VNHN - Hơn 20 năm trước, sau khi huy động nhiều mối quan hệ tôi xin được cho con vào học ngôi trường khá nổi tiếng ở trung tâm Thành phố. Nhập học được ít hôm, cháu về báo tin là cô giáo chủ nhiệm cũng là giáo viên dạy Toán nói với lớp con là: môn Toán năm nay rất khó, giờ trên lớp không đủ để rèn luyện, các con phải học thêm.
Tôi biết sức học và khả năng tự học của con rất tốt nên nói với con không phải học thêm đâu. Ít hôm sau, con gái đưa về bài kiểm tra chất lượng đầu năm với kết quả là 3 điểm. Tôi thực sự shock. Con gái cũng báo cho biết là các bạn trong lớp hầu hết đã đăng ký học thêm với cô giáo. Và cô còn dặn, các trò nhớ bảo ba mẹ ký vào tờ Đơn xin học mà cô đã soạn sẵn.
Tôi hiểu, đây chính là một “biện pháp kỹ thuật” mà giáo viên dùng để ép con mình phải học thêm một cách hợp pháp.
Và tôi không thể không ký vào tờ đơn, trong đó có lời cam đoan rằng việc học thêm này hoàn toàn xuất phát từ nguyện vọng của học sinh và phụ huynh.
Mất niềm tin
Tôi kể câu chuyện có thật trên để thấy nền giáo dục của chúng ta đã trượt dài trên con đường tha hóa (lời Giáo sư Ngô Bảo Châu) từ những việc như thế. Mặc dầu, trong suốt các năm học tiếp theo của con, số giáo viên dùng “chiêu” như thế không nhiều; và vẫn còn rất nhiều thầy cô giáo thanh liêm, hết lòng với trò, với nghề.
Nhưng trong nghề dạy người, không cho phép có những “con sâu” như thế. Bởi nó sẽ đục ruỗng tâm hồn trẻ thơ và làm bẩn môi trường học đường.
Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến một thế hệ trẻ bị khủng hoảng lòng tin. Rất có thể lòng tin của các cháu đã bị tước mất từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, bởi chính những người mà mình gửi gắm niềm tin và sự tôn kính.
Mất tiền bạc và thời gian
Năm học 2016-2017, có trên 20 triệu học sinh phổ thông bước vào năm học mới. Nếu làm một phép tính, trung bình mỗi tháng một học sinh học thêm hết 1 triệu đồng, với gia đình có thu nhập trung bình của Việt Nam (GDP bình quân khoảng 45 triệu/người/năm, bình quân mỗi tháng cả ba và mẹ có thu nhập khoảng hơn 7 triệu) thì việc chi 1 triệu đồng để con học thêm là con số khá lớn, nhiều gấp 10 lần học phí. Nếu giả sử một nửa trong số 20 triệu học sinh có học thêm thì con số này sẽ là 10.000.000 HS x 1.000.000 đ = 10.000.000.000.000 (mười ngàn tỷ)/tháng. Đó là số tiền rất lớn.
Phụ huynh mất số tiền lớn như thế để được gì? Chủ yếu là con em họ không bị “đì” trong lớp, là có điểm số “đẹp”, đặc biệt là đối phó với các kỳ thi tuyển vào trường chuyên, lớp chọn, thi tuyển vào lớp 10, và thi tuyển đại học. Đó là những cuộc chạy đua mệt mỏi kéo dài 12 năm trời của người học. Đó là 12 năm quý giá, trẻ nhỏ phải hy sinh thời gian vui chơi, thời gian rèn luyện thể chất, thời gian học tập các kỹ năng sống, thời gian thưởng thức văn hóa, nghệ thuật, không có thời gian để trải nghiệm, thay vào đó suốt ngày bị “nhốt” trong phòng học trường chính quy rồi đến trung tâm hoặc nhà thầy, cô giáo. Mỗi ngày, học sinh có thể học thêm từ 2 tiết đến 8 tiết, ròng rã năm này qua năm khác. Nhiều học sinh, ngày chủ nhật, lịch học cũng kín.
