18/11/2024 lúc 08:44 (GMT+7)
Breaking News

ĐBQH Lào Cai thảo luận tình hình KTXH-QPAN trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Sáng ngày 17/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Giàng Seo Vần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan ban ngành của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin về chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tổ chức Kỳ họp thứ 3 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội; báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri; khai mạc vào ngày 23/5/2022, dự kiến bế mạc ngày 17/6/2022. Dự kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Quốc hội sẽ cho ý kiến 6 dự án luật; xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022…

Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thông tin về chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Đại diện UBND, đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến tháng 5/2022, cơ bản là ổn định và có nhiều tín hiệu tích cực. Một số ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi, tăng trưởng trở lại. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, đảm bảo khung thời vụ, cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc, giá trị sản xuất đạt trên 13.000 tỷ đồng. Tình hình thương mại dịch vụ, du lịch sôi động trở lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 7.900 tỷ đồng… Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Những biến động của tình hình kinh tế - chính trị và thế giới; dịch bệnh Covid - 19 kéo dài tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống; giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; một số dự án công nghiệp lớn đang gặp khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào; xuất nhập khẩu gặp khó khăn do cửa khẩu phía bạn phát hiện ca nhiễm Covid-19 từ nội địa; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia chưa được Trung ương giao nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của các Chương trình đã được Quốc hội phê duyệt…

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Trọng Hài đã nêu ý kiến, đề xuất với Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu xem xét kiến nghị, chất vấn với Chính phủ và các thành viên Chính phủ cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề nghị Chính phủ sớm ban hành với những chương trình, dự án cụ thể. Đối với Quốc hội, đề nghị nghiên cứu, có cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu tổng thể hệ thống đường tuần tra, kè sông, suối biên giới; có giải pháp sắp xếp, ổn định dân cư; các nguy cơ về môi trường, khí hậu, an ninh nguồn nước của toàn bộ các địa phương có biên giới trong cả nước để có lộ trình bố trí, ưu tiên nguồn lực đầu tư, đồng bộ, toàn diện.

Đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu ý kiến, đề xuất với Đoàn ĐBQH tỉnh.

UBND tỉnh đã tổng hợp được 70 ý kiến, kiến nghị và đề xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, đất đai, bảo vệ môi trường; vấn đề quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, vận tải, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, nội vụ, thuế và an ninh...

Hội nghị diễn ra với nhiều ý kiến trực tiếp của đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tập trung làm rõ sự cần thiết ban hành các dự án luật sửa đổi, những dự án luật ban hành mới (lần đầu) và các dự thảo nghị quyết; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự án luật, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện... Có nhiều ý kiến tham gia góp ý cụ thể vào các điều, khoản trong các dự án luật, dự thảo nghị quyết, lựa chọn các phương án trong dự án luật xin ý kiến và một số nghị định của Chỉnh phủ. Một số nội dung chưa phù hợp hoặc chồng chéo trong quản lý Nhà nước, tính khả thi trong thực tiễn; một số quy định cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV xem xét, thông qua với nhiều dự án luật, nghị quyết và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022. Đồng thời, đồng chí đánh giá cao ý kiến, đề xuất của các đại biểu, trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu tại hội nghị. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ để tham gia ý kiến đối với cơ quan soạn thảo, Chính phủ, Quốc hội tại các phiên thảo luận, phiên họp, kỳ họp của Quốc hội tới.

Diệu Ly