận thiên theo mùa ở ĐBSCL.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, hiện nay nông dân cũng nghĩ tới việc tăng giá trị nông sản, bằng chứng là một số nơi áp dụng thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Chương trình OCOP là sản xuất theo tự nhiên tạo ra những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhiều địa phương và công ty du lịch chuyển hướng qua loại hình du lịch sinh thái và văn hóa truyền thống.

Nghị quyết 120 như một "kim chỉ nam" giúp ĐBSCL phát triển theo hướng thuận thiên. "Nông dân đã có tư duy không làm nông nghiệp thuần túy nữa mà đa dạng hóa mô hình sản xuất như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, lúa - màu, lúa - cây ăn trái… đồng thời kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch. Một số nơi ngày xưa nuôi thủy sản chuyên canh như nuôi tôm công nghiệp thì bây giờ đã chuyển dần theo hướng nuôi tôm quảng canh cải tiến hoặc nuôi công nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất sạch hơn, giảm bớt mật độ nuôi quá dày, giảm thuốc tăng trọng và các loại kháng sinh", PGS-TS Lê Anh Tuấn cho biết.

Song nhiều ý kiến cho rằng: Thời gian tới, ĐBSCL sẽ đối diện với nhiều thách thức hơn nhất là các tác động về nguồn nước, phù sa từ thượng nguồn dòng Mekong giảm, sụp lún gia tăng, nước biển dâng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tới đây ĐBSCL sẽ tổ chức một diễn đàn trong khuôn khổ sáng kiến "Đối thoại 2045" nhằm gặp gỡ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân, những người có quá trình gắn bó và đã, đang đầu tư vào vùng đất chín rồng để tìm giải pháp cho người dân ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững hơn nữa".