Mất sức lực
Nhiều học sinh thành phố 11- 17 tuổi, 6 giờ 30 phải ra khỏi nhà, 21 giờ 30 mới trở về, rã rời, kiệt sức, ăn vội bữa tối rồi lại phải ngồi vào bàn học chuẩn bị cho ngày mai. Sáng học, chiều học, tối học. Các em không có thời gian để hồi sức, tái tạo sức. Những bữa ăn chiều muộn trước giờ học thêm buổi tối thường là thức ăn đường phố, kém an toàn, khả năng nhiễm độc rất lớn. Giữa việc học thêm của học sinh với chiều cao trung bình của người Việt thấp nhất châu Á - cũng có lẽ thấp nhất thế giới, nam là 164cm, nữ 153cm - và năng suất lao động của người Việt thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần - không thể không có mối quan hệ.
Tuổi 11- 17 là tuổi dậy thì, là cơ hội cuối cùng để tăng chiều cao và tạo thể lực nền tảng, nhưng các em ăn không đủ chất, ngủ không đủ giấc và học quá tải.
Lùn, bé nhỏ, yếu ớt… dễ tạo mặc cảm cho người Việt trước những người “khổng lồ”. Nhiều khi thua ngay từ vạch xuất phát vì thiếu tự tin. Sau tuổi này, muốn phát triển chiều cao và thể lực thì đã muộn.
Mất khả năng tự học và sáng tạo
Cái mà em đi học thêm (trừ việc học ngoại ngữ) hầu hết là học trước bài sẽ được học trong giờ chính khóa, hoặc luyện giải các kiểu đề, kiểu bài để thi. Giáo viên thường luyện nhiều đề, nhiều dạng đề, nếu trúng đề của trường, của phòng, của sở, của Bộ ra thì kết quả bài thi của trò (mà người ta quen gọi là “gà”) sẽ cao. Từ việc này có thể sinh ra nhiều hệ lụy, trong đó có thể có chuyện tiêu cực, móc ngoặc, mua bán đề.
Dạy thêm và học thêm chỉ để thi chứ không hề có cái gọi là sáng tạo trong đó. Từ các nhóm nhỏ cho đến các lớp ôn thi hàng trăm người, hầu hết là giáo viên giảng – đọc, học sinh nghe – chép. Cách truyền thụ một chiều như thế càng “củng cố” cách học thụ động của học sinh vốn đã được hình thành ngay từ khi mới vào tiểu học, từ những bài gọi là văn mẫu mà cô giáo yêu cầu, tệ hơn nữa là ép phải học thuộc. Cứ như thế, năm này qua năm khác, học chính khóa cũng như học thêm, học sinh quen với việc bị nhồi nhét kiến thức, làm bài như thầy cô hướng dẫn, an toàn, điểm cao, không cần phải nghĩ khác, làm khác.
Việc học nhồi nhét, với các bài đã được làm sẵn như thế giết dần khả năng tự học và sáng tạo của người học. Như vậy, nền giáo dục của chúng ta đào tạo ra những con người thụ động, chỉ biết làm theo, biết thừa hành, không dám nghĩ, dám làm. Việc Việt Nam ta hơn 450 trường đại học, có hơn 24.000 tiến sĩ, 9.000 giáo sư mà công trình khoa học và phát minh, sáng chế thấp hơn tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á (theo thống kê, trong 5 năm 2006-2010, bằng sáng chế được cấp: Việt Nam (5), Indonesia (74), Philippines (143), Thái Lan (206), Malaysia (877), Singapore (2.496), riêng Nhật Bản là 197.075 và Mỹ là 1.000.900, cũng như đến nay chúng ta vẫn không tự sản xuất được ốc vít, hay hàng hóa sản phẩm của chúng ta mẫu mã đơn điệu, kém cạnh tranh.v.v… có không việc do người Việt trẻ chúng ta đã bị giết mất sự sáng tạo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trong thời đại khoa học kỹ thuật - công nghệ phát triển như hiện nay, sáng tạo là then chốt của sự phát triển.
Giáo dục của chúng ta chưa khuyến khích và chưa tạo ra được những con người biết sáng tạo. Vì thế, chúng ta vẫn lạc hậu và tụt hậu so với khu vực và thế giới.
Vì những sự mất mát tính được và không tính được là vô cùng lớn, nên Thành phố Hồ Chí Minh chỉ thị Cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường phổ thông (kể từ năm học 2016 - 2017, chấm dứt việc tổ chức học thêm, dạy thêm tại các trường trên địa bàn Thành phố, chỉ cho phép tổ chức học thêm, dạy thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường) là việc cần thiết, dù vấp phải nhiều ý kiến, nhất là ý kiến giáo viên – chủ thể có lợi ích lớn nhất trong hoạt động này.
Hãy cứu lấy thế hệ trẻ, cũng là cứu lấy tương lai dân tộc!