25/12/2024 lúc 10:12 (GMT+7)
Breaking News

Để có được sự phát triển bền vững về môi trường

Môi trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của con người. Nó cung cấp nguồn tài nguyên quan trọng như không khí trong lành, nước sạch và đất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, duy trì cuộc sống… Tuy nhiên, các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy thoái đất đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Việc bảo vệ môi trường đồng nghĩa với việc bảo vệ cuộc sống và sự phát triển của tất cả chúng ta, nên thực sự là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.

Ảnh minh họa - TL

Vai trò và lợi ích của môi trường

Phát triển bền vững về môi trường có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với mọi người và trái đất này. Để có cuộc sống tốt hơn ở cả thời điểm hiện tại và tương lai, con người nói chung và mỗi quốc gia nói riêng cần tìm ra các giải pháp phát triển bền vững phù hợp.

Phát triển bền vững về môi trường mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại và trái đất, bao gồm: Bảo vệ sức khỏe con người; Bảo tồn đa dạng sinh học; Bảo vệ tài nguyên và môi trường sống; Tạo ra công ăn việc làm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế… Vì vậy, đây là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất để đảm bảo sự phát triển kinh tế và xã hội không gây tổn thương đến hệ sinh thái của hành tinh, không ảnh hưởng xấu đến đời sống con người. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, “bảo vệ môi trường” và “phát triển bền vững” đã trở thành những chủ đề được quan tâm hàng đầu trên toàn cầu.

Việt Nam, với tư cách là một quốc gia đang phát triển và chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đang đứng trước những thách thức to lớn trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2020, Việt Nam đã tạo ra 224 triệu tấn rác rắn, trong đó có rất nhiều rác thải nhựa gây hại cho hệ sinh thái và sức khỏe con người. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với các vấn đề như ô nhiễm không khí do giao thông và công nghiệp, suy thoái đất do khai thác quá mức và biến đổi khí hậu.

Giải quyết vấn đề môi trường không chỉ là trách nhiệm của chính phủ và các tổ chức quốc tế, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng. Việt Nam ta là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực và thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đi kèm với những áp lực lớn lên môi trường.

Để giải quyết các vấn đề môi trường này, trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Cụ thể như: Nghị quyết số 136/NQ-TW ngày 25/9/2020 về Phát triển bền vững; Quyết định 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và các chiến lược, chính sách, quy định về năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đặc biệt là Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 2068 vào ngày 13/4/2022. Chiến lược này nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp; đặt mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu sản xuất điện lên 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050.

Giải pháp phát triển bền vững về môi trường

Các giải pháp cần thực hiện để xây dựng môi trường bền vững bao gồm:

+ Quản lý tài nguyên và xử lý chất thải hiệu quả: Việc quản lý tài nguyên như nước, đất, rừng cùng với việc xử lý chất thải một cách bền vững sẽ giúp giảm bớt sự cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

+ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thải: Việc đầu tư và thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, nước, cùng với việc giảm thải và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng có thể giúp giảm áp lực lên môi trường.

+ Nâng cao đào tạo, nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường: Việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm cá nhân, tổ chức cũng như cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng để thay đổi thái độ và hành động.

+ Tăng trưởng hợp tác quốc tế và hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc phát triển bền vững: Hợp tác quốc tế và việc hỗ trợ các nước đang phát triển để xây dựng một môi trường bền vững là không thể thiếu, giúp tăng cường khả năng thích ứng và phát triển của các quốc gia.

Bên cạnh đó, xây dựng một nền Kinh tế xanh đang trở thành một yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc hoàn thiện khung pháp lý là vô cùng cần thiết. Theo đó, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh, bao gồm:

1-Cần sớm ban hành văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp về kinh tế xanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Qua đó, đưa ra định hướng cụ thể, rõ ràng cho phát triển kinh tế xanh như: Tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường thông qua thiết lập nền tảng cho phát triển các bon thấp và phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc thực hiện công nghiệp xanh và phát triển công nghệ xanh như là động lực của tăng trưởng; đóng góp cải thiện chất lượng cuộc sống; phát triển quốc gia là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế thông qua việc hiện thực hóa xã hội carbon thấp.

2- Nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy định cụ thể về năng lượng sạch, năng lượng tuần hoàn. Theo đó, cần đưa ra các tiêu chí để xác định: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; các phương hướng, biện pháp cụ thể để phát triển, sử dụng nguồn năng lượng này trong thực tiễn; các biện pháp hỗ trợ cụ thể của nhà nước để phát triển, sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong đó, những biện pháp hỗ trợ của nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu, phát triển và sử dụng nguồn năng lượng đặc thù này.

3- Cần thống nhất lại các quy định về ưu đãi thuế, đầu tư nhằm phát triển kinh tế xanh. Thực trạng không thống nhất trong các quy định về ưu đãi thuế, đầu tư nhằm phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam gây khó khăn cho cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện pháp luật và tạo trở lực cho hoạt động phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Việc thống nhất các quy định này cần thực hiện theo hướng: (1) Thống nhất cách xác định dự án bảo vệ được hưởng ưu đãi về thuế, tài chính theo quy định của pháp luật đầu tư là thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước. (2) Thống nhất cách xác định dự án phát triển năng lượng sạch, tiết kiệm theo quy định của pháp luật đầu tư là sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Bởi cách quy định của Luật Đầu tư năm 2020 mang tính bao trùm hơn so với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010.

4- Quy định rõ ràng những chính sách hỗ trợ về kinh tế và công nghệ cho sản xuất, tiêu dùng bền vững để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Thực tế cho thấy, do tồn tại dưới dạng các khuyến nghị với những chính sách hỗ trợ chưa đủ, chưa “mạnh” nên việc sản xuất, tiêu dùng bền vững ở Việt Nam trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại. Vì vậy, để có thể thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, trước tiên cần tiến hành biện pháp phổ biến, tuyên truyền pháp luật về kinh tế xanh, về sản xuất, tiêu dùng bền vững cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

5- Thay đổi quy định về mức chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho bảo vệ môi trường nhằm phát triển kinh tế xanh. Hiện mức chi ngân sách cho bảo vệ môi trường của nước ta còn thấp. Đồng thời nếu so sánh mức chi ngân sách cho bảo vệ môi trường và số thuế bảo vệ môi trường thu được cũng cho thấy, tỷ lệ đầu tư trở lại cho hoạt động bảo vệ môi trường còn thấp, cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác còn nhỏ lẻ và mức động viên thấp. Do đó, để nâng cao hiệu quả của thành tố môi trường nhằm phát triển chính sách kinh tế xanh, Việt Nam cần tăng mức chi ngân sách thường xuyên ở cả mức trung ương và địa phương cho bảo vệ môi trường. Theo đó, cần xem xét tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường, phấn đấu đạt được mức 2% so với tổng chi ngân sách nhà nước...

Trong các giải pháp trên, ban hành văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp về kinh tế xanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và ban hành quy định cụ thể về năng lượng sạch, năng lượng tuần hoàn là giải pháp cơ bản cần ưu tiên trước tiên. Bởi lẽ, hoàn thiện đồng bộ khung cơ chế, chính sách, pháp luật thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh là chủ đề, nhiệm vụ đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ đề cập trong Quyết định 882/QĐ TTg ngày 22/07/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030./.

Ths. Trần Đình Khang

...