VNHN - Trang tin Times of India đăng bài viết với tựa đề "Trung tâm châu Á: Để hiểu động lực ở Đông Á, chúng ta cần phải hiểu Việt Nam" của nhà báo Rudroneel Ghosh.
Nhiều lý do để tăng cường quan hệ
Theo bài viết, trong một sự kiện gần đây ở New Delhi nhân kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã nhắc lại lời của lãnh tụ Việt Nam Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Ấn Độ và Việt Nam đã phải đấu tranh để giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân và ngày nay, cả hai nước đều đứng trước sự phục hưng của châu Á. Khi trục quyền lực toàn cầu chuyển từ phương Tây sang phương Đông và khu vực Đông Á dần nổi lên như là tâm điểm của một trật tự châu Á mới, Ấn Độ và Việt Nam ngày càng có nhiều lý do để tăng cường quan hệ đối tác.
Tất nhiên, các vấn đề địa chính trị hiện nay đang đóng vai trò như một chất xúc tác cho quan hệ Ấn Độ-Việt Nam. Thương mại hai chiều tăng trưởng đều đặn và hiện ở mức 12,6 tỷ USD và có thể đạt mốc 15 tỷ USD vào năm 2020. Hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Việt Nam cũng đang phát triển với sự trao đổi và hợp tác đào tạo thường xuyên. Tất cả những điều đó đều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để mối quan hệ Ấn Độ-Việt Nam bền vững và không thể đảo ngược không thể chỉ dựa vào yếu tố địa chính trị bởi thực tế là địa chính trị liên tục thay đổi. Có nhiều điều đang diễn ra ở Việt Nam và đáng được chú ý.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ, ngày 19/11/2018.
Một động lực kinh tế mạnh mẽ
Tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam năm 1986 là 60% và hiện chỉ còn dưới 5%. Trên thực tế, Việt Nam đã tiến hành các cải cách kinh tế thị trường, thực hiện "Đổi mới" từ năm 1986 để giải cứu chính mình khỏi tình trạng phụ thuộc vào viện trợ. Một phần chính sách đổi mới là bãi bỏ hợp tác xã nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và nới lỏng hạn chế đầu tư nước ngoài. Chính sách cải cách đã thay đổi đáng kể nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế được nâng lên mức 8 - 9% trong giai đoạn 1991 - 1996. Động lực cải cách kinh tế sau đó đã đưa Việt Nam nổi lên là quốc gia giàu lên nhanh nhất trong thập niên từ 2007-2017.
Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng hơn 7%, đặc biệt lĩnh vực viễn thông đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng. Hiện tại Việt Nam là một trong số những quốc gia có mật độ thuê bao điện thoại di động cao nhất toàn thế giới. Ngoài ra, tỷ lệ đăng ký Internet băng thông rộng ở mức ấn tượng (52,8 thuê bao trên 100 người) trong khi tỷ lệ sử dụng Internet là 54,19% dân số. Trong khi đó, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển. Năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách nước ngoài, đánh dấu mức tăng 19,9% so với năm 2017. Ngành du lịch Việt Nam được xếp hạng thứ 6 trong top 10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất toàn cầu kể từ năm 2017.
Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn. Hình ảnh cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu sôi động tại cảng Hải Phòng.
Sự hòa trộn của truyền thống châu Á
Chính phủ Việt Nam không ngủ quên trên vòng nguyệt quế và đang cố gắng xây dựng một tương lai tốt hơn thông qua việc thực hiện các chiến lược cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam đã đưa ra chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 để đạt được các mục tiêu đến năm 2035 - một mục tiêu có tầm nhìn đưa công nghệ như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn được áp dụng cho tất cả các ngành công nghiệp và quản trị ở Việt Nam. Việt Nam đang tìm cách đưa ra một khung pháp lý để hỗ trợ cuộc cách mạng công nghệ mới này. Về mặt văn hóa, các quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam công nhận 14 tôn giáo và 41 tổ chức tôn giáo và đó là chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam nhằm tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Phật giáo là một lực lượng mạnh mẽ ở Việt Nam và tạo ra sự liên kết tự nhiên với Ấn Độ. Thực tế cho thấy trong khung cảnh văn hóa rộng lớn của châu Á, Việt Nam là nơi hai nền văn hóa lớn là Ấn Độ và Trung Quốc kết hợp với nhau và tạo ra một sự pha trộn văn hóa hòa quyện vào truyền thống Việt Nam. Những điều đó làm cho Việt Nam trở thành một vùng đất độc đáo.
Đó là một sự hòa trộn của các truyền thống châu Á, đồng thời là một động lực kinh tế Đông Nam Á. Thêm vào đó, với tư cách là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam kêu gọi tất cả các nước đầu tư tích cực vào khu vực. Do vậy, khi châu Á mong muốn xây dựng một trật tự địa chính trị mới, hiểu về Việt Nam sẽ là chìa khóa để hiểu được động lực đang diễn ra ở Đông Á